Ẩm thực Việt: Để danh hiệu thành thương hiệu

17/10/2024 09:33 636

Nhận nhiều giải thưởng ẩm thực khu vực và thế giới, tuy nhiên, vị thế của ẩm thực Việt Nam còn khá khiêm tốn trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Việc đưa ẩm th...

Sở hữu nền ẩm thực đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực trở thành lợi thế để thu hút du khách. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều bảng xếp hạng, giải thưởng quốc tế vinh danh Việt Nam là Điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới và khu vực Châu Á. Mới đây nhất, Hà Nội cũng đón nhận tin vui với 2 giải thưởng “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới” và “Thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á” tại Lễ trao giải thưởng Ẩm thực thế giới 2024.

Theo ông Dương Văn Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, Chủ tịch Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam, sự công nhận từ các chuyên gia và tổ chức quốc tế không chỉ là niềm tự hào cho người dân Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch và phát triển kinh tế nước nhà.

Một trong những yếu tố chính khiến ẩm thực Việt Nam được vinh danh là sự đa dạng và độc đáo trong món ăn. Từ phở, bánh mì, đến các món ăn đặc sản như bún chả hay cao lầu... mỗi món đều mang một câu chuyện riêng, phản ánh văn hóa, lịch sử và phong cách sống của người Việt. Sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị và nguyên liệu tươi ngon tạo nên hương vị đặc trưng, khó quên. Bên cạnh đó, các món ăn thường được chế biến và trình bày một cách tinh tế, không chỉ để thưởng thức mà còn thể hiện lòng hiếu khách và tôn trọng thực khách. Những bữa ăn vừa cung cấp dinh dưỡng vừa là cơ hội để gắn kết gia đình và bạn bè, người thân.

Ông Dương Văn Hùng- PCT Thường trực Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, Chủ tịch Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam Ông Dương Văn Hùng- PCT Thường trực Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, Chủ tịch Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam

Mặc dù ẩm thực Việt Nam đã có sự vinh danh đáng kể trên trường quốc tế và sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng thực tế vẫn tồn tại một số thách thức cần giải quyết để khai thác hết giá trị và sức hút của nó.

"Lý do đầu tiên khiến ẩm thực Việt chưa hoàn toàn phát huy tiềm năng là thiếu một chiến lược phát triển bền vững và đồng bộ. Các nhà hàng, doanh nghiệp ẩm thực và tổ chức du lịch cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt một cách rõ ràng và nhất quán. Thứ hai là dù có nhiều đầu bếp tài năng, nhưng chưa có đủ hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và bài bản để trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này có thể hạn chế khả năng sáng tạo và cải tiến món ăn, khiến ẩm thực Việt khó cạnh tranh với các nền ẩm thực khác. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa khai thác tối đa nguyên liệu địa phương khi còn nhiều vùng nguyên liệu chưa được khai thác hoặc chưa được quảng bá hiệu quả". Ông Dương Văn Hùng phân tích.

Bánh hỏi lòng heo Bánh hỏi lòng heo

Cũng theo ông Dương Văn Hùng, các giải thưởng ẩm thực thường dựa trên các tiêu chí cụ thể, có thể không phản ánh đầy đủ sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc một số món ăn hoặc phong cách ẩm thực không được công nhận, trong khi những món khác lại được tôn vinh một cách không hoàn toàn đại diện cho toàn bộ nền ẩm thực. Dù các giải thưởng ẩm thực mang lại nhiều lợi ích và tạo ra danh tiếng cho Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chúng đi kèm với áp lực và thách thức.

"Khi Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng ẩm thực cũng kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch tìm đến trải nghiệm ẩm thực, điều này không chỉ tạo ra danh tiếng mà còn mang lại áp lực cho các nhà hàng và đầu bếp. Họ cảm thấy cần phải duy trì và nâng cao chất lượng để đáp ứng kỳ vọng của thực khách trong và ngoài nước. Các nhà hàng và dịch vụ ẩm thực phải không ngừng đổi mới và phát triển để đáp ứng nhu cầu của thực khách, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi phải cân bằng giữa sự sáng tạo và việc giữ gìn truyền thống".

Bún sứa Bún sứa

Để ẩm thực Việt Nam được nhận diện rõ ràng và trở thành thương hiệu, cần xây dựng một chiến lược quảng bá đồng bộ và bài bản. Thiết kế một logo và slogan đại diện cho ẩm thực Việt Nam có thể giúp tăng cường nhận diện thương hiệu; Xác định những món ăn mang tính biểu tượng và đặc trưng như: phở, bánh mì, bún chả... và phát triển câu chuyện xung quanh từng món ăn để truyền tải bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm khai thác các kênh truyền thông, mạng xã hội, quảng bá qua phim ảnh, truyền hình; Mời các blogger, influencer ẩm thực nổi tiếng thế giới trải nghiệm và giới thiệu món ăn Việt; Tổ chức các lễ hội ẩm thực tại các thành phố lớn trên thế giới để giới thiệu ẩm thực Việt. Các sự kiện này có thể bao gồm việc trình diễn nấu ăn, thưởng thức món ăn và giao lưu văn hóa...

Chỉ khi đó, ẩm thực Việt mới có thể vươn mình ra thế giới, khẳng định vị thế và giá trị độc đáo của mình.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/am-thuc-viet-de-danh-hieu-thanh-thuong-hieu-50461.vov2