Thiền sư Tuệ Tĩnh "Vị Thánh thuốc Nam"

02/12/2020 15:08 252

Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh là người mở đầu cho sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, đồng thời xây dựng nền móng cho nền Y học cổ truyền dân tộc.

Thiền sư, Đại danh Y Tuệ Tĩnh sống ở thời Lê, Lý hay Trần? Đã có nhiều giả thuyết khác nhau và trở thành đề tài gây tranh cãi của nhiều cuộc hội thảo khoa học.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương thì dựa trên những sử liệu đã có, Đại danh y Tuệ Tĩnh sống vào cuối thời Trần: “Sở dĩ có sự nhầm lẫn như vậy bởi vì tại chùa Giám có một vị Thiền sư tên là Tuệ Tịnh. Vị Thiền sư này sống vào TK 17 đầu 18, khác với Thiền sư Tuệ Tĩnh. Cứ liệu để khẳng định đó là 2 người khác nhau là vị Tuệ Tịnh kia có pháp hiệu là Chân An Giác Tính Tuệ Tịnh, còn thiền sư Tuệ Tĩnh thuộc đời Trần thì có pháp hiệu là Tráng Tử Vô Dật Tuệ Tĩnh”.

Theo nhà Sử học Tăng Bá Hoành thì cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Tuệ Tĩnh rất thú vị. Dù đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng ông không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, đồng thời học thuốc, làm thuốc để chữa bệnh cứu người. Ông cũng không màng đến danh vị Đệ Nhị Giáp tiến sỹ dù đã thi đỗ lần thứ 2.

“Trong lịch sử y dược Việt Nam chỉ có duy nhất cụ Tuệ Tĩnh là được phong Thánh và điều đó cho thấy vị thế của ông như thế nào. Những tuyên ngôn của ông về y học ngày nay vẫn là những bài học quý. Nhiều bài thuốc đến nay vẫn còn phát huy trong đời sống đương đại của chúng ta, là vinh dự của giới y học Việt Nam ” - Nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành khẳng định.

Những tác phẩm Đại Danh y Tuệ Tĩnh để lại cho hậu thế

Không chỉ được coi là thần y trong việc chữa bệnh mà Thiền sư Tuệ Tĩnh còn để lại cho hậu thế những tác phẩm vô cùng giá trị như Nam Dương thần hiệu, Hồng Nghĩa Giác Tư Y thư và Thập Tam Phương gia giảm...

Theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương thì quan điểm hành nghề, nguyên tắc điều trị của Đại danh y không chỉ xuất phát từ lý tính mà còn có sự kết hợp giữa y đức, lòng yêu nước thương dân: “Cách trị bệnh của Tuệ Tĩnh là dùng Nam dược trị Nam nhân, thuốc Nam Việt trị người Nam Việt, đây là một trong những khẩu hiệu của y học truyền thống rất là sớm và rất có giá trị về phương diện tư tưởng cũng như là phương diện học thuật”.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Ngự - Ban Quản lý đền Xưa (là nơi thờ Thiền sư, Đại Danh y Tuệ Tĩnh) ở xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, thì năm 55 tuổi, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã được triều đình cử sang chữa bệnh cho Hoàng hậu là vợ vua Minh. Ở đây, ông nổi tiếng đến mức được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, đồng thời giữ lại không cho về nước nữa. Điều này khiến Thiền sư luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người:

“Khoảng năm 1390 thì cụ mất và theo như truyền thuyết thì phần mộ chôn ở Giang Nam, Trung Quốc. Năm 1690, trong thôn có Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho người cùng làng đi sứ sang Trung Quốc và có đi qua đất Giang Nam, qua phần mộ của Đức Thánh thấy có một tấm bia đề là "Có ai về Việt Nam cho tôi về với" thì Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho đã sao chép lòng bia mang về quê”. Từ đó, bà con nhân dân trong làng đã lập đền thờ và hương khói đến bây giờ.

Đền Xưa, nơi thờ Thiền sư - Đại Danh y Tuệ Tĩnh

Hiện ở đền Xưa vẫn còn đôi câu đối có nội dung: “Danh khôi Nhị giáp tiêu Trần giám/ Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y”, nghĩa là đỗ hàng danh khôi, Đệ Nhị giáp tiến sỹ thời Trần, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi sứ, tài chữa bệnh thức tỉnh y học phương Bắc.

Đến nay đã gần 10 thế kỷ nhưng những phương pháp, châm ngôn hành nghề y của Tuệ Tĩnh Thiền sư vẫn được lưu truyền, áp dụng thành công, thậm chí trở thành kim chỉ nam cho những danh y sau này, trong đó điển hình nhất là Hải Thượng Lãn Ông.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/thien-su-tue-tinh-vi-thanh-thuoc-nam-23308.vov2