Tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” tại Hoàng Thành Thăng Long

04/02/2021 08:58 786

Nghi lễ "Tiến Xuân ngưu", một nghi lễ cổ được tái hiện tại Hoàng Thành Thăng Long trong dịp Tết Tân Sửu từ ngày 04/02 (23 tháng Chạp) đến 01/03/2021.

Nghi lễ "Tiến Xuân ngưu" nghĩa là dâng con trâu mùa Xuân lên nhà vua còn có một tên gọi khác là "Đả Xuân ngưu" tức đánh roi vào con trâu mùa Xuân là nghi thức của văn hóa cung đình xưa.

Xuất phát từ một nghi lễ trong cung đình, dần dần lễ “Tiến xuân ngưu” lan ra toàn bộ kinh thành, thu hút sự tham gia của toàn dân kinh kỳ, trở thành một lễ thức quan trọng trong các triều đại Lê, Lý, Trần, được tiến hành vào mỗi dịp lập Xuân.

Xuất phát từ nghi lễ trong cung đình, dần dần lễ “Tiến Xuân ngưu” lan ra toàn bộ kinh thành, thu hút sự tham gia của toàn dân kinh kỳ

Theo quan niệm của người xưa, “Sửu” tượng trưng cho tháng Chạp, như vậy con trâu gắn liền với tháng cuối cùng của mùa Đông năm cũ. Dùng roi với giá trị trừ tà ma để quất tượng trưng vào con trâu đất là đánh vào sự cũ kỹ, lạnh giá của mùa Đông, đón năm mới vào đúng tiết lập Xuân. Bên cạnh ý nghĩa tống tiễn năm cũ, đón chào năm mới, con trâu còn nhắc cho chúng ta về tính biểu tượng của nó.

Anh Võ Văn Hải, đạo diễn chương trình chia sẻ: “Ngày xưa các cụ có câu "con trâu là đầu cơ nghiệp’, con trâu là thành phần quan trọng của nền nông nghiệp lúa nước. Có con trâu là có sức lao động, mà có sức lao động thì mùa màng bội thu. Lễ “Đả Xuân ngưu” này có ý nghĩa xua tan mùa Đông, xua tan lạnh giá để bắt đầu trồng trọt, cấy cày”.

Con trâu là con vật mang nhiều ý nghĩa biểu tượng với nền văn minh lúa nước

Buổi lễ tái hiện dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên như: Rước Xuân ngưu (rước trâu Xuân từ Đoan Môn), tiến Xuân ngưu (dâng trâu Xuân - trâu đất nhỏ lên vua), ban Xuân ngưu (vua ban lại trâu đất nhỏ giống như ban lộc cho các quan) và đả Xuân ngưu (đánh trâu Xuân). Dù chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nhưng hầu hết các chức vụ quan trọng nhất trong triều đình xưa đều phải có mặt.

“Với các nghi lễ cung đình thì chủ yếu mang tính tượng trưng, cũng không quá nhiều về thủ tục, nhưng vì tượng trưng cho nên cũng phải đầy đủ", thạc sỹ Phạm Vũ Lộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cố vấn chuyên môn và cũng là một trong những diễn viên tham gia tái hiện nghi lễ “Tiến Xuân ngưu” cho biết. 

"Chúng ta có thể thấy 2 bên là bá quan, thực tế sẽ nhiều hơn rất nhiều, đại diện cho bá quan trong triều đình ở Kinh đô. Ở phía trên là Vua. Những người có trách nhiệm phục vụ lễ này gồm có: Tư lễ giám – người kết nối giữa Vua và các quan bên dưới. Đối diện là Quan thông tá – người điều khiển hiệu lệnh buổi lễ. Ngoài ra bên Phủ Phụng thiên cai quản Thăng Long thời đó thì phải chế tạo con trâu. Còn có quan Công khoa là người giám sát quá trình ban con trâu của vua cho bá quan. Đó là một vài vai trò quan trọng trong lễ Tiến Xuân ngưu này”.

Hầu hết tất cả bá quan văn võ tại kinh thành đều phải có mặt tại nghi lễ Tiến xuân ngưu.  

Thạc sỹ Phạm Vũ Lộc, cố vấn chuyên môn, đồng thời đảm nhiệm vai Tư lễ giám trong nghi lễ

Có mặt tại buổi tái hiện lễ “Tiến Xuân ngưu”, nhà báo Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) tỏ ra vô cùng hào hứng khi được quan sát một nghi lễ của cung đình xưa được tái hiện trong xã hội đương đại.

“Tôi thấy rất nhiều sự hào hứng khi tham dự vào nghi lễ tái hiện “Tiến Xuân ngưu” ở Hoàng Thành. Bẵng đi một thời gian khá dài, sau thời Lê thì nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, và cả một thời gian dài về sau đất nước ta trải qua nhiều biến động lịch sử, chiến tranh, chúng ta không có điều kiện chiêm ngưỡng lễ quan trọng này ở Hoàng Thành.

Với việc phục dựng và tái hiện lại nghi lễ Tiến xuân ngưu để hậu thế có một vài mường tượng về hình ảnh, lễ thức, không khí trong Hoàng Thành xa xưa, chúng ta hy vọng những giá trị văn hóa sẽ được tiếp nối, trân trọng và bồi đắp thêm”.

Tái hiện nghi thức "Đả Xuân ngưu"

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc cho rằng, từ trước đến nay chúng ta bảo tồn và lưu giữ rất tốt các nghi lễ dân gian, nhưng các nghi lễ cung đình thì chưa được tái hiện nhiều. Gần đây mới có một vài đơn vị nghiên cứu, phục dựng và tái hiện một số nghi lễ cung đình và lễ Tiến Xuân ngưu là một trong số đó. Đây là điều đáng mừng bởi nó bổ sung cho những hiểu biết của chúng ta về đời sống của ông cha trong xã hội xưa.

“Thời xưa các triều đại có rất nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp và mùa xuân như Lễ Tịch điền, lễ Ban Sóc. Năm nay Hoàng Thành Thăng Long đã có ý tưởng phục dựng và đã tái hiện một phần nghi lễ rất quan trọng này. Đây là nghi lễ lần đầu được phục dựng, và làm khá sát so với các thư tịch cổ. Một nghi lễ thời xưa khi được sân khấu hóa có thể kéo nó đến gần hơn với công chúng, giúp công chúng nhìn tận mắt những thủ tục, trang phục, từ đó gần hơn với quá khứ. Khi đã gần hơn với quá khứ thì người ta sẽ có tư tưởng bảo tồn nó như một của cải của nền văn hóa mình” - anh Phạm Vũ Lộc chia sẻ.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/tai-hien-nghi-le-tien-xuan-nguu-tai-hoang-thanh-thang-long-24523.vov2