Độc đáo Chùa Keo Thái Bình

27/10/2020 09:03 411

Chùa Keo thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Ngôi chùa bảo tồn được hầu như n...

Chùa Keo Thái Bình là một ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thế kỷ 17. Hiện Chùa Keo còn lại 17 công trình với 128 gian. Các công trình chính của chùa được sắp xếp theo một đường trục vô hình gọi là đường thần đạo. Theo Đại đức Thích Thanh Quang- Trụ trì Tổ đình chùa Keo, nếu tính tam quan ngoại là điểm đầu và gác chuông là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng. Đây cũng là trung điểm tạo nên sự đối xứng trong kiến trúc của chùa.  

Theo sử sách, nguồn gốc và lịch sử văn bia ghi lại thì chùa Keo cổ ngày xưa được xây dựng vào thế kỷ thứ 11, bởi Đức Thánh Vương Không Lộ Thiền Sư. Đến đầu thế kỷ thứ 17, sau hơn 400 năm tồn tại, 1 trận đại hồng thủy ập đến đã làm ảnh hưởng toàn bộ công trình của ngôi chùa. Quận Công Hoàng Quân Dũng khi ấy đã xin chúa Trịnh cùng các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, vận động người dân đào ao vượt thổ, huy động tài lực, nhân lực, trí lực trong vòng 19 năm và xây dựng lại chùa Keo hiện nay. Nhìn tổng thể, Chùa Keo được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc” và “tiền Phật hậu Thánh”. Điểm độc đáo ở đây là các tòa nhà được thiết kế theo mô hình hai chữ Công lồng trong chữ Quốc mà ít chùa có được. Nguyên tắc kiến trúc này tạo cho Chùa Keo sự đăng đối, trang nghiêm và bề thế nhưng không khô cứng.

Chùa Keo - Biểu tượng nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thế kỷ 17

Đi sâu vào tìm hiểu, có thể thấy kiến trúc chùa phân ra thành nhiều lớp đơn và kép, có sự giãn cách khác nhau. Thông thường, các ngôi chùa Việt có 1 tam quan, nhưng Chùa Keo lại có hai tam quan. Lớp cổng đầu tiên – tam quan ngoại hay còn gọi là nghi môn đền được nâng lên thành một ngôi nhà hoàn chỉnh với ba gian hai chái, không có cửa, không có tường. Còn Tam quan nội được thiết kế ba gian, như một tòa nhà có cửa, có chái mà không có lòng nhà. Cấu trúc cả trước lẫn sau chỉ có một hàng cột, nhìn phía nào cũng chỉ thấy cửa và hiên, thể hiện thuyết “sắc sắc không không” của đạo Phật. Đặc biệt, bộ cánh cửa gian giữa tam quan nội khi đóng lại tạo thành một tác phẩm khắc gỗ độc đáo. Bức phù điêu khắc họa “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt” với những nét chạm hình rồng và đao mác tua tủa vút lên, không chỉ tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng mà còn phần nào tái hiện lịch sử đất nước lúc bấy giờ.

Mặc dù có kiến trúc tiền Phật hậu Thánh nhưng khu thờ Thánh độc lập với khu thờ Phật cho thấy vị trí quan trọng của Thiền sư Dương Không Lộ với đời sống tâm linh của người dân trong vùng. Hai khu này được ngăn cách bởi Tòa giá roi. Theo các nghiên cứu, tòa Giá roi chỉ riêng có ở chùa Keo Thái Bình, có ý nghĩa và chức năng như một ngôi đình. Nơi đây đã từng diễn ra việc xử phạt, phân xử của người dân làng Keo ngày trước. Những con sơn nội, sơn ngoại của chùa cũng rất đặc biệt. Nó không chỉ có tác dụng đỡ đầu bẩy hay xà mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, thể hiện sự lành nghề của những người thợ.

Nét độc đáo nhất trong kiến trúc Chùa Keo chính là Gác chuông. Không chỉ thể hiện chiều sâu văn hóa của mảnh đất, con người Thái Bình, gác chuông còn ẩn chứa trong nó giá trị về nghệ thuật kiến trúc độc đáo, khác biệt. Gác chuông gồm 3 tầng 12 mái, như một bông sen khổng lồ, bề thế và phức tạp, đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao. Gác chuông chùa Keo đã được xác lập kỷ lục là gác chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam. Ngoài ra, giếng đá cổ, thành miệng giếng rất độc đáo xếp bằng 36 cối đá thủng. Nhiều tương truyền dân gian kể rằng, đó là những chiếc cối đá dùng trong việc giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa. Chị Phạm Thị Bình, hướng dẫn viên Di tích quốc gia chùa Keo chia sẻ: Tương truyền, tổng thời gian hoàn thiện công trình chùa Keo diễn ra trong hơn 21 năm, trong đó có 19 năm chuẩn bị và 28 tháng thi công thợ mộc và thợ nề. Những người phục vụ đã giã thủng bằng này chiếc cối đá để nuôi thầy nuôi thợ dựng chùa. Phía bên kia là phiến đá để 42 hiệp thợ dựng chùa Keo người ta đã mài ra dụng cụ như rìu, tràng, đục để tạo nên công trình kiến trúc độc đáo này.

Gác chuông Chùa Keo - Gác chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam

Đi sâu vào nghiên cứu, có thể thấy người xưa đã khéo léo áp dụng cách làm của dân gian trong xây dựng chùa. Đó là kết nối các công trình, chi tiết với nhau bằng hệ thống mộng, kèo vô cùng chuẩn xác. Bằng sự sáng tạo tuyệt vời, những người thợ đã liên kết các công trình của Chùa Keo mà không cần dùng tới một chiếc đinh nào. 

Trải qua gần 400 năm, Chùa Keo Thái Bình vẫn giữ nguyên kiến trúc độc đáo. Qua di tích chùa Keo và những hiện vật còn lưu giữ có thể thấy rõ tư duy về xây dựng, kiến trúc, nghệ thuật, thẩm mỹ của cha ông ta xưa.

Nguồn: theo vov.vn - http://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/doc-dao-chua-keo-thai-binh-22454.vov2