Giá trị độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn

06/02/2023 16:01 681

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là công viên đầu tiên của nước ta được UNESCO ghi danh là công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là...

Nằm ở độ cao trung bình từ 1000 – 1600m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích lên đến 2.356 km vuông, trong đó Đồng Văn là huyện vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu và Đồng Văn cũng là một trong bốn huyện có diện tích núi đá vôi nhiều nhất. 

Theo anh Hoàng Xuân Đôn - Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đầu tiên của Việt Nam. Cao nguyên đá Đồng Văn tái hiện một cách vô cùng đa dạng, sinh động và liên tục suốt khoảng hơn 500 triệu năm lịch sử tiến hóa địa chất và sự sống của Trái đất. 

"Trên những vách dựng đứng của hẻm vực Tu Sản xuất lộ ra những lớp vỏ trái đất trải qua từng thời kỳ thì mình có thể nhìn thấy những cái nếp uốn đá vôi, những hóa thạch hay những địa tầng khác nhau và đấy là những giá trị rất hay. Chẳng hạn ở chỗ Mã Pì Lèng có một đoạn đá vôi bị đỏ do nó có thành phần vi lượng về kim loại, về các loại hóa chất khác nó làm cho đá vôi không phải là màu xanh như thông thường. Hay như núi đôi Quản Bạ hoặc Thiết Giao Long phá thạch ở Tả Lủng Mèo Vạc chúng ta có thể tìm hiểu tại sao cái gò đá đấy thường xuyên bị sét đánh rất nhiều nhưng các nhà khoa học nghiên cứu thì đây là một phần trồi lên của một vỉa mạch bô xít. Bô xít thì không có nhiều ở vùng đá vôi nên nó rất đặc biệt và bô xít chứa thành phần kim loại khá nhiều nên nó thu hút sét và hình dáng của tảng đá khá giống một con cá sấu đang bò lên bờ thì nó mới có tên là Thiết giao long", anh Hoàng Xuân Đôn nêu dẫn chứng.

Di sản kiến tạo Mặt trượt đứt gãy và đới dăm kết vôi ở Quản Bạ

Di sản kiến tạo kiểu I Mặt trượt đứt gãy và đới dăm kết vôi ở Quản Bạ thuộc tổ hợp di sản cấp quốc tế. Mặt trượt có phương Tây Bắc- Đông Nam dốc đứng, cắt qua đới dăm vôi tuổi Devon sớm. Mặt trượt trơn mịn, màu đỏ chứa oxyt sắt. Mặt trượt đứt gãy ở Quản Bạ là dấu tích pha hoạt động cuối cùng của đứt gã này trong giai đoạn Tân kiến tạo (khoảng 5 triệu năm).

Cũng theo anh Hoàng Xuân Đôn, Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau nên có địa hình nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những hẻm vực núi sâu hun hút, những vách núi cao dựng đứng, cùng với đó là các vườn đá được thiên nhiên kiến tạo không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn mang lại giá trị to lớn về mặt khoa học và nghiên cứu. Vì thế, du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.

Di sản Sách đá Vần Chải, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, một khung cảnh vô cùng ấn tượng hiện ra trước mắt du khách đó là hàng trăm chóp nón đá vôi có địa hình đơn nghiêng trông như những trang sách đang được lật mở nên còn được gọi là những cuốn sách đá. 

Theo anh Đỗ Thế Vinh, cán bộ Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cuốn “sách đá Vần Chải” không chỉ là một trong những cảnh quan đẹp và có giá trị khoa học của Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn mà đây còn là cảnh quan hiếm có trong quần thể Công viên.          

Ngoài ra, du khách cũng dễ dàng bắt gặp những biểu hiện di sản địa chất, địa mạo vô cùng ấn tượng: bãi Hải Cẩu Vần Chải, núi đôi Quản Bạ...

Bãi Hải cẩu Vần Chải

Có một điều đặc biệt ấn tượng với du khách khi đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đó chính là đá. Đá dựng thành những hàng rào vững chắc, uốn lượn ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ, những nương ngô... Bất cứ ở đâu trên Cao nguyên đá, trong các bản làng, ta đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn bao quanh những ngôi nhà của người Mông rất xinh xắn. Những viên đá vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn tay tài hoa của những người đàn ông trong gia đình lựa chọn, sắp xếp một cách khéo léo mà không cần dùng tới xi măng hay bất cứ chất liệu kết dính nào khác để tạo thành những hàng rào đá vững chãi và độc đáo như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chinh- PCT UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của “thiên đường đá” và lòng hiếu khách của con người trên Cao nguyên đá đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/gia-tri-doc-dao-cua-cong-vien-dia-chat-toan-cau-cao-nguyen-da-dong-van-40109.vov2