Đình Chu Quyến và những huyền thoại về vị Thành Hoàng làng
Đình Chu Quyến ở xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội là một trong những ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Lê Trung Hưng....
Đình Chu Quyến thuộc làng Châu Chàng, tổng Châu Chàng, huyện Tiên Phong phủ Quảng Oai trấn Sơn Tây xưa, nay là làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình cổ được xây dựng từ khoảng thế kỷ 17, là một ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Lê Trung Hưng.
Đình làm bằng gỗ lim, có mặt bằng kiểu "chữ Nhất", tức là hình chữ nhật chạy dài 30m, với kiến trúc 3 gian 2 chái, diện tích 395m2, kết cấu khung gỗ chồng rường truyền thống, với đầy đủ 6 hàng cột: 2 hàng cột cái (đường kính 60-81cm), 2 hàng cột quân (đường kính 50cm), 2 hàng cột hiên (đường kính 50cm), đối xứng với nhau qua trục dọc nhà. Khung cột kiểu "Thượng thu hạ thách". Bốn cột cái lớn gian giữa chính điện có đường kính tới 81cm.
Đình Chu Quyến là một không gian kiến trúc mở, không có hệ thống ván nong, cửa bức bàn bao quanh 4 phía hàng cột hiên. Thay vào đó là một hệ lan can thấp bao quanh hệ sàn gỗ. Sàn gỗ ở độ cao cách mặt đất 0,8m, với 3 cấp để dân làng ngồi theo thứ bậc, chức sắc và tuổi tác, mỗi khi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Hậu cung, nơi thờ thành hoàng làng, cũng không được làm tách riêng, mà nằm ngay trong gian chính điện, tại vị trí các cột cái và cột quân phía sau gian trung tâm tòa đại đình, và được quây kín cố định, tạo không khí thần bí và trang nghiêm.
Nơi thờ Thành Hoàng làng không tách riêng mà đặt tại gian chính điện
Không chỉ có phong cách kiến trúc độc đáo từ những cột, kèo, mái… mà nghệ thuật điêu khắc tại đình Chu Quyến cũng không kém phần đặc sắc như các con giống bằng đất nung trên bờ nóc con xô, kìm nóc, đầu đao hay những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên cấu kiện gỗ mà chủ đạo là hình tượng rồng được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau như rồng phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn châu ngọc…
Tác phẩm nghệ thuật chạm khắc trên gỗ tại Đình Chu Quyến
Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962, đình đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.
Không chỉ mang những giá trị kiến trúc độc đáo, đình Chu Quyến còn ẩn chứa bên trong những câu chuyện về những danh nhân lịch sử.
Đình Chu Quyến thờ 2 vị thành hoàng làng. Theo các nguồn sử liệu tại đình, 1 trong 2 vị đó là hoàng tử Lý Nhã Lang, con trai vua Lý Phật Tử, có công giúp vua cha dẹp giặc phương Bắc và dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng tinh thần trí nhân, trí dũng của hoàng tử Lý Nhã Lang cùng những câu chuyện, giai thoại về ông vẫn còn sống mãi trong lòng hậu thế.
Cụ Nguyễn Công Thụy, một người cao tuổi ở Chu Quyến mỗi khi có dịp đều kể về câu chuyện xưa mà cụ được bậc cha ông xưa truyền lại:
“Làng chúng tôi là quê ngoại của vua Lý Phật Tử, ngài về thăm quê và xây dựng với người của làng là Lã Thị Ngọc Thành và sinh được Lý Nhã Lang. Lý Nhã Lang đã cùng với vua cha chống quân nhà Tùy thắng lợi. Dân chúng tôi ở đây ngưỡng mộ vì ngài có công dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải ở thế kỷ thứ 6. Ngài Lý Nhã Lang đối với nước thì trung với nước, về với dân thì gần gũi. Bởi thế khi chiến thắng giặc nhà Tùy, vua cha đã 2 lần mời về kinh nhường ngôi nhưng Lý Nhã Lang vẫn từ chối bởi lẽ mình là con của thứ phi nên nói với vua cha rằng: con xin về quê ngoại sống với dân hợp với lẽ trời, hợp với đạo làm người. Như thế để thấy khi đất nước lâm nguy ngài sẵn sàng hy sinh, nhưng khi hưởng vinh hoa phú quý thì người sẵn sàng nhường”.
Những câu chuyện, những giai thoại về người anh hùng của quê hương cứ được những người già trong làng kể cho con cháu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối dài thêm lòng ghi nhớ tri ân với tiền nhân. Để hôm nay dù hơn 1.000 năm đã trôi qua, người dân Chu Quyến vẫn thuộc lòng những câu chuyện, những công lao và cả những đức tính quý báu của vị thành hoàng làng Lý Nhã Lang.
Ngưỡng vọng bậc tiến bối, hàng năm theo phong tục cổ truyền, cứ vào ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính tri ân vị Thành Hoàng làng. Ngoài những chứng tích lịch sử, trong lòng hậu thế những câu chuyện, những giai thoại về ngài vẫn được lưu truyền để nhắc nhớ dù hàng nghìn năm đã trôi qua. Ngay cả đến cái chết của ngài cũng được thần thánh hóa:
“Theo ngọc phả, sau khi đánh thắng giặc, ngài đi chu du thăm lại chiến trường xưa. Và ngày 18/10 âm lịch ngài cũng với 2 mục đồng ra gò phượng, nay chính là lăng của ngài, vung kiếm lên trời và hóa. Kiếm bay đến đâu thì ở đó là các làng dân anh em. Đến nay thì có 22 làng tìm về chính điện (nhưng trong câu đối ở làng Ngọc Mạch, Xuân Phương thì ghi là 72 làng). Còn câu đối và thơ ở đình Chu Quyến cũng ghi là 72 làng thờ ngài” – Ông Nguyễn Huy Phú, một người cao tuổi trong làng chia sẻ.
Không chỉ có công dẹp giặc giữ yên đất nước cùng vua cha Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang còn là người có công với dân làng và quê hương Chu Chàng xưa khi dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải trở thành một vùng quê trù phú, trên bến dưới thuyền.
Đến nay nhiều tập tục liên quan đến ngài vẫn còn được lưu truyền như hội đua thuyền vào dịp rằm tháng Giêng, là dịp mừng vị tướng Lý Nhã Lang thắng trận trở về, và tục giã bánh dày trong dịp giỗ kỵ ngài ngày 18 tháng 10 âm lịch.
Đình Chu Quyến ngày nay không chỉ là chốn linh thiêng thờ tự thành hoàng làng mà còn trở thành địa điểm tụ hội để những người con xa quê luôn hướng về nguồn cội. Nơi đây cũng là một dấu tích hữu hiệu góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương.
Mỗi khi lễ hội, cùng với những lễ nghi long trọng, con cháu được cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, được hiểu hơn về tổ tiên, để thấy thêm trân quý và tự hào, có thêm động lực để phấn đấu, học tập.
Hình tượng trang trí trên mái đình Chu Quyến
Ngoài kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo, trong đình Chu Chuyến còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương. Bên cạnh đó, đình còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - xã hội của cộng đồng làng xã, đúng như chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo của người dân từ bao đời nay.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/dinh-chu-quyen-va-nhung-huyen-thoai-ve-vi-thanh-hoang-lang-24615.vov2