Nguyễn Bặc - Vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử

05/01/2021 08:37 203

Năm 968 sau khi thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, lấy tên nước là Đại Cồ Việt,khẳng định chủ quyền quốc gia độc lập với phương Bắc. Triều đại...

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Bặc sinh năm 924, quê  ở làng Đại Hữu, tổng Đại Hoàng, nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là con trai của Nguyễn Thước, một nha tướng dưới quyền Dương Đình Nghệ. Thưở nhỏ, Nguyễn Bặc cùng Đinh Bộ Lĩnh là bạn bè, lớn lên kết nghĩa anh em và cùng nhau dấy nghĩa ở Linh Sơn, Hoa Lư. Theo nguồn sử liệu cùng tộc phả, ông Đinh Văn Đậu, Chi trưởng Họ Đinh, hậu duệ đời thứ 43 dòng tộc Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Cụ Nguyễn Bặc, sinh năm 924, cùng với vua Đinh. Lúc nhỏ vua Đinh cùng 4 người nữa, tức 5 người bạn là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ cùng chăn trâu, tập đánh trận. Sau khi dẹp loạn thống nhất 12 sứ quân, lên ngôi vua thì Đinh Tiên Hoàng phong các chức sắc, đặc biệt là Nguyễn Bặc. Ông là người văn võ song toàn nên được phong là Định Quốc công tể tướng. Ông là người rất trung thành với vua Đinh”

Đền thờ Định Quốc công Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp dẹp loạn và dựng nước, Nguyễn Bặc đã được vua Đinh Tiên Hoàng xếp vào hàng công thần khai quốc bậc nhất của vương triều lúc đó. Nguyễn Bặc là một trong những người được phong phẩm trật đầu tiên. Về sự kiện này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Sở, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn Bặc phân tích: “Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho cụ Nguyễn Bặc là Thái tể Định Quốc công, chỉ đứng sau vua. Chức vị này tương đương với Thủ tướng Chính phủ ngày nay. Triều đại nhà Đinh chỉ tồn tại 12 năm, nhưng trước đó để lập triều đại này đã phải trải qua gần 20 năm dẹp loạn. Các sử gia sau này đánh giá, công đầu tiên là Nguyễn Bặc”

Sử sách đều ghi, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế chấm dứt thời kỳ nội loạn kéo dài hơn hai thập kỷ, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển mới của một quốc gia độc lập tự chủ. Nhưng trước đó, Nguyễn Bặc đã cùng sát cánh với Đinh Bộ Lĩnh gần 20 năm từ những ngày đầu dấy nghĩa. Ngay cả việc xưng đế của vua Đinh cũng có công đầu của Nguyễn Bặc.  Bởi sau khi dẹp loạn xong, các đại thần nhà Đinh cùng họp bàn hướng đi tiếp theo. Nguyễn Bặc nói với vua Đinh Bộ Lĩnh: Giờ ta đã có binh hùng tướng mạnh, giang sơn đã về một mối, tại sao Ngài không xưng đế. Xưng đế có nghĩa là sánh vai với nhà Tống bên Trung Hoa. Nói đến đây thì Đinh Tiên Hoàng quyết định xưng đế. Và từ đó triều đại nhà Đinh đánh dấu 1 bước ngoặt.

Trong gần 10 năm từ năm 971 đến năm 979,  Nguyễn Bặc đã có những đóng góp to lớn vào các công việc nội trị, ngoại giao, xây dựng và củng cố nền độc lập.

Về ngoại giao, ông giúp vua Đinh thiết lập mối giao bang ngang hàng với nước Tống. Nhà Tống đã phải công nhận với nước ta một quốc gia độc lập tự chủ.

Về nội trị, ông đã giúp vua Đinh xây dựng một hệ thống chính quyền phong kiến trung ương thống nhất, xoá bỏ cát cứ của các sứ quân, xây dựng thành luỹ cung điện, ổn định kinh tế mở mang phát triển nông nghiệp. Về quân sự, ông đã góp phần xây dựng một đội quân thống nhất gồm 10 đạo do Lê Hoàn chỉ huy tạo một lực lượng hùng mạnh đánh tan quân Tống xâm lược sau này. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Sở, những kế sách cùng tài thao lược của Định Quốc Công Nguyễn Bặc đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Có những bài học mà cụ Nguyễn Bặc để lại như những chiến lược quân sự như lấy nhỏ đánh lớn, chui sâu vào lòng địch, kết hợp chủ lực bên ngoài, đánh vào để tiêu diệt giặc hay những nơi địch phòng vệ kín đáo thì phải dùng kế điệu hổ ly sơn”

Nhà Đinh tồn tại chưa đầy 13 năm thì kết thúc, là một trung thần của nhà Đinh, không dễ dàng chấp nhận việc nhà Lê lên nắm quyền nên Định Quốc Công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền và một số trung thần quyết đứng lên bảo vệ nhà  Đinh nên đã rời Hoa Lư vào Thanh Hoá tập hợp thêm lực lượng.  Cuộc giao tranh diễn ra không cân sức, ngoại giáp Đinh Điền tử trận còn Định Quốc Công Nguyễn Bặc bị  bắt đem về Hoa Lư hành quyết ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão tức năm 979. Sau khi ông mất, quần thần lượm xác của ông đem về mai táng tại Đàm thôn trên một bãi đất ven sông Chanh, ngoại vi thành Hoa Lư.

Mộ của quan Tể tướng Nguyễn Bặc tại quê nhà, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Ghi nhớ công lao của ông, Thái Tể Định Quốc công Nguyễn Bặc được thờ tự tại quốc miếu triều Nguyễn và được phối thờ ở 163 nơi. Nhiều làng suy tôn ông là thành hoàng và thờ tự ở đình làng. Đặc biệt, tại đình làng Ngô Khê Hạ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình còn lưu thờ tượng ông bằng gỗ quý. Ông Nguyễn Văn Thắng, thủ từ đình Ngô Kê Hạ cho biết: “Ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, sau khi Thái Tể Nguyễn Bặc mất, nhân dân xây để thờ tự ngài, đến triều Nguyễn thế kỷ 18 được xây dựng lại. Ngôi đình này là ngôi đình 5 gian, theo đúng kiến trúc ngôi đình cổ VN, trong đó có trạm trổ Rồng Phượng. Trên dui đình có bức trướng cổ xưa. Bức đại tự có 4 chữ : “Trung Quân Nhật Nguyệt”  với ý  nghĩa là vị tướng tài cao, trung hiếu”

Hàng năm đến ngày rằm tháng 10 âm lịch, ngày ông bị hành quyết, các nơi thờ tự đều tổ chức lễ giỗ thành kính trang trọng. Với triều đại nhà Đinh, Nguyễn Bặc là vị công thần hàng đầu, với hậu thế ông là một danh nhân của đất nước, với dòng tộc ông được coi là vị Thái Thủy tổ họ Nguyễn, là tấm gương sáng để hậu duệ noi theo.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguyen-bac-vi-te-tuong-dau-tien-trong-lich-su-23828.vov2