Triển lãm đồ họa mở Đồng Vọng: kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

19/10/2023 10:13 750

Triển lãm đồ họa mở "Đồng vọng" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam...

Triển lãm “Đồng vọng” trưng bày các tác phẩm đồ họa của 8 tác giả là giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và cựu sinh viên của khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp mới của nghệ thuật đồ họa tranh in theo hình thức mở - ở đó những câu chuyện, hình ảnh xa xưa như Tiên nữ - cánh diều và mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà, Non cao đường dài, Vinh quy bái tổ… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống, về đạo học, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong mỹ thuật. Bên cạnh đó là những đối thoại, là tình yêu với di sản của các tác giả qua các hình tượng nghệ thuật.

Tác phẩm Sao Khuê. Tác giả Nguyễn Dung

Không chỉ có vậy, bên trong mỗi tác phẩm, mỗi sự liên kết, đối ngẫu của các hình thể xa xưa và các biểu tượng, ký hiệu cho thời hiện tại, cho tiếng nói cá nhân, người xem còn được khám phá những nét riêng của mỗi kỹ thuật, phương pháp, chất liệu thể hiện tranh in. Vẻ đẹp của tranh khắc gỗ, khắc cao su, hay in nổi, in lõm được lạ hóa khi ở trong trạng thái và không gian 3 chiều thực, tương tác với chuyển động gió, với kiến trúc và ánh sáng, với người xem…

Tác phẩm Âm đức được tác giả Nguyễn Thị Tuệ Thư (Din) thể hiện theo hình thức tranh khắc gỗ trên giấy Dó bồi lên 199 tấm nan tre, xốp tạo ấn tượng mạnh với công chúng

Tại triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, Trung tâm đã hợp tác với nhiều tổ chức, các không gian sáng tạo để hiện thực hóa điều này. Hôm nay, lần đầu tiên một triển lãm đồ họa mở được tổ chức với những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại nhưng được sáng tạo dựa trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có những giá trị liên quan đến đạo học Việt Nam, đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một hoạt độngvô cùng ý nghĩa. Các tác phẩm trưng bày ở đây cho chúng ta thấy sự hội nhập, sáng tạo của các tác giả với thời cuộc nhưng họ không quên những giá trị truyền thống của dân tộc. Chúng tôi hy vọng thông qua triển lãm này và những triển lãm tiếp theo sẽ dần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian có thể kết nối những người sáng tạo với những tác phẩm trên nền tảng giá trị di sản.

TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Theo PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm, các tác phẩm tham gia triển lãm mang hơi thở hiện đại, mới mẻ, có tính tương tác cao với không gian thực địa, mang lại cho công chúng cảm nhận rõ về ý nghĩa nội dung nghệ thuật. “Đây là triển lãm đồ họa mở, tức là đưa nghệ thuật đồ họa kết hợp với nghệ thuật sắp đặt để tạo ra nét mới cho không gian và tác phẩm. Các tác phẩm ở đây rất tốt, về mặt nội dung thì nó gắn kết với không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam, các chủ đề liên quan đến trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành, những khó khăn, thách thức mà mỗi người cần phải vượt qua... Bên cạnh đó, với hình thức mở, các sắp đặt trên những chất liệu truyền thống nên tạo được điểm nhấn về giao lưu văn hóa, nghệ thuật và chúng tôi hi vọng đưa nghệ thuật đồ họa tới gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên sự tương tác đặc biệt bằng ngôn ngữ, đường nét, mực in trên các chất liệu, kỹ thuật đa dạng dựa trên ký ức xa xưa đến cảm thức hiện tại”, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương chia sẻ.

Tác phẩm Non cao đường dài. Tác giả: Nguyễn Nghĩa Phương

Với tác phẩm Chiếc quạt của bà, tác giả Lê Thị Thanh gợi nhớ những kỉ niệm ngày thơ bé khi được bà nội kể cho nghe những tấm gương học tập của các danh nhân trong lịch sử và vẻ đẹp của các hoa văn truyền thống dân tộc. Bằng cách kết hợp các hoa văn được dập trực tiếp tại vườn Bia Tiến sĩ như: hình rồng, hình hoa, mây... kết hợp với kỹ thuật in lưới, in độc bản... đã tạo nên một tác phẩm vô cùng ấn tượng với người xem

Tác phẩm Chiếc quạt của bà. Tác giả Lê Thị Thanh đã sử dụng hình thức in lưới, in độc bản, in nổi bồi trên 45 chiếc quạt nan, cây nứa

Một thập kỷ gần đây, thuật ngữ Đồ họa mở đã xuất hiện và đang dần được biết tới trong cộng đồng sáng tác và đào tạo ngành Đồ họa ở Hà Nội. Đồ họa mở là cách gọi đã được Việt hóa để có thể bao hàm một cách tối đa những hình thức biểu đạt mới của nghệ thuật đồ họa, kết nối với các nghệ thuật khác. Trong đó chủ yếu là đưa các hình ảnh, hình tượng đồ họa từ không gian 2 chiều truyền thống sang không gian 3 chiều của điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn với sự tham gia của ánh sáng và cả âm thanh.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:

Tác phẩm Cá chép hóa rồng. Tác giả Nguyễn Mỹ Ngọc đã tạo nên tác phẩm của mình từ tranh khắc gỗ màu, nhũ vàng, nhũ bạc trên giấy, bồi lên mành trúc. Tác phẩm “Tiên nữ - Cánh diều và mái đình”. Tác giả Phạm Hùng Anh. Tác phẩm gồm 22 tranh khắc cao su in trên giấy Dó đặt trong 143 hộp nhựa tái chế, sắt, đồng, đèn led Du khách nước ngoài say mê chụp ảnh từng bức tranh khắc gỗ in độc bản trên Trúc Chỉ trong tác phẩm “Ngẫu Liên” gồm 185 bức của tác giả Phạm Hải Bằng. Ban Tổ chức tặng hoa 8 tác giả tham gia triển lãm Đồng Vọng

Triển lãm diễn ra từ ngày 12/10 đến ngày 06/11/2023 tại nhà Tiền đường, khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/trien-lam-do-hoa-mo-dong-vong-ket-hop-hai-hoa-giua-truyen-thong-va-hien-dai-45395