Những thắng lợi tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được chiến thắng nà...
Tiêu biểu là chiến dịch đường 14 - Phước Long (từ đêm 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975), chiến dịch Phan Rang và chiến dịch Xuân Lộc – Đồng Nai (từ ngày 9/4 đến rạng sáng 21/4/1975).
Diễn ra từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975, chiến dịch đường 14 - Phước Long chưa phải là trận mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 nhưng đây là chiến dịch được coi là “đòn trinh sát chiến lược”.
Cách trung tâm chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa khoảng 120 cây số về phía Bắc, căn cứ Phước Long có vai trò chiến lược trong thế trận phòng thủ của Quân lực Việt nam Cộng hòa ở Đông Nam bộ. Chính vì vậy, với mục tiêu giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, cắt đứt điểm nối giữa Sài Gòn với Nam Tây Nguyên, phía Bắc của Đông Nam bộ và Đông Bắc Campuchia qua đường 331 và quốc lộ 14, chiến dich Đường 14 - Phước Long được Quân Giải phóng thực hiện từ ngày 13/12/1974 và kết thúc thắng lợi vào ngày ngày 6/1/1975.
Chiến dịch đường 14 - Phước Long được coi là “đòn trinh sát chiến lược”. Ảnh: Tư liệuNhiệm vụ thực hiện chiến dịch này được Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giao cho Quân đoàn 4, do thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh. Để thực hiện chiến dịch, Bộ tư lệnh quân đoàn 4 đã rút ra từ các sư đoàn và trung đoàn trực thuộc một lực lượng xung kích như sư đoàn 3 với một đại đội xe tăng và 1 đại đội pháo, một tiểu đoàn súng máy phòng không; Sư đoàn 7 bộ binh, trung đoàn 429 đặc công, trung đoàn công binh 25, các đoàn hậu cần 210 và 235… Phương án tác chiến được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tấn công đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự vòng ngoài của Quân lực Việt Nam Cộng hòa xung quanh Phước Long như chi khu quân sự Bù Đăng, cứ điểm Bù Na, quận lỵ Bố Đức, chi khu Đức Phong, kiềm chế căn cứ quan sát của pháo binh tại núi Bà Rá. Giai đoạn 2 đánh thẳng vào thị xã Phước Long, chi khu quân sự Phước Bình và căn cứ Bà Rá, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Trải qua những trận chiến đấu cam go, đến 18h ngày 6/1/1975, Quân giải phóng đã tiến vào điểm cuối cùng là dinh tỉnh trưởng Phước Long.
Theo Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long không chỉ giải phóng một tỉnh đầu tiên của Nam Bộ với hơn 50.000 dân mà còn tạo thế chiến trường, thăm dò tình hình, tạo đà để Đảng ta nhận định và xây dựng “kế hoạch thời cơ”: “Chiến dịch đường 14 - Phước Long là một trận thăm dò chiến lược, bởi trước hết chiến thắng này giải phóng hoàn toàn 1 tỉnh đầu tiên ở miền Nam, là cửa ngõ Sài Gòn, tạo ra một bàn đạp lớn để khi thời cơ đến chúng ta có thể mở đòn tấn công. Thứ hai, đây là một đòn phủ đầu về tâm lý của quân giải phóng với ngụy quân Việt Nam Cộng hòa. Thứ ba, đây là đòn thử phản ứng đối với Mỹ, xem Mỹ có thể có khả năng quay trở lại VN sau khi ký kết Hiệp định Paris hay không? Chiến thắng Phước Long cho chúng ta thêm khẳng định và quyết tâm giải phóng đất nước”.
Với chiến thắng này, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở thông được hành lang chiến lược là đường Hồ Chí Minh tuyến từ Vĩnh Linh đến Bù Gia Mập, nối liền với Lộc Ninh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ, tạo bàn đạp chiến lược quan trọng uy hiếp hệ thống phòng thủ Bắc Sài Gòn của địch.
Vào cuối tháng 3/1975, sau khi thất thủ ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đã kêu gọi “lập phòng tuyến Phan Rang – Xuân Lộc”, được xác định từ Du Long (nơi tiếp giáp giữa Khánh Hoà và Ninh Thuận) đến Xuân Lộc - Đồng Nai. Với kế hoạch “Nỗ lực tối đa” xây dựng tuyến phòng thủ từ xa, chính quyền Việt Nam Cộng hoà gọi đây là lá chắn thép hay phòng tuyến “tử thủ”. Do đó, Quân đội Việt Nam Cộng hoà khi đó đã bố trí một lực lượng rất mạnh (với quân số khoảng trên 1 vạn), bao gồm sư đoàn bộ binh, lữ đoàn nhảy dù, liên đoàn quân biệt động, đặc biệt là sư đoàn số 6 ở sân bay Thành Sơn và toàn bộ tàn quân ở Đà Nẵng, Tây Nguyên để lập tuyến phòng thủ ở Phan Rang. Với lực lượng phòng thủ này, chính quyền và ngụy quân Sài Gòn tin tưởng sẽ ngăn chặn được bước tiến của quân ta.
Nhưng, về phía Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 7/4/1975, trước khi xuất phát hành quân Nam tiến, Quân đoàn 2 nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”. Với tinh thần đó, cánh quân Duyên Hải gồm quân đoàn 2 và sư đoàn 3 Sao vàng kết hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hành quân thần tốc quyết tâm đập tan ý đồ “tử thủ” của địch. Chỉ trong vòng chưa đến 3 ngày, từ 14/4 đến 9h30' ngày 16/4/1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc Toà hành chính - cơ quan đầu não của chính quyền Sài gòn tại Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn được giải phóng.
Chiến thắng Phan Rang đập tan ý đồ “tử thủ” của địch. Ảnh: Tư liệuTrận đánh Phan Rang rất nhanh nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật tấn công địch trong hành tiến của ta. Việc mở toang lá chắn thép Phan Rang không chỉ tạo điều kiện cho cánh quân duyên hải hành quân thần tốc vào vị trí tập kết đúng thời gian quy định mà còn gây nên cơn hoảng loạn, cơn chấn động dữ dội đối với chính quyền Sài Gòn và đối với quân đội Việt Nam cộng hòa.
Một chiến dịch quan trọng nữa là chiến dịch Xuân Lộc - Đồng Nai. Xuân Lộc được xác định là địa bàn chiến lược của cả 2 phía nên trận chiến diễn ra rất ác liệt với thế trận giằng co phức tạp, gây tổn thất cho cả 2 bên. Nhưng với sự sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa các cánh quân chủ lực cùng lực lượng địa phương, chúng ta đã chuyển hoá thế trận, đập tan “cánh cửa thép” của địch bằng binh pháp cô lập, cắt rời. Trải qua hơn 12 ngày đêm chiến đấu gay go, ác liệt, từ ngày 9/4 đến rạng sáng ngày 21/4/1975, quân địch đã tháo chạy. Xuân Lộc, Long Khánh được giải phóng, tạo đà để quân ta tiếp tục giải phóng Biên Hoà, tiến vào Sài Gòn.
Thiếu tướng PGS TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích: “Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan cánh cửa thép hướng Đông, một hướng rất quan trọng mở đường cho quân ta từ hướng Bắc tiến vào Sài Gòn. Mặt khác, đây là tuyến phòng thủ, điểm tựa cuối cùng của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và của chính quyền Sài Gòn, nên chiến thắng này là một đòn giáng mạnh làm cho tinh thần của địch hoảng loạn. Chiến thắng này cũng tạo đà cho chiến dịch HCM “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến và toàn thắng” như mật lệnh của vị tổng chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị. Sau chiến thắng Xuân Lộc thì thế giới đánh giá việc giải phóng Sài Gòn chỉ còn tính bằng giờ”.
Chiến thắng Xuân Lộc đã tạo đà trực tiếp, hữu hiệu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/04/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVNVới sự nhạy bén phân tích tình thế chiến trường, sử dụng chiến thuật hợp lý, sự kết hợp tuyệt vời giữa quân chủ lực và bộ đội địa phương cùng nhân dân, chiến thắng Xuân Lộc đã tạo chấn động mạnh đến tinh thần cũng như hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp bao quanh cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hoà. Các chiến dịch đường 14 - Phước Long, chiến dịch Phan Rang và chiến thắng Xuân Lộc thực sự là những bước tạo đà trực tiếp, hữu hiệu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/04/1975.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-thang-loi-tao-da-cho-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-48100.vov2