Dấu ấn vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc

03/11/2020 15:03 855

Việc ra đời vương triều Mạc là một điều tất yếu lịch sử. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác...

Cho đến hiện nay, những đóng góp của nhà Mạc đã được giới sử học đánh giá nhìn nhận lại và đưa ra cái nhìn khách quan, công bằng về vương triều Mạc nói chung. Nhà Mạc tồn tại 65 năm ở Thăng Long – đó là một khoảng thời gian không dài trong lịch sử Việt Nam nhưng những cống hiến của nhà Mạc cho lịch sử dân tộc không phải nhỏ… 

Mạc Thái Tổ

Về kinh tế, khác với thời hậu Lê, nhà Mạc áp dụng chính sách kinh tế cởi mở, điều đó tạo tiền đề cho kinh tế hàng hóa phát triển. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: Ngoài một hệ thống chợ ở Bắc Bộ được hình thành thì Phố Hiến, trung tâm buôn bán lớn nhất chỉ đứng sau kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ cũng bắt đầu phát triển.

Ngoài việc khuyến khích lập chợ, xây dựng hải cảng, mở xưởng đóng tàu thuyền, nhà Mạc đã có nhiều cải cách, ưu tiên cấp ruộng đất cho nông dân, binh lính; chú trọng khai khẩn ruộng đất, lập làng, đắp đê, làm đường giao thông, cầu cống, có chính sách cởi mở phát triển các ngành nghề thủ công, nghề gốm. Minh chứng rõ ràng nhất là gốm Chu Đậu thời kỳ này đã theo thuyền buồm sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương tây. Điều này, theo nhà sử học Lê Văn Lan, không chỉ thể hiện sự phát triển rực rỡ giao thương với nước ngoài mà còn thể hiện tư tưởng hướng biển của nhà Mạc.

Cũng chính nhờ kinh tế phát triển vượt bậc mà đời sống văn hóa xã hội của nước ta thời bấy giờ cũng phát triển rực rỡ. Dưới Vương triều Mạc, nhiều ngành nghệ thuật phát triển, một trong số đó phải kể đến nghệ thuật kiến trúc lâu đài và thành lũy. Hà Nội có sáu ngôi đình xây dựng dưới thời Mạc và tám ngôi đình khác được ghi chép trong văn bia, trong đó có hai ngôi đình kiến trúc còn khá nguyên vẹn, là đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) và đình Tây Đằng (Hà Nội).

Đình Tây Đằng - Công trình kiến trúc xây dựng thời nhà Mạc

Trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã có những cống hiến đáng kể cho lịch sử Thăng Long và dân tộc trên nhiều lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì ở thời này giáo dục cũng có bước phát triển đáng ghi nhận, đây cũng là thời gian thành Thăng Long chứng kiến sự thăng hoa của mặt bằng trí thức so với thời cuối Lê sơ.

Dưới thời kỳ trị vì của mình, nhà Mạc tổ chức đều đặn 20 kỳ thi Hội, đào tạo được 20 trạng nguyên và khoảng 456 tiến sĩ. Đặc biệt có Nguyễn Thị Duệ người Chí Linh (Hải Dương) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cải trang nam giới đi thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc. Ngoài ra, theo nhà sử học Lê Văn Lan, dưới thời nhà Mạc còn có nhiều nhân vật kiệt xuất khác như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Giáp Hải, Phạm Quỳnh… là những trí thức lớn đóng vai trò quan trọng ở các thập kỷ sau này.

Có thể nói, đất nước ta dưới thời nhà Mạc đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Dù tồn tại trong một thời gian không dài - 65 năm ở kinh thành Thăng Long và hơn 70 năm tại Cao Bằng, nhưng nhiều dấu ấn của nhà hậu Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… vẫn trường tồn cùng với thời gian, có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/dau-an-vuong-trieu-mac-trong-lich-su-dan-toc-22563.vov2