Những nét đặc sắc trong chính sách văn hóa triều Nguyễn

05/07/2021 13:21 141

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, mở ra triều đại nhà Nguyễn với 13 đời vua. Dù có những thăng trầm, nhưng nhà Nguyễn rất quan tâm đầu tư phát triển văn hóa...

Đánh giá  đối với vương triều Nguyễn có vẻ đặc biệt hơn so với các triều đại khác trong lịch sử. Đặc biệt ở chỗ chưa có được sự thống nhất trong nhận thức và quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, triều đại Nguyễn có công mở cõi,  hoàn thiện bản đồ hình chữ S nên đất nước ta mới có được một đất nước rộng lớn và hoàn chỉnh như ngày nay. Ngược lại, quan điểm khác cho rằng nhà Nguyễn là một triều đại “bán nước”.

Thế nhưng dù nhìn ở quan điểm nào thì có một thực tế không thể phủ nhận, đó là trong hơn 140 năm hình thành, phát triển thịnh rồi suy, triều Nguyễn vẫn là triều đại để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Bên cạnh tên hiệu Việt Nam của đất nước còn hiện hữu đến ngày nay, di sản văn hóa triều Nguyễn còn có kiến trúc kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình, châu bản và mộc bản.

Tuy nhiên, những thành tựu về văn hóa của vương triều Nguyễn chủ yếu tập trung ở giai đoạn từ năm 1802-1884 dưới các triều đại của vua Gia Long, Thiệu Trị, Minh mạng và Tự Đức. Lý giải về điều này PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Giai đoạn 1802-1884 là thời kỳ mà vương triều Nguyễn còn giữ được tính độc lập, tự chủ của mình. Vua Gia Long khi lên ngôi đã nhất quán một phương châm là tập hợp nhân tâm và huy động được các lực lượng trong xã hội cùng tham gia kiến tạo phát triển đất nước. Và một lý do nữa là tâm thế của đất nước sau thời gian dài loạn lạc thì khi vua Gia Long lên ngôi đã chấm dứt được tình trạng này, tạo dựng ngọn cờ thu phục và hướng tới sự đồng thuận trong xã hội, nhờ đó đã phát huy được sức mạnh để kiến tạo các thành tựu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóá”.

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu trả lời phỏng vấn phóng viên VOV2

Những thành tựu về văn hóa dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884

Sử liệu cho thấy triều Nguyễn đã thành lập một hệ thống thiết chế văn hóa khá đa dạng. Có những thiết chế làm nhiệm vụ sáng tạo văn hóa như Quốc sử quán, có những thiết chế làm nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản vốn di sản văn hóa dân tộc như các thư viện, có những thiết chế phục vụ biểu diễn nghệ thuật như Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường… có những thiết chế giáo dục như Quốc tử giám, Viện Tập hiền, hệ thống văn miếu… Hệ thống thiết chế văn hóa này vừa là nơi quản lý, vừa là nơi thực hành văn hóa, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc, đồng thời đưa chính sách văn hóa vào cuộc sống.

Ngoài kiến trúc cung đình với nhiều công trình hoành tráng, quy mô lớn được xây dựng qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (là bộ phận chủ yếu làm nên quần thể di tích Huế được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới), còn có dòng kiến trúc chùa, miếu, đình, và kiểu kiến trúc nhà ở dân dã.

Kiến trúc cung đình là một trong những thành tựu nổi bật của triều Nguyễn. Nguồn: Internet

Về âm nhạc và sân khấu thì các loại nhã nhạc cung đình được lưu hành có nhã nhạc, giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc... Ngoài ra, âm nhạc Huế có hai dòng chính là nhạc dân gian xứ Huế và ca nhạc Huế. Sân khấu tuồng phát triển mạnh mẽ, bên cạnh dòng tuồng bác học chuyên phục vụ cho cung đình còn có dòng tuồng dân gian.

Quốc Sử quán triều Nguyễn được thành lập năm 1820 đã làm công việc sưu tầm tập hợp hàng ngàn pho sách cổ của các thời trước, xuất bản nhiều công trình sử học, địa lý học quan trọng như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đại nam liệt truyện...

Nhã nhạc cung đình Huế 

Các vua đầu triều Nguyễn nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền nên rất coi trọng Nho giáo. Đối với Phật giáo, tuy có những quy định chặt chẽ nhưng nhiều vị vua triều Nguyễn tổ chức  tu sửa chùa chiền, xây dựng nhiều chùa công như Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên... Nhìn chung, các vua nhà Nguyễn không hoàn toàn bài bác Phật giáo mà có thái độ dung hòa Nho - Phật. Đối với Thiên chúa giáo, nhà Nguyễn thi hành chính sách hạn chế.

Trong quá trình nắm và thực thi quyền lực chính trị, Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách văn hóa. Nội dung chính sách văn hóa triều Nguyễn rất đa dạng, hướng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội tạo nên một chỉnh thể các thiết chế văn hóa và để lại cho hậu thế nhiều di sản có giá trị.

Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Nguồn: Internet

Những đặc sắc trong chính sách văn hóa triều Nguyễn

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, chính sách văn hóa triều Nguyễn có rất nhiều nét đặc sắc. Mọi chính sách đều hướng đến việc giải quyết những vấn đề đòi hỏi của thực tiễn vương triều, đất nước, đó là thống nhất đất nước (trên mọi phương diện: lãnh thổ, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) và bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, tránh được họa xâm lược.

Minh Mạng quan niệm "Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến". Để thực hiện chính sách thống nhất văn hóa trên toàn lãnh thổ, triều Nguyễn đã ban hành rất nhiều các văn bản mang tính pháp quy, đó là các chiếu, biểu, dụ... nhằm điều chỉnh những thành tố cốt yếu của văn hóa: hệ tư tưởng, giáo dục, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật… thống nhất trên phạm vi quốc gia. Và để phát triển văn hóa, triều Nguyễn đã chú ý cả việc sử dụng luật pháp (Luật Gia Long) và tập quán pháp. 

Mặc dù rất muốn nhanh chóng tạo dựng một nền văn hóa thống nhất trên toàn lãnh thổ, nhưng các vị vua đầu triều Nguyễn cũng nhận thấy rằng, thay đổi một yếu tố văn hoá bất kỳ không phải là chuyện một sớm một chiều, mà phải là quá trình cải biến lâu dài. Chính vì vậy, khi tiến hành cải biến phong tục, tập quán giữa Nam Kỳ với Bắc Kỳ (như chuyện thay đổi y phục cho nhân dân Bắc Kỳ) giữa người Kinh - tộc người đa số với các dân tộc thiểu số, triều Nguyễn đã cân nhắc và làm từng bước, tiến hành trong hàng thập kỷ. Sự thận trọng này tạo ra một tâm lý thích ứng với những yếu tố văn hóa mới, tránh được những xung đột do sự đứt gãy văn hóa đột ngột gây ra.

Bên cạnh những điểm đặc sắc thì chính sách văn hóa triều Nguyễn cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, như: quá chú trọng vai trò của văn hóa đối với việc ổn định xã hội mà chưa thấy hết được vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, chú trọng phát triển văn hóa cung đình mà chưa chú ý đến lợi ích của người dân, chú ý đến việc bảo tồn mà chưa chú ý đến việc giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

“Cả những điểm mạnh và điểm yếu trong chính sách văn hóa triều Nguyễn đều là những kinh nghiệm quý giá, có thể xem là những gợi ý tham chiếu hữu ích cho chính sách văn hóa của chúng ta ngày hôm nay” – PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu nhấn mạnh.

Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-net-dac-sac-trong-chinh-sach-van-hoa-trieu-nguyen-27022.vov2