Đền Kim Liên và dấu ấn văn hóa Hà Nội

12/10/2021 08:48 246

Đền Kim Liên được coi là một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ. Đó là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt, là n...

Đền Kim Liên hay còn gọi là đền Cao Sơn trở là một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ Kinh thành. Cùng với thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ hợp thành “Thăng Long tứ trấn”.

Theo ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ phụ trách văn hóa phường Phương Liên thì đền Kim Liên có từ trước khi vua Lý Thái Tổ định đô về Thăng Long. Đền thờ thần Cao Sơn và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân). Lúc đầu chỉ là ngôi đền nhỏ, đến thời vua Lê Tương Dực đền được xây dựng to đẹp, bề thế hơn.

Trải qua thời gian, đền đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Trước năm 2000 đền chỉ còn lại tòa hậu cung gồm 3 gian do nhiều lần bị hỏa hoạn. Nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2000) đền đã được đại trùng tu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Bình, người cao tuổi ở phường Phương Liên thì về cơ bản đền vẫn mang dáng dấp cũ. Từ kết cấu cho đến các mảng chạm khắc trong đền vẫn được giữ nguyên trạng.

Kiến trúc chính của đền Kim Liên nằm trên gò cao, bao gồm tam quan và đền thờ thần. Trong hệ thống Tứ trấn Thăng Long không nơi nào có được tòa Phương đình đẹp và đặc biệt như Phương đình của trấn Nam Thăng Long. Phương đình đền Kim Liên cũng chính là nơi thờ tự quan Văn, quan Võ như tất thảy các hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng khác của Việt Nam. Điểm đặc biệt của tòa Phương đình này ngoài hai đôi Nghê trên trụ mái rất cổ, còn ở nét kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng còn lưu giữ được khá rõ nét những mạch vữa từ thuở đầu xây dựng. Phía đốc nhà Phương đình là hình hổ phù rất độc đáo.

Phương đình đền Kim Liên

Đền chính có kết cấu hình chữ đinh gồm bái đường và hậu cung. Trong hậu cung đặt 2 long ngai và 10 pho tượng từ điện Mẫu của chùa Kim Liên ở cạnh đưa tới. Gian cuối cùng của hậu cung là nơi thờ Cao Sơn đại vương và hai nữ thần phối hưởng là Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ minh phu nhân. Long ngai thờ thần Cao Sơn có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, được làm theo kiểu chân quì dạ cá, các lớp trên chạm thủng hoa dây, là một hiện vật quý, hiếm.

Hậu cung đền Kim Liên 

Có thể nói đền Kim Liên đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long xưa. Đền vừa tạo dựng việc đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành. Đền mang uy danh của thần Cao Sơn nên lễ hội rất náo nhiệt.

Trước đây, lễ hội đền Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 – 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm (ngày sinh của Thần), sau giỗ tổ Hùng Vương. 

Với kiến trúc độc đáo và lễ hội đầy màu sắc, đền (đình) Kim Liên đang lưu giữa những giá trị văn hóa, lịch sử vô giá. Đó chính là chiếc cầu nối truyền thống ngàn năm của Kinh Đô Thăng Long xưa truyền lại tới Hà Nội hôm nay.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/den-kim-lien-va-dau-an-van-hoa-ha-noi-29859.vov2