Đinh Tiên Hoàng đế người dựng nước Đại Cồ Việt
Năm Mậu Thìn 968, sau khi thu phục 12 xứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, trở thành vị Vua đầu tiên thống nhất đất nước sau 1000 năm Bắc thuộc, đặt tê...
Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt dưới triều đại nhà Đinh được đánh giá là một trong những bước ngoặt quan trọng của dòng chảy lịch sử dân tộc, mở ra trang sử vẻ vang trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước, kỷ nguyên của độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần và hậu Lê sau này.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc xưng đế là để khẳng định sự ngang bằng của đất nước với thiên triều tức là triều đình Trung hoa, do vậy có thể coi đây là sự kiện, hiện tượng rất lớn trong lịch sử sau hơn 1000 năm Bắc thuộc: "Sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi không đơn thuần là việc lên ngôi của 1 Hoàng đế cho dù là mở đầu một triều đại, nó khác các ông vua mở đầu các triều đại khác. Đây là sự kiện tái lập quốc sau khi chúng ta đã giành được độc lập, tuyên bố ngang bằng với các triều đại phong kiến Trung Quốc, có tính chất mở đầu cho việc xây dựng nền quân chủ với chính quyền trung ương tập quyền và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử Việt Nam".
Tên hiệu mà Đinh Bộ Lĩnh lựa chọn khi lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cồ Việt là Đại Thắng Minh Hoàng đế, phần nào còn in dấu một thời chinh chiến, dẹp loạn và thu phục các xứ quân trước đó. Nhưng 2 năm sau, tức năm 970, Đại Thắng Minh Hoàng đế quyết định không dùng niên hiệu Khai Bảo của nhà Tống ở phương Bắc như lệ cũ nữa mà lựa chọn 2 chữ Thái Bình.
Theo PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc đổi niên hiệu mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng: "Cùng với đặt quốc hiệu và xưng Hoàng đế thì đặt niên hiệu riêng là một biểu hiện của nền độc lập và sự hoàn chỉnh của một thể chế nhà nước, quốc gia. Đặt niên hiệu rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc phục hưng lại nền độc lập tự chủ quốc gia".
Đại Cồ Việt còn là nhà nước đầu tiên tiến hành đúc tiền đồng, có sự quan tâm đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự… Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam, cũng là nơi sản sinh nhiều giá trị văn hóa thuần Việt, điển hình nhất là nghệ thuật sân khấu chèo - loại hình sân khâu tiêu biểu nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc trong lịch sử bang giao của Việt Nam với những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa. PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: "Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra những trang sử vẻ vang trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập".
Đây thật sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/dinh-tien-hoang-de-nguoi-dung-nuoc-dai-co-viet-30002.vov2