Phùng Khắc Khoan "ông Trạng của dân"

11/12/2020 13:57 365

Trong danh sách 46 ông Trạng "chính thống" không có tên Phùng Khắc Khoan nhưng ông là người duy nhất đỗ Nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp mà được dân tôn xư...

Nhân dân mến mộ Phùng Khắc Khoan không phải vì ông là vị quan đức cao vọng trọng mà bởi dù ở chức vụ gì, ông cũng đều toàn tâm, toàn ý phụng sự triều đình và dân chúng. Cũng bởi vậy cho nên dù không đỗ trạng nguyên, người ta vẫn gọi ông là "Trạng Bùng". Thậm chí sau cuộc đi sứ nhà Minh thành công, dân gian còn lưu truyền ông là “lưỡng quốc Trạng nguyên”. Điều đó đủ để thấy tầm ảnh hưởng của Phùng Khắc Khoan đối với nhân dân thời bấy giờ.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Vương – ĐH Quốc Gia, Hà Nội thì sự gần dân, hết lòng vì dân là điểm nổi bật nhất trong sự nghiệp chính trị của Phùng Khắc Khoan.

Lăng mộ "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan

Cuộc đời Phùng Khắc Khoan gắn với biến động đầy phức tạp của thời thế, nhưng ông vẫn biết cách tự khẳng định tài năng của mình để lại tiếng thơm còn mãi muôn đời. Qua hàng trăm năm nhưng những giai thoại về Trạng Bùng vẫn còn được người dân nhắc mãi, nhất là lần đi sứ nhà Minh của ông vào năm 1597, khi đấy đã 70 tuổi. TS sử học Nguyễn Hữu Tâm cho rằng nhà Lê chọn Phùng Khắc Khoan đi sứ lúc bấy giờ là hoàn toàn có dụng ý.

Cuộc đi sứ của Phùng Khắc Khoan lúc bấy giờ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà hậu Lê vì trong 65 nhà Mạc ở Thăng Long, nhà Minh chỉ biết đến nhà Mạc. Chính vì thế lần này xin sắc phong cho vua Lê là điều vô cùng khó. Trách nhiệm nặng nề này đã được đặt lên vai của Phùng Khắc Khoan. Bằng tài năng của mình ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình.

Đình và nhà thờ "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Chuyến đi sứ này của Phùng Khắc Khoan kéo dài hơn một năm trời nhưng cuối cùng đã thành công rực rỡ, vua Minh phong cho vua Lê làm An Nam Quốc Vương. Trong chuyến đi sứ này ông còn làm một tập thơ tặng vua nhà Minh bằng tất cả tài năng và sự uyên bác của mình. Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì tập thơ này của Phùng Khắc Khoan được đánh giá rất cao bởi sự tao nhã, trong sáng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ thể hiện ý chí của quốc gia Đại Việt.

Có thể nói "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan không chỉ là một lương thần, một danh nho mà còn là một thi sĩ tài hoa. Trước tác Phùng Khắc Khoan để lại xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam.

Cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm như văn tế, văn bia, kinh truyện… nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Đặc biệt nhất phải kể đến tác phẩm bằng chữ Nôm “Lân tuyền vãn” gồm 185 câu lục bát. Tác phẩm tập trung giới thiệu, miêu tả cách vun trồng, chăm sóc, công dụng của các loại hoa, các loại rau và các loại gia súc, gia cầm. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì tác phẩm này của Phùng Khắc Khoan được đánh giá rất cao và được nhân dân thời bấy giờ áp dụng rất nhiều.  

Thơ văn của Phùng Khắc Khoan chính là đời, ông đã ghi chép mô tả cuộc sống đời thường, mô tả cảnh vật và những câu chuyện ông trải qua. Là một mệnh quan triều đình, đạt đến đỉnh cao quyền lực nhưng Phùng Khắc Khoan luôn mở lòng hướng đến nhân dân.

Trong cuộc đời làm quan 50 năm của mình, ông được biết đến với những đóng góp quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa được nhân dân hết sức ngưỡng mộ. Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng ông, tấm lòng lo cho dân từ hạt gạo, cọng rau để từ đấy mà dựng nước, giữ nước.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/phung-khac-khoan-ong-trang-cua-dan-23502.vov2