Nghệ thuật quân sự của chiến dịch Hòa Bình

14/12/2021 09:57 375

Chiến dịch Hòa Bình 70 năm trước cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học có giá trị vận dụng đối với sự ngh...

Theo tư liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 11 năm 1951, quân Pháp tập trung lực lượng lớn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hòa Bình nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược, âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” mở rộng khu chiếm đóng, bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4, và mục tiêu quan trọng là  phá sự chuẩn bị tiến công Thu - Đông của ta.

Trong chiến dịch Hòa Bình, quân và dân ta quyết tâm chống lại âm mưu lập "Xứ Mường tự trị" của thực dân Pháp. Ảnh: Internet

Ngày 9/11/1951, quân Pháp sử dụng 3 binh đoàn cơ động (GM1, GM2, GM3), 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt kích mở cuộc hành quân Tuylipe đánh chiếm khu vực Chợ Bến. Ngày 14/11, tăng cường thêm 2 binh đoàn cơ động (GM4, GM7), 3 tiểu đoàn dù, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 2 đại đội xe tăng mở cuộc hành quân Lotus đánh chiếm thị xã Hòa Bình, Đường 6, Ba Vì.

Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, Pháp để lại 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội và 1 trung đội xe tăng tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: phân khu Sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và phân khu Hòa Bình - Đường 6 (Khu Nam). Ngoài ra, có phân khu Chợ Bến là tiền đồn phía đông, bảo vệ Hòa Bình. Lần đầu tiên trên chiến trường Đông Dương, quân Pháp tổ chức phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm.

Đánh giá tình hình và âm mưu của địch, ngày 18/11/1951, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định: đánh Hoà Bình, địch đã phân tán lực lượng cơ động ra một địa hình rừng núi hiểm trở, binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ bị dàn mỏng và tương đối sơ hở. Đây là cơ hội hiếm có để ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Từ nhận định trên, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công lớn trên hai mặt trận: tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch trên mặt trận chính gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 304) và Đại đoàn Công pháo 351. Trên mặt trận phối hợp là 2 đại đoàn bộ binh 316, 320 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Sông Hồng cùng các lực lượng tại chỗ tiến công địch, diệt tề trừ gian, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự rất riêng của Việt Nam. Cách đánh chiến dịch được xác định là “đánh điểm diệt viện”, kết hợp đánh địch trong công sự với đánh địch vận động, càn quét hoặc tăng viện, ứng cứu bằng đường bộ, đường sông, đường không, sẵn sàng đánh địch rút chạy.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam trả lời phỏng vấn VOV2

Tại mặt trận Hòa Bình, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công trên hướng chủ yếu, phá vỡ tuyến phòng ngự Sông Đà của địch. Đại đoàn 308 ở tả ngạn Sông Đà, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân viện trên Sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hòa Bình. Đại đoàn 312 ở hữu ngạn, diệt cứ điểm Chẹ, đánh quân viện trên đường từ Sơn Tây đi Đá Chông và từ Đá Chông đến Chẹ. Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu của chiến dịch, kiềm chế địch ở thị xã Hoà Bình và đánh địch trên Đường 6. Còn Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) làm lực lượng dự bị đứng chân ở Cổ Tiết (nam thị xã Phú Thọ) cùng lực lượng vũ trang địa phương Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét khu vực Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hoá, Đường số 2.

Trên mặt trận địch hậu ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 316 và Đại đoàn 320 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng cách mạng, chủ động tiêu diệt địch, phá tề, trừ gian, tổ chức chống càn quét để phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính diện Hòa Bình.

Ở các chiến trường phối hợp, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đẩy mạnh hoạt động ở Bình - Trị - Thiên. Lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Nam Bộ tích cực hoạt động kiềm chế địch, không cho chúng điều quân ra Bắc Bộ ứng cứu.

Sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù trong chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951-25/02/1952) Ảnh: Internet

Sau hơn 2 tháng chiến đấu, ở mặt trận Hòa Bình, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá huỷ 12 pháo và hơn 200 xe quân sự, thu 24 pháo và gần 800 súng các loại; giải phóng khu vực Hòa Bình - Sông Đà, giữ vững đường giao thông chiến lược giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4; đập tan âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược, mở rộng vùng chiếm đóng và lập “Xứ Mường tự trị” của quân Pháp.

Ở mặt trận địch hậu, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 15 nghìn tên địch, thu 6 nghìn súng các loại, mở rộng nhiều khu du kích và căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm, phối hợp và hỗ trợ cho mặt trận chính Hòa Bình giành thắng lợi. Sự chỉ đạo phối hợp có hiệu quả giữa hai mặt trận là yếu tố quyết định trực tiếp thắng lợi của chiến dịch.

Tượng đài chiến thắng Tu Vũ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) chiến công đầu trong chiến dịch Hòa Bình. Ảnh: Báo Phú Thọ

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện Trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, chiến thắng của chiến dịch Hòa Bình là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân đặc sắc. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục, dài ngày của bộ đội chủ lực, về sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, hiệu quả của ba thứ quân.

“Nếu như trong các chiến dịch trước đây, địch thua ở mặt trận chính diện nhưng củng cố được vùng địch hậu, thì lần này, địch thất bại cả ở mặt trận chính diện và địch hậu. Đó là một hiện tượng mới, một thất bại mới của địch. Thắng lợi to lớn ở mặt sau lưng địch đã làm thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ chiến dịch" - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phân tích.

Không chỉ đập tan âm mưu chiếm đóng và lập “Xứ Mường tự trị” của quân Pháp, chiến thắng Hòa Bình còn có ý nghĩa quan trọng đối với chiến thắng Điện Biên sau này mà 70 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm từ chiến dịch Hòa Bình vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đó là các bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch; bài học về phát huy sức mạnh của cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch cũng như sức mạnh các chiến trường phối hợp trong cả nước để làm nên chiến thắng. Bên cạnh đó là bài học về công tác bảo đảm, huy động hậu cần nhân dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần…

Những bài học từ Chiến thắng Hòa Bình không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng Quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-thuat-quan-su-cua-chien-dich-hoa-binh-31364.vov2