Lê Đức Toản vị trung thần nhà Lê không thờ hai vua

13/11/2020 09:46 154

Tiến sĩ Lê Đức Toản (1452-1509) nổi danh là bậc tôi trung của nhà Lê, luôn nêu cao tinh thần của đạo Nho “trung với vua, làm quan để giúp vua, giúp đời”. Ô...

Trong dòng chảy lịch sử khoa bảng Việt Nam, dòng họ Lê ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Phủ Tam Đái, thừa tuyên Sơn Tây là một dòng họ hiếu học, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhiều người dòng họ Lê đỗ đạt thành danh, trong đó có Tiến sĩ  Lê Đức Toản nổi danh là bậc tôi trung của nhà Lê và luôn nêu cao tinh thần của đạo Nho là “trung với vua”, “làm quan để giúp vua, giúp đời”.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn,  Lê Đức Toản sinh năm 1452, người làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Phủ Tam Đái, thừa tuyên Sơn Tây, nay là thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sử cũ chép rằng, sinh ra trong một gia đình có truyền thống, nên từ nhỏ ông đã tỏ ra là một bậc túc nho. Theo sách “Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” thì Lê Đức Toản đỗ Tiến sĩ hàng thứ 5 trong số 16 vị cùng bảng đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân tại khoa thi năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15, tức năm 1484. Sau đó 6 năm, người cháu của ông là Lê Khiết cũng đỗ đại khoa và làm quan chức Tri huyện.

Tiến sĩ Lê Đức Toản được ghi danh tại bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám

Sau khi thi đỗ đạt, Lê Đức Toản về triều đình làm quan dưới thời vua Lê, được thăng tới chức Đô Ngự sử là chức quan đứng đầu Ngự sử Đài, cai quản các việc về phong hóa pháp độ. Theo nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc dù ở chức quan nào thì Lê Đức Toản cũng đều thể hiện là một người giữ lòng liêm chính, vô tư, phụng sự cho đời. Về sự nghiệp, ông làm quan tới chức Đô Ngự sử, theo như thiên “Quan chức chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của tác giả Phan Huy Chú là chức quan đứng đầu Ngự sử đài dưới triều Lê, cơ quan giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng. Ông lại là người cương trực, quyết đoán, xử sự rất công minh. Ông một niềm giữ lòng liêm chính, vô tư, nên được các sĩ phu trọng vọng, nhân dân kính mến. Điều đặc biệt ở ông nữa là ông là một trung thần, không thờ hai vua. Vì ông theo đúng tinh thần của đạo Nho là Trung với vua, mà trung với vua là trung với nước.  

Là vị trung thần nhưng gặp thời loạn lạc khi hai anh em vua Lê Uy Mục và Lê Tương Dực lục đục tranh giành ngôi. Làm quan Đô Ngự sử, với bản tính cương trực trung thành, Lê Đức Toản thấy Uy Mục đế là vua vô đạo, nhiều lần dâng sớ cố can, bị bắt giam ở cửa Cảnh Môn. Khi Tương Dực đế đem quân vào uy hiếp Kinh thành, bí mật cho người đến dụ có ý muốn dùng nhưng Lê Đức Toản từ chối. Với sự trung chính, Quan Ngự sử Lê Đức Toản được phong “Tiết nghĩa”, tức là tử tiết vì việc nước.

Câu chuyện về việc được phong “Tiết nghĩa” này được nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên kể lại: Trong bộ địa chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, biên soạn dưới triều vua Tự Đức, trong mục “Nhân vật tỉnh Sơn Tây” có ghi về sự trạng của ông Lê Đức Toản: Ông thấy Uy Mục đế là vua vô đạo, ba lần dâng sớ cố can, bị bắt giam ở cửa Cảnh Môn, hơn 3 tháng không cho ăn uống, được người giám thủ lẻn lút cho ăn, nên không chết. Khi Tương Dực đế đem quân vào uy hiếp Kinh thành, bí mật cho người đến dụ có ý muốn dùng theo như việc cũ của Ngụy Trưng (bầy tôi nhà Đường, trước làm tôi thái tử nhà Đường là Kiến Thành, sau khi Đường Thế Dân giết Kiến Thành, Ngụy Trưng lại làm tôi Thế Dân giúp được nhiều việc. Người  bấy giờ khen Ngụy Trưng là bực hiền thần). Khi được tin Uy Mục đế chạy ra ngoài Kinh thành, ông bèn thắt cổ chết. Khi ông mất, vua Lê Tương Dực rất thương tiếc, cho người đưa thi hài ông về quê, chọn chỗ đất đẹp mộ tang và phong cho ông hai chữ “Tiết nghĩa”.

Lê Đức Toản mất năm 1509, hưởng thọ 48 tuổi. Cảm kích trước tấm lòng của ông, sau khi cho người đưa ông về  mai táng tại quê nhà, vua Lê Tương Dực phong ông là “Trung liệt tiết nghĩa đại thần”. Kính trọng nghĩa tiết của ông, nhân dân làng Quan Tử lập đền thờ ông tại quê nhà và nay trở thành đền thờ Lê tộc ở làng Quan Tử. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật, sắc phong là những tư liệu có giá trị lịch sử và giáo dục.

Ông Lê Văn Vinh, hậu duệ đời thứ 22, người chắp nhang từ đường Lê Tộc cho biết: Hiện nay tại đền thờ còn 1 số di vật như bức đại tự mang 4 chứ “Trí đại- Trí cương” với nghĩa là hướng đến cái lớn và cứng rắng, đôi câu đối, các sắc phong và các đồ thờ tự. Những di vật này có ý nghĩa giáo dục và để con cháu kính phục, nhìn tấm gương của cụ để học tập. Con cháu họ Lê luôn tự hào và mãi mãi giữ được nền nếp của họ Lê…

Làng Quan Tử - quê hương của Tiến sĩ Lê Đức Toản

Cùng với bức Đại tự “Trí đại- Trí cương” và các sắc phong, tại đền thờ Lê tộc còn lưu giữ đôi câu đối của quan Thượng Thư bộ Lễ Hà Nhậm Đại thế kỷ 16, người đã viết “Thiên Nam thi tập” về 10 vị hoàng đế và 17 vị công thần thời Lê, trong đó bày tỏ lòng ngưỡng vọng Lê Đức Toản. Đôi câu đối có nội dung:

Tiến sĩ cao danh khảng khái Đô đài thiên cổ trọng.

Sơn Đông di miếu khanh oanh Hà Đại nhất thiên ngâm.

Dịch nghĩa:

Tiến sĩ danh cao khảng khái Đô đài nghìn năm trọng.

Sơn Đông miếu cũ vang lừng Hà Đại một chương ngâm.

Cuộc đời làm quan tuy ngắn ngủi và nhiều biến cố, nhưng với những tư liệu lịch sử cùng những hiện vật được lưu giữ cho đến ngày nay giúp cho hậu thế hiểu thêm về quan Ngự sử Lê Đức Toản luôn một lòng thanh liêm, chính trực, một tấm gương sáng của một bậc “quân thần tôi trung”.  

Về cuộc đời và sự nghiệp của quan Ngự sử Lê Đức Toản tuy có sự đánh giá khác nhau của các sử gia hậu thế, nhưng với người dân làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay vẫn luôn ghi nhớ công ơn ông với 4 chữ “ Trí Đại- Trí Cương”. Hàng năm, cứ vào ngày 16 tháng 2 và 16 tháng 8, “xuân thu nhị kì”, tại đền thờ ông diễn ra lễ giỗ và cũng là ngày tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-duc-toan-vi-trung-than-nha-le-khong-tho-hai-vua-22728.vov2