Non Nước Sơn La - Hùng Vĩ Mà Quyến Rũ
Những năm gần đây, Sơn La đang vươn mình với các sản phẩm du lịch gắn với đặc ...
Khám phá làng cổ Đường Lâm trong một ngày
Nằm cách Hà Nội hơn 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006, đồng thời được mệnh danh là “Đất hai vua” - nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền.
Đường Lâm, tên nôm na gọi là Kẻ Mía. Tục danh này bắt đầu từ cái tên Cam Giá (mía ngọt). Đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của Chúa Trịnh Tráng)…
Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, giếng nước, ruộng, gò, đồi, miếu, chùa.
Cổng làng cổ nằm ở làng Mông Phụ, quay về hướng Đông Nam, là một ngôi nhà hai mái nằm ngay trên đường vào làng, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen… tạo ra một cảnh quan nguyên vẹn hiếm có tính đến thời điểm hiện nay. Từ cổng làng đi vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng.
Với vị trí gần đường quốc lộ và cách Hà Nội chỉ khoảng 50km, nên có nhiều cách di chuyển đến Đường Lâm trong ngày.
Với xe buýt, các bạn có thể đến Đường Lâm bằng các tuyến xe bus sau: Từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây các bạn đi xe bus tuyến số 71. Từ bến xe Kim Mã đến bến xe Sơn Tây, tuyến số 70. Từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây: tuyến số 77. Đến bến xe Sơn Tây các bạn bắt xe ôm hoặc taxi đi vào Làng cổ.
Với phương tiện tự túc, từ Hà Nội, việc đi xe máy, xe đạp hoặc ô tô đến Đường Lâm rất đơn giản và dễ dàng. Có hai đường đi để các bạn có thể lựa chọn: Từ Hà Nội đi theo Đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải, theo đường 21, đi qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 thì có biển chỉ dẫn vào Làng cổ Đường Lâm. Phương án 2: Từ Hà Nội đi về phía Nhổn, theo đường 32 lên đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao nhau với đường 21 sẽ có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở bên tay trái đường. Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn thì cứ đến thị xã Sơn Tây hỏi đường vào Đường Lâm thì ai cũng có thể chỉ cho bạn được.
Về các địa danh tham quan làng cổ Đường Lâm, không thể không bỏ qua nét cổ nhất của làng là kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện tại chỉ còn sót lại cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1833, trên còn tựa dòng chữ “thế hữu hưng ngơi đại”, tạm hiểu là “thời nào cũng có người tài giỏi”.
Bên cạnh đó là đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền – hai vị vua lẫy lừng chiến tích của dân tộc ta.
Một nét thú vị khác là các căn nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến, hay Nguyễn Văn Hùng đều được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Các bạn sẽ bị ấn tượng mạnh bởi không gian cây xanh, vại tương xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân, nét tinh tế hoài cổ từ những câu đối, điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu.
Còn Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự) nằm ngay ở một ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền, thờ bà chúa Mía, trong chùa có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, có không gian thanh tịnh và êm ả. Chùa được làm theo kiểu “Nội công – Ngoại quốc”, phía sau có thêm Hậu đường chia làm 3 phần nên nhìn rất bề thế, uy nghi, chùa có tất cả 27 gian trong ngoài ngang dọc tạo thành chữ “Mục”.
Với những đặc sản chúng tôi liệt kê sau đây, chắc hẳn, các bạn sẽ rất háo hức khi đến tham quan. Đó là gà mía, một loại nông sản cao cấp; Tương chấm với các loại đồ ăn dân dã như rau muống chấm tương, cà dầm tương, thịt luộc dầm tương; bánh tẻ; chè lam, kẹo dồi; Ngoài ra, các bạn cũng có rất nhiều địa chỉ Homestay để nghỉ ngơi buổi trưa, trước khi xuôi Hà Nội vào buổi chiều.
Non nước Sơn La - hùng vĩ mà quyến rũ
Tỉnh Sơn La nằm ở phía Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300km theo quốc lộ 6 với đường đi đã được nâng cấp rất thuận tiện. Đến với Sơn La, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, khám phá về giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cuốn hút trong vòng xoè, ngây ngất trong men rượu cần rồi cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào như đêm hội: Mời Noọng hãy tới đây, cho anh nắm tay xoè, bên ánh lửa hồng lung linh má em thêm đẹp thêm hồng... và bừng lên trong câu hát: Inh lả ơi - Sao noọng hời - Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời...
Trong những năm qua, hòa chung với quá trình đổi mới của đất nước, Sơn La cũng đã có nhiều chuyển biến sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Sơn La được du khách biết đến bởi những nét văn hoá đặc sắc của 12 dân tộc anh em. Giữa cái riêng của 12 dân tộc ấy là những nét chung, đó là sự giao hoà giữa các nền văn hoá. Khi du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh thì ngành du lịch non trẻ của Sơn La cũng đã có những khởi sắc. Nhiều Tour du lịch ngắn được tổ chức đã tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách cả trong nước và nước ngoài.
Đến với trung tâm tỉnh (Thành phố Sơn La ) du khách được thăm quan những di tích lịch sử và những danh thắng nổi tiếng đã được xếp hạng: Nhà ngục Sơn La, nơi giam giữ tù chính trị trong thời kỳ chống Pháp, với cây đào Tô Hiệu còn đó đang nở hoa kết trái; Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, nơi ghi dấu bút tích của vua Lê Thái Tông năm 1440 với bài thơ được khắc trên vòm hang vách đá thẳng đứng. Đã trở thành Hang Thiêng, dưới lòng hang rộng có rất nhiều thạch nhũ từ vòm hang buông xuống, thực sự đây là thắng cảnh kỳ vĩ do thiên nhiên kiến tạo và hồn thiêng sông núi.
Mỗi khi áng chiều trải dài bóng mỗi ngọn cây, nhuộm đỏ những dòng suối, những chiếc lá vàng trôi lững lờ hiền dịu, thanh bình du khách có thể đi trên con đường trải nhựa lượn quanh các sườn đồi như một dải lụa. Xa xa những dải khói lam chiều nhẹ nhàng uốn mình theo triền núi. Cách trung tâm Thị xã gần 5km là điểm thăm quan và thư giãn tại suối nước nóng Bản Mòng còn nguyên những nét đẹp hoang sơ thuần khiết đầy quyến rũ.
Trong các Tour do các công ty Du lịch Sơn La tổ chức, du khách sẽ được đến với những địa danh, khu văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc: Khu bảo tàng tỉnh Sơn La nằm trên ngọn đồi Khau Cả còn lưu giữ hàng ngàn hiện vật văn hoá đa dạng của đồng bào các dân tộc Sơn La. Cùng những khu làng, bản văn hoá như: Bản Hìn, Bản Bó trên những nếp nhà sàn truyền thống, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản, hương vị mới lạ, đậm đà, hấp dẫn như Măng lay, Cá nướng, Cơm lam...,Đến Bản Cọ quê hương của anh hùng liệt sỹ Lò Văn Giá là tìm đến: Giọt sương đêm ngủ quên trên lá...
Bằng đường bộ, từ Hà Nội qua Hoà Bình là đến vùng thảo nguyên Mộc Châu mênh mông, du khách được tận hưởng không khí trong lành của vùng khí hậu tiểu ôn đới quyện hoà cùng hương vị chè Shan Tuyết ngan ngát. Đồng thời được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hùng vĩ mà nên thơ như: Hang Dơi, thác Dải Yếm, Rừng Thông ẩn hiện trong sương mù...Trong tương lai gần nơi đây sẽ là đô thị du lịch của Việt Nam.
Cũng bằng đường bộ, từ Thị xã Sơn La du khách có điều kiện đến Mường La để được chiêm ngưỡng công trình thuỷ điện Sơn La , công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á được nhiều người biết đến. Và ngược lên vùng sinh thái Ngọc Chiến sẽ được ngắm nhìn và thưởng thức một rừng hoa thơm, trái ngọt, khí hậu trong lành.
Những du khách yêu thích du lịch khám phá và du lịch sinh thái vùng cao, vùng hồ có thể du thuyền trên vùng hồ Sông Đà mênh mang từ Hoà Bình qua Tạ Khoa đến Vạn Yên (bến Vạn) và đến tận Mường La, cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Dừng chân bên Bến Vạn xao xuyến bởi: Dù ai đi ngược về xuôi - nhớ về bến Vạn xin đừng quên nhau...Và tiếp đến Bắc Yên, lên vùng cao Tà Xùa để thưởng thức hương vị chè Tà Xùa tiếng đã vang xa. Xuôi về Hang Chú - Hồng Ngài để thưởng thức rượu Hang Chú và nhớ về quê hương Vợ Chồng A Phủ với âm hưởng của Bài ca trên núi: Trời chỉ có- chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người - hai người yêu nhau... và có cơ hội ngắm nhìn những vẻ đẹp hoang sơ của những nhành phong lan rừng, những đỉnh núi cao mây vờn, những dòng suối trong veo và cả lòng chân chất, hiếu khách của người dân bản địa.
Mùa xuân về, hoa ban nở trắng, nụ đào thắm tươi, với những cô gái Thái đầu đội khăn Piêu, vận áo cóm, váy nhung đen chấm gót. Dáng hình thon thả: Lưng eo bó mạ, ngón tay lá hành...uyển chuyển bên cây nêu, vòng xoè ngày hội càng tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc. Có thể nói đây là thời điểm thích hợp nhất để khám phá thiên nhiên, những nét văn hoá và con người Sơn La.