Đông Giáp tướng quân Phạm Chiêm và niềm tự hào hậu thế

30/12/2020 11:12 583

Phạm Chiêm (889-952) vị đại thần dưới thời Ngô Quyền, có công lớn trong chiến thắng quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc trong lịch sử nước t...

Thân thế, sự nghiệp

Phạm Chiêm còn có tên khác là Phạm Thiên,  được biết đến với danh xưng là Phạm Lệnh Công (nghĩa là Lệnh Công họ Phạm), là con trai của Hồng châu tướng quân Phạm Trí Dũng, sinh ngày 16-8 năm Kỷ Dậu (tức năm 889). Trước khi là đại quan dưới triều Ngô Vương Quyền, Phạm Chiêm là một hào trư­ởng vùng Trà Hương thuộc lộ Nam Sách Giang, nay là làng Thụy Trà, xã Nam Trung, Nam Sách, Hải Dương.

Theo các nguồn sử liệu cùng với nghiên cứu của bà Phạm Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phạm Việt Nam, khi Ngô Quyền làm tướng của Dương Đình Nghệ đã chọn làng Trà Hương làm nơi đóng quân và luyện tập cho binh lính. Ngô Quyền trông thấy Phạm Chiêm tướng mạo cao lớn, phương phi, là người có tài, tinh thông chữ nghĩa nên kết nghĩa anh em.

Năm 938, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Phạm Lệnh Công cùng Ngô Quyền đem quân ra thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội. Do lo sợ, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu nhà Nam Hán, “cõng rắn cắn gà nhà” tạo điều kiện để quân Nam Hán tiến vào đánh chiếm nước ta. Nhưng đến đầu mùa đông thì Ngô Quyền phối hợp cùng Phạm Chiêm diệt xong bọn phản loạn Kiều Công Tiễn và chuẩn bị toàn lực để đối phó với quân Nam Hán xâm lược.

Theo lệnh của Ngô Quyền, Phạm Chiêm cùng với quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng và nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên, quân Nam Hán đã mắc mưu: thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể dễ thắng lên hùng hổ tiến vào; đến khi thủy triều xuống quân Nam Hán bị mắc cạn, thuyền chiến lớn của giặc bị cọc đâm thủng gần hết, quân sĩ ta đổ ra đánh. Quân Nam Hán thua chạy, từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc trong lịch sử nước ta.

 Ngô Quyền xưng Vương, Phạm Chiêm được Ngô Quyền trọng dụng và phong cho đến chức Đông Giáp tướng quân (tức là vị tướng cai quản vùng xứ Đông bao gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng ngày nay).

Ngô Vương Quyền coi Phạm Lệnh Công là người tin cậy nhất đã viết một tờ di chỉ để lại cho con là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập dặn dò rằng nếu gặp bất trắc thì trông cậy vào Phạm Lệnh Công để duy trì triều đại nhà Ngô.

Sự lo lường đó của Ngô Vương Quyền đã đúng. Sau khi Ngô Quyền mất Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền đã cướp ngôi nhà Ngô lúc đó đang là của Ngô Xương Ngập, con cả của Ngô Quyền, xưng là Dương Bình Vương và còn truy sát khiến Ngô Xương Ngập phải chạy trốn. Phạm Lệnh Công khi đó đã về trí sĩ tại quê nhà đã giúp đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn Chí Linh đào hầm ẩn náu.

Khi Ngô Xương Văn được các tướng lĩnh trung thành với Ngô Quyền tổ chức đánh bại Dương Tam Kha, giành lại được ngôi vua, đã cho người về làng Trà Hương đón anh trai là Ngô Xương Ngập về cùng cai quản đất nước. Ngô Xương Văn xư­ng là Nam Tấn Vương (951-965), Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương (952-954).

Đình Thụy Trà ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương - nơi thờ tự Đông Giáp tướng quân Phạm Chiêm mới được trùng tu tôn tạo

Trong lịch sử, ngoài những dòng họ làm vua cha truyền con nối, thì hiếm có một gia tộc nào có tới 4 thế hệ liên tiếp làm đại quan, có công lớn với đất nước trong 4 triều đại liên tiếp của lịch sử nước nhà là Dương, Ngô, Đinh, Lê như dòng họ của Phạm Lệnh Công Phạm Chiêm. Cha của ông là Hồng Châu Tướng quân trong thời Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Con cháu của Phạm Lệnh Công đều là những người anh hùng có nhiều công lao với đất nước: Con ông là Phạm Mạn, Tham Quân Đô Tướng thời Ngô Nam Tấn Vương (950 - 965); cháu nội ông là Phạm Hạp (933 - 981) - võ tướng, quan Vệ Úy thời nhà Đinh, Phạm Cự Lượng (đại thần nhà Đinh, Thái úy nhà Tiền Lê).

Cuộc đời và sự nghiệp của Đông Giáp tướng quân Phạm Chiêm không có nhiều ghi chép trong chính sử do điều kiện hoàn cảnh biến động của lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ “Phạm Chiêm là người trung quân nghĩa sự bậc nhất của nước nhà”.

Sau khi Phạm Lệnh Công qua đời, để tỏ lòng thành kính, nhà Hậu Ngô Vương đã cho lập đền thờ ông tại làng Trà Hương quê ông và các đời vua sau đều đã phong sắc cho ông. Nhân dân Thuỵ Trà tôn ông làm Thành Hoàng làng cùng với tướng quân Phạm Hòa. Nơi thờ tự  Phạm Chiêm ( đình Thụy Trà)  đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa tháng 3/2013.

Phạm Lệnh Công trong lòng hậu thế

Dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng công lao cũng như tinh thần trí nhân, trí dũng của Phạm Lệnh Công cùng những câu chuyện, giai thoại về ông vẫn còn sống mãi trong lòng hậu thế.

Đình Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương được tôn tạo khang trang do nguồn kinh phí xã hội hóa từ đóng góp của con cháu họ Phạm cùng nhân dân địa phương là một cách nghiêm cẩn nhớ ơn vị thành hoàng làng, tướng quân Phạm Chiêm. Không những thế, hàng năm theo phong tục cổ truyền, cứ vào ngày 11 và 12 tháng Giêng  âm lịch nhân dân trong làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính tri ân ngài. Ngoài những chứng tích lịch sử, trong lòng hậu thế những câu chuyện, những giai thoại về Phạm Lệnh Công vẫn được lưu truyền để nhắc nhớ dù hàng nghìn năm đã trôi qua. Anh Phạm Chức, thành phố Hải Dương vẫn luôn ghi nhớ những câu chuyện được cha ông kể lại về những đóng góp của tướng quân Phạm Chiêm với vương triều nhà Ngô. Cũng như nhiều người con quê hương Thụy Trà khác, anh Nguyễn Đại Điền người gốc làng Thụy Trà, dù không mang họ Phạm nhưng luôn coi vị thành hoàng làng là tổ tiên. Để rồi sau nhiều năm sinh sống xa quê vẫn luôn hướng về nguồn cội. Với lòng thành kính, dù ở đâu Nguyễn Đại Điền cũng không bao giờ quên tham dự ngày hội truyền thống của làng. Và những câu chuyện quê hương cũng luôn được kể mãi: “Năm 938 Ngô Quyền động binh, cụ Phạm Chiêm đã tham gia luyện thủy quân giúp Ngô Quyền. Quê làng Trà Hương có nhiều sông chảy qua như Sông Thủ Hà dẫn ra sông Kinh Thầy rồi nối ra Bạch Đằng Giang. Cụ đã huấn luyện thủy quân và góp phần làm nên chiến thắng trận Bạch Đằng đuổi quân Nam Hán, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc”  

Lễ dâng hương tại đình Thụy Trà

Không chỉ là đại thần của vương triều Ngô, Phạm Lệnh Công còn là người có công với dân làng và quê hương Trà Hương xưa, Thụy Trà ngày nay. Ông Phạm Tiến Lộc, ban Hương lão Đình Thụy Trà mỗi khi có dịp lại kể cho con cháu nghe về vị thành hoàng làng trong những ngày đầu lập làng cách đây hơn 1.000 năm để con cháu luôn tự hào về một vùng quê lâu đời. “Tôi và gia đình cũng như dân làng Thụy Trà đều rất tự hào về vị thành hoàng làng mình. Sau khi thắng giặc, ngài về tại vị ở quê hương. Ngài là người rất thương dân nên đã xin vua giao đất và mở rộng nghề nông cũng như nhiều ngành nghề khác. Nhờ đó, làng Thụy Trà ngày nay phát triển và tự hào vì giữ gìn được nhiều nét truyền thống quý”. Ông Phạm Tiến Lộc kể.

Đồng chí Nguyễn Văn Bền ( giữa) tặng hoa chúc mừng tại buổi lễ khánh thành trùng tu tôn tạo đình Thụy Trà 

Đình Thụy Trà không chỉ là chốn linh thiêng thờ tự thành hoàng làng mà còn trở thành địa điểm tụ hội để những người con xa quê luôn hướng về nguồn cội. Mỗi khi lễ hội, cùng với những lễ nghi long trọng, con cháu  được cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, được hiểu hơn về tổ tiên, về truyền thống văn hóa của dòng họ để thấy thêm trân quý và tự hào, có thêm động lực để phấn đấu, học tập. Bên cạnh đó, đình Thụy Trà là một dấu tích hữu hiệu góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Với vương triều Ngô, tướng quân Phạm Chiêm là một vị đại thần, với cháu con họ Phạm và với nhân dân làng Thụy Trà, ông là vị thành hoàng, với hậu thế ông là vị tiền liệt rất đáng kính, đáng ngưỡng vọng và học tập noi theo.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/dong-giap-tuong-quan-pham-chiem-va-niem-tu-hao-hau-the-23747.vov2