Buồn vui chuyện mừng thọ

02/03/2021 10:40 942

Trải qua thời gian và với những tác động của xã hội hiện đại, phong tục mừng thọ hiện nay cũng đã ít nhiều mai một, thậm chí là biến tướng.

Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, kính trọng của con cháu đối với bậc cao niên, không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mà còn mang ý nghĩa “kính già, già để tuổi cho”. Sự kính trọng ấy cũng là niềm vui, niềm phấn khởi để các cụ cao niên sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tuổi mừng thọ và cách thức mừng thọ hiện nay cũng đã có nhiều sự thay đổi so với trước kia. Sự thay đổi này là một tất yếu của xã hội.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Những năm gần đây, lễ mừng thọ không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn có các hội, đại diện chính quyền tham gia chúc thọ. Nhiều nơi bây giờ tổ chức mừng thọ cho các cụ ở đình rất long trọng, vừa có tục lệ xưa lại vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người được mừng thọ.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của việc mừng thọ là người già thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Về phía con cái cũng cảm thấy tự hào và may mắn khi vẫn còn được tiếp tục những tháng ngày bên ông bà, cha mẹ, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Chính vì thế việc tổ chức to hay nhỏ không còn quan trọng mà quan trọng là ở tình cảm, tấm lòng của con cháu. Tuy nhiên, vẫn có không ít cá nhân đã coi việc tổ chức mừng thọ cho bố mẹ là cơ hội để trục lợi. Điều này là hoàn toàn đi ngược lại với với ý nghĩa nhân văn của phong tục mừng thọ.

Với người già, cần nhất vẫn là tình cảm của các con, cháu chứ không phải những lễ nghi hoành tráng, cầu kỳ. Chính vì thế, dù tổ chức theo cách nào, lễ mừng thọ cũng cần đạt được yêu cầu thể hiện lòng kính trọng người cao tuổi, vui vẻ, trang trọng, chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa, tinh thần, để sau những buổi lễ mừng thọ, các cụ sống vui, sống khỏe, sống lâu hơn.

“Kính già, trọng lão”, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ chính là trong tâm tưởng, suy nghĩ và sự chăm sóc thường xuyên mỗi ngày. Vậy nên, xin đừng làm méo mó một tục lệ đẹp.

Hãy để phong tục mừng thọ luôn giữ được vẹn nguyên giá trị như nó vốn có.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/buon-vui-chuyen-mung-tho-24858.vov2