Danh nhân Đặng Đình Tướng - vị "công thần" thời Lê Trung hưng

07/07/2021 13:49 127

Đặng Đình Tướng là một nhà văn hóa lớn cuối thể kỷ 18, một nhà tư tưởng lớn của kinh thành Thăng Long xưa. Với 70 năm làm quan, trải qua 3 triều vua lớn, Đ...

Đặng Đình Tướng xuất thân từ một dòng họ rất danh giá của làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông là cháu năm đời của Thái úy, Nghĩa Quốc công Đặng Huấn (dòng dõi Đặng Dung). Cha ông là Yên Quận công Đặng Tiến Thự, một trọng thần đương thời, vì những công tích to lớn còn được ban họ của chúa nên còn có tên là Trịnh Liễu.

Mặc dù sống giữa ngọc ngà, nhung lụa nhưng Đặng Đình Tướng rất chăm chỉ dùi mài kinh sử, thêm đó là truyền thống gia đình đã khiến cho Đặng Đình Tướng sớm nổi tiếng khắp vùng. Năm 1669, khi 20 tuổi ông đã đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương. Một năm sau đó, tại kỳ thi Hội khoa Canh Tuất (1670), Đặng Đình Tướng trở thành một trong 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân. Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm thì giới sử học đánh giá rất cao về danh nhân Đặng Đình Tướng.  

Là một người văn võ toàn tài nên Đặng Đình Tướng đã đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình. Năm 1675, ông làm Đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1676, làm Hiến sát sứ Sơn Tây. Năm 1682, làm Công khoa Cấp sự trung. Năm 1683, ông được cử đi sứ nhà Thanh. Đầu năm 1687, làm Đốc thị đi dẹp giặc ở các đạo Tuyên, Hưng. Sau đó ít lâu lại được cử làm phó sứ trong phái đoàn sang triều cống nhà Thanh.

Trong thời gian đi sứ, ông đã viết nhiều bài thơ thể hiện tình cảm thương nhớ về quê hương, đất nước, được thể hiện trong 50 bài thơ trong tập Trúc Ông phụng sứ. Năm 1705, Đặng Đình Tướng được phong làm Bồi tụng, Tả thị lang Bộ Lại, đứng đầu hàng quan văn, nhưng vì “có mưu cơ, tài lược, hiểu biết việc quân” nên được chuyển sang võ ban với chức Trung quân Hữu Đô đốc, tước Ứng Quận công.

Ông Đặng Đức Minh, hậu duệ dòng họ Đặng ở thôn Trung Tiến, xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Chính tài năng và đức độ của Đặng Đình Tướng đã khiến vua Lê, chúa Trịnh giao cho ông nhiều trọng trách.

Bia ghi lại công tích của danh nhân Đặng Đình Tướng tại nhà thờ ông ở xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội

Những năm đầu thế kỷ 18, Trịnh Căn qua đời, với tầm nhìn của mình, Đặng Đình Tướng đã cùng với Nguyễn Quý Đức phò tá Trịnh Cương lên ngôi chúa. Cũng chính nhờ sự sáng suốt ấy mà Việt Nam có một vị chúa tài cao, đức độ, giúp cải thiện nền kinh tế của dân tộc rất nhiều. Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm thì Đặng Đình Tướng là vị danh thần có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với vua Lê, chúa Trịnh lúc bấy giờ

Đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng: lúc là quan văn, lúc là quan võ nhưng ở vị trí nào ông cũng luôn thể hiện lòng tự tôn dân tộc trong mọi hoàn cảnh. Ông cho rằng nước Việt tuy nhỏ nhưng tinh thần, ý chí tự lập, tự cường luôn vươn cao mạnh mẽ. Năm 70 tuổi, ông dâng sớ tới 7 lần chúa Trịnh mới cho về trí sĩ, lại gia phong làm Trí sĩ Ứng Quận công, Quốc lão tham dự triều chính và cho về quê nghỉ hưu. Chúa Trịnh Cương vẫn tin dùng ông, thỉnh thoảng mời vào phủ bàn việc.

Mãi tới năm 84 tuổi, Đặng Đình Tướng mới được cho nghỉ hưu lần thứ hai sau khi được gia phong làm Đại tư mã. Có thể nói 70 năm làm quan, trải qua 3 đời vua, hiếm có vị quan nào lại đạt được công danh, phẩm giá như ông.

Hiện nay, nhà thờ Tiên Quốc lão Đặng Đình Tướng tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1.200m2 ở xóm Ngõ Chỗ, thôn Trung Tiến, xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội. Đến thăm nhà thờ, được nghe kể những câu chuyện về ông mới thấy được ông không những là một vị quan có thực tài, mà còn là một nhà văn hóa nổi tiếng với nhiều tác phẩm tiêu biểu còn lưu truyền lại cho đến ngày nay như là bộ sách Thuật cổ quy huấn hay tập sách Trúc ông phụng sứ tập…

Theo ông Đặng Đình Mình, hậu duệ dòng họ Đặng ở thôn Trung Tiến thì đến nay những câu chuyện về danh nhân Đặng Đình Tướng vẫn được lớp người cao niên của dòng họ lưu truyền cho các thế hệ sau như một sự nhắc nhở con cháu phải nối tiếp truyền thống mà bậc tiền nhân đã để lại. 

Có thể nói, Đặng Đình Tướng trong khoảng gần 70 năm làm quan dưới triều Lê Trịnh được sử gia các triều đại phong kiến đánh giá cao. Không chỉ là một vị danh thần văn võ song toàn, được chúa tin dùng và có nhiều công lao, ông còn là một vị danh Nho chính trực, giản dị, có tấm lòng khoan thứ thương dân...

Nguồn: vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/danh-nhan-dang-dinh-tuong-vi-cong-than-thoi-le-trung-hung-27167.vov2