“Làng văn hóa kiểu mẫu” xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Nhằm đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hì...
Nhà văn hóa thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường vốn đã khá khang trang nhưng chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ càng nổi bật hơn bởi khu thể thao và cảnh quan xung quanh đã được quy hoạch xây dựng, tổng diện tích sẽ tăng gấp 3 lần.
Khu thiết chế văn hoá, thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục còn lạiKhông chỉ có vậy, lần đầu tiên Lý Nhân sẽ có khu trưng bày, trải nghiệm cho du khách khi tới làng nghề rèn lâu đời, để làm sao nơi đây dần sẽ thành một địa chỉ du lịch văn hóa.
"Được vay vốn và được hỗ trợ của Ngân hàng cũng như chính quyền tạo điều kiện thì công việc hiện đại hóa nông thôn, làng nghề được dễ dàng hơn. Từ đó, nâng cao được cuộc sống của người dân và cải thiện được sức lao động…", ông Trần Văn Phẩm, thôn Bàn Mạch, đội 5, xã Lý Nhơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Người dân thôn Bàn Mạch (xã Lý Nhân) phát huy thế mạnh làng nghề rèn truyền thốngTại huyện Vĩnh Tường có 4 đơn vị được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch, gồm: Thôn Bàn Mạch xã Lý Nhân; thôn Duy Bình xã Vĩnh Ninh; thôn Đông xã Phú Đa và thôn Hệ xã Vĩnh Thịnh. Cả 4 thôn đều có có di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh), đền Đá (xã Phú Đa), đình Hệ (xã Vĩnh Thịnh) và đình Bàn Mạch, chùa Long Khánh (xã Lý Nhân).
Ông Nguyễn Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án xây dựng thí điểm "Làng văn hóa kiểu mẫu" của huyện cho biết: Xác định xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hướng tới phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư, Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Tường đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, quyết tâm hoàn thành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại thôn Duy Bình (xã Vĩnh Ninh), thôn Đông (xã Phú Đa), thôn Hệ (xã Vĩnh Thịnh) và thôn Bàn Mạch (xã Lý Nhân) đúng tiến độ.
"Chúng tôi đã tập trung ngay vào nhiệm vụ như: Thành lập các Ban chỉ đạo từ huyện đến xã để tập trung chỉ đạo 4 Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Vĩnh Tường; yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, bộ phận phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan phụ trách từng tiêu chí trong bộ tiêu chí kiểu mẫu để kiểm điểm hàng tuần và đánh giá kết quả thực hiện cũng như bàn các giải pháp nhiệm vụ trong tuần tiếp theo. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các làng văn hóa trên địa bàn huyện đã triển khai đáp ứng được theo tiến độ" - ông Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh.
- Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước, ngày 29/12/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2680 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Ngày 16/03/2023, Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đến năm 2025, với mục tiêu xây dựng 60 Làng văn hóa kiểu mẫu đáp ứng các yêu cầu cao hơn rất nhiều so với nông thôn mới kiểu mẫu cả về quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, sản xuất, môi trường và văn hóa.
- Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu, ngày 5/5/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08 thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, giai đoạn 2023-2030. Nội dung cốt lõi của các Nghị quyết này là 14 tiêu chí để chấm điểm và 16 cơ chế, chính sách hỗ trợ có nội dung ưu việt hơn hẳn so với bộ tiêu chí và chính sách về xây dựng nông thôn mới.
- Ngân sách tỉnh dành khoảng 2 nghìn 610 tỷ đồng xây dựng 60 Làng văn hóa kiểu mẫu - những khu dân cư văn minh, hiện đại, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều loại hỗ trợ.
Tại huyện Sông Lô, mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu đang được triển khai tích cực tại 3 thôn gồm: thôn Đồng Dong, xã Quang Yên; thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu và thôn Khoái Trung, xã Đức Bác hứa hẹn sẽ đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Sông Lô đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều hộ dân xã Hải Lựu sau khi được vận động đã hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Dự kiến, trong tháng 11 tới huyện sẽ hoàn thành khu thiết chế của 3 làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn.
Chính quyền và người dân huyện Sông Lô kỳ vọng xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ là cơ hội tốt để địa phương tìm hướng đi mới cho phát triển du lịch làng nghềThôn Khoái Trung, xã Đức Bác hiện có 264 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu, trong đó có 100 hộ dân làm nghề buôn bán hoa, cây cảnh, hàng gốm sứ, tiểu thủ công nghiệp. Theo quy hoạch, Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Khoái Trung có diện tích 6.400 m2, gồm một số hạng mục công trình chính như nhà sinh hoạt cộng đồng (có sức chứa 200 chỗ ngồi), khu vực vườn hoa, cây xanh, sân bóng chuyền, sân bóng đá mi ni…
Ông Lê Văn Lanh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác, huyện Sông Lô cho biết, theo quy hoạch, Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Việc hoàn thiện, đưa vào sử dụng mô hình sẽ giúp tăng vẻ đẹp, giá trị làng nghề phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương. Gắn với làng văn hóa thì xã Đức Bác đăng ký 3 mô hình, một là chuyển đổi quỹ đất trồng, hai là xây dựng và phát triển làng nghề và ba là quỹ du lịch, mô hình du lịch cộng đồng.
"Hiện nay, các Làng văn hóa kiểu mẫu được huyện Sông Lô triển khai tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây cũng là yếu tố mấu chốt để đạt mục tiêu của Nghị quyết, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, ông Lê Văn Lanh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác, huyện Sông Lô cho biết thêm.
Phối cảnh công trình xây dựng khu thiết thế văn hóa - thể thao gắn với di tích lịch sử đình Lập Đinh, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. (Ảnh tư liệu)Với tiềm năng, lợi thế và những nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ, TP. Phúc Yên đã chọn thôn Cao Quang, xã Cao Minh; thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh và tổ dân phố Kim Xuyên, phường Tiền Châu để xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.
Cùng với nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, du lịch, dịch vụ, thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, phát triển du lịch dịch vụ, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Tiến Thông, Phó Chủ tịch UBND TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, sẽ triển khai làm sao để cho người dân thuận lợi nhất, được hưởng các chính sách 1 cách tốt nhất, nhanh nhất. Bên cạnh đó, sẽ có những đề xuất kiến nghị với các tỉnh, các sở, ban ngành để tháo gỡ kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan giới thiệu về 14 tiêu chí của Làng văn hoá kiểu mẫuVới một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm vừa lắng nghe, đúc rút kinh nghiệm nhưng tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng chỉ một vài năm nữa sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn với nghề rèn, nghề gốm hay các di tích độc đáo...
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nỗ lực cùng sự chung sức chung lòng của bà con nhân dân, mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ thực sự phát triển và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/lang-van-hoa-kieu-mau-xay-dung-doi-song-van-hoa-o-khu-dan-cu-44432.vov2