Tranh khắc gỗ hiện đại và sự tiếp nối dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ

07/12/2020 14:17 282

Tranh khắc gỗ rất phổ biến ở Việt Nam xưa kia. Ngày nay, tưởng như dòng tranh này không còn chỗ đứng, nhưng vẫn có những người theo đuổi bộ môn này.

Chúng tôi gặp Nguyễn Thành Long trong một buổi workshop tổ chức ở sân trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ngôi trường cậu đang theo học. Thấy tôi có vẻ ấn tượng với những bức tranh màu sắc nổi bật, chủ đề đa dạng, Long say sưa giới thiệu về những tác phẩm đang được trưng bày.

Hóa ra, chúng chính là những bức tranh khắc gỗ, là một nội dung trong chương trình học của Thành Long và bạn bè ở trường. Nội dung của những bức tranh khắc gỗ này cực kì đa dạng, từ hoa quả tĩnh vật, phong cảnh thiên nhiên: núi, rừng cây, cảnh hoàng hôn, bình minh, cảnh những chú chó, mèo ngộ nghĩnh, đáng yêu… Tất cả những chủ đề mà chúng ta có thể tìm thấy ở những dòng tranh khác thì đều có thể được thể hiện bằng tranh khắc gỗ.

Nguyễn Thành Long cho biết, đây là một môn nghệ thuật có từ lâu đời: “Nổi tiếng thì có tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Môn nghệ thuật này ở nước ngoài cũng có nhiều, như Nhật Bản và Trung Quốc; mới đây phương Tây cũng bắt đầu làm theo. Ngày xưa mình in các quyển truyện, sách thì đều là làm bằng khắc gỗ”.

Nguyễn Thành Long bên một tác phẩm tranh khắc gỗ

Nếu như các dòng tranh khác như tranh sơn mài, sơn dầu, người nghệ sỹ chỉ cần chú ý đến màu vẽ và chất liệu thể hiện, thì với tranh khắc gỗ, điều đầu tiên cần chú ý là chế tạo bản khắc gỗ. Gần như tất cả các loại gỗ thông dụng đều có thể dùng để tạo ra bản khắc gỗ. Sau đó, người nghệ sỹ sẽ dùng dao đầu nhọn, đục mảnh gỗ để tạo nên hình thù mình mong muốn.

Tùy theo kĩ thuật sử dụng dao của nghệ sĩ mà chúng ta sẽ có những nét khắc hay bề mặt khắc đẹp hay xấu. Xưa kia chủ yếu khắc bằng tay, nhưng ngày nay các họa sỹ tranh khắc gỗ có thể ứng dụng một số công nghệ hiện đại như máy phay, máy cưa, khắc laser, khắc CNC… để tạo ra bản khắc gỗ. Sau khi làm xong bản khắc gỗ là đến công đoạn phủ mực lên bằng con lăn.

“Tranh in khắc gỗ này bọn em dùng mực in offset (chính là mực in báo). Cách trộn màu nó cũng giống với các chất liệu vẽ khác thôi", Nguyễn Thành Long giải thích. "Nhưng điểm khác là bọn em sẽ lăn qua con lăn. Sau khi pha màu xong, bọn em dùng con lăn phủ màu đấy lên bản khắc gỗ, làm sao để màu lên chuẩn nhất. Về cách trộn màu thì bây giờ bọn em làm bằng máy trước, tạo các layer trên photoshop, khác với việc ngày xưa người ta làm thủ công. Tranh Đông Hồ mỗi ngày họ chỉ làm được 1 màu thôi, nhưng cái này thì một ngày có thể làm nhiều màu thì chất liệu mực in offset khô nhanh hơn”. 

Công đoạn cuối cùng là dùng giấy có khả năng hút nước, ép lên các bản khắc gỗ để tạo hình bức tranh trên giấy. Điểm cầu kỳ là ở chỗ, mỗi một màu in lên tranh lại phải chế tạo riêng 1 bản khắc gỗ khác nhau: "Ví dụ như trong bài bố cục tranh này có màu cam, màu nâu, màu xanh,  màu vàng… thì màu cam này là 1 bản khác, nâu lại là 1 bản khác", Long chia sẻ. "Bọn em sẽ trổ để lấy nguyên phần màu nâu này, các phần khác sẽ khoét bỏ hết đi”.

Làm tranh khắc gỗ cần sự tỉ mỉ và cầu kỳ

Cứ như thế, 1 bức tranh hoàn thành có khi phải dùng đến hàng chục bản khắc gỗ khác nhau. Tranh khắc gỗ là chất liệu sáng tác mỹ thuật đồ họa truyền thống của Việt Nam, xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên của người Việt. Xưa kia có những phường thợ chuyên khắc tranh và những làng khắc tranh mang tính chuyên môn hóa cao, như làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ Huế thịnh hành trong các thế kỷ từ 16 đến đầu thế kỷ 20. Tranh khắc gỗ dân gian là di sản văn hóa to lớn của dân tộc Việt.

Chứng kiến những bức tranh khắc gỗ của các bạn sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp, nhiều người xem cảm thấy vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên: “Đến đây thấy các bạn ý bày những bức tranh khắc gỗ này thì mình rất ấn tượng. Tranh rất đẹp, các lớp màu các bạn ý sử dụng rất tươi tắn”.

Một bức tranh khắc gỗ

Ngày nay, bộ môn này được giảng dạy trong các trường mỹ thuật. Theo chị Trần Mỹ Duyên, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công  nghiệp, việc thành thục bộ môn này sẽ giúp các bạn sinh viên rèn giũa được nhiều kỹ năng: “Tranh khắc gỗ là một bài tập của khoa đồ học, trong môn học các thủ pháp đồ họa. Tiêu chí của bài này là các bạn sinh viên phải có kỹ năng về nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật bố cục sắp xếp màu sắc, và có thêm các kỹ năng khắc gỗ và in bản”.

Có thể thấy, tranh khắc gỗ hiện đại là một cách thức phát huy các môn nghệ thuật truyền thống của ông cha ta. Tranh khắc gỗ có tính ứng dụng cao, có thể dùng để in tiền, in tem, bìa sách… hơn nữa lại đang được giảng dạy trong các trường đại học. Thế nên, tranh khắc gỗ vẫn tìm được chỗ đứng trong xã hội đương đại.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/tranh-khac-go-hien-dai-va-su-tiep-noi-dong-tranh-dan-gian-hang-trong-dong-ho-23403