Hiểu hơn về thế giới hiện đại thông qua cuốn sách “Xã hội diễn cảnh”

22/10/2024 08:10 582

Nếu như trước kia, xã hội phải đấu tranh với sự thiếu thốn về mặt hàng hóa, thì nay con người loay hoay tìm cách chống lại khủng hoảng dư thừa. Phải sống s...

Ngày 16/10, Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp cùng nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách “Xã hội diễn cảnh”. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Ông Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội, ông Dương Thắng - dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu, ông Phùng Ngọc Kiên - giảng viên khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Các diễn giả tại tọa đàm thảo luận về sách “Xã hội diễn cảnh”

“Xã hội diễn cảnh” là một tác phẩm triết học và lý thuyết phê phán Mácxít nổi tiếngcủa triết gia Guy Debord, xuất bản năm 1967. Được viết theo kiểu cách ngôn, “Xã hội diễn cảnh” bao gồm 221 luận cương, mỗi luận cương là một đoạn văn ngắn, phản ánh sự thoái hóa đời sống con người.

“Tất cả đời sống của các xã hội, trong đó những điều kiện sản xuất hiện đại ngự trị, tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ của các diễn cảnh. Tất cả những gì được trực tiếp trải nghiệm đều biến thành một màn trình diễn” trích dẫn trong sách “Xã hội diễn cảnh”

Theo ông Dương Thắng - dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu, ngay từ tiểu mục đầu tiên, Guy Debord đã xác định bối cảnh mà cuốn sách đề cập đến. Đó là xã hội tư bản hiện đại đã tiến vào một giai đoạn phát triển mới, mà tác giả gọi nó là xã hội diễn cảnh. “Guy Debord không nói về sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, mà ông muốn nhấn mạnh rằng xã hội ngày hôm nay được định hình bằng những đối tượng mới do con người sản sinh ra. Nó không chỉ làm thay đổi quan hệ giữa các cá nhân với nhau mà còn tạo ra những mối quan hệ xã hội mới, những quyền uy mới. Vì vậy đối với Debord, một diễn cảnh về cơ bản là một mối quan hệ xã hội”.

Ông Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội nhận định, “Xã hội diễn cảnh” là một cuốn sách triết học đặc biệt khi đã kế thừa chủ nghĩa Mác một cách đẹp đẽ nhất, nhưng không chỉ tiếp nhận nguyên khối mà còn nhìn thấy cả những giới hạn trong đó. "Sự bùng nổ của truyền thông đại chúng với những video ngắn đang ấn định tư duy của con người. Trong thời đại này, tư duy bằng hình ảnh tràn lấn và chế ngự cách chúng ta suy nghĩ về thế giới”.

Triết gia Guy Debord, tác giả cuốn sách "Xã hội diễn cảnh". Ảnh do Viện Pháp tại Việt Nam cung cấp Triết gia Guy Debord, tác giả cuốn sách "Xã hội diễn cảnh". Ảnh do Viện Pháp tại Việt Nam cung cấp

Chia sẻ về tác giả Guy Debord, ông Phùng Ngọc Kiên - giảng viên khoa Văn học, Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, bản thân Guy Debord đã thực hành sống đúng với tư cách của một người cộng sản khi từ chối xã hội tư hữu và thường xuyên chỉ trích những gì từng đọc và luôn có thái độ nghi ngờ. "Đó là một thái độ cực kỳ khiêu khích mà ta có thể bắt gặp ngay trong cuốn sách này. Ông không cần chứng minh, không cần biện luận mà chỉ đưa ra các luận đề, phần còn lại là để người đọc”.

“Xã hội diễn cảnh” là một tác phẩm quan trọng không chỉ trong lĩnh vực triết học mà còn trong lý thuyết văn hóa và xã hội. Tác phẩm vẫn tiếp tục được nghiên cứu và thảo luận rộng rãi đến ngày nay.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hieu-hon-ve-the-gioi-hien-dai-thong-qua-cuon-sach-xa-hoi-dien-canh-50482.vov2