Giải pháp nào cho các doanh nghiệp du lịch Việt vực dậy sau dịch Covid-19?

15/12/2020 13:48 82

Để các doanh nghiệp du lịch có thể phục hồi và phát triển, bên cạnh nội lực rất cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các ban ngành, đoàn thể, địa phương để cùn...

Dịch Covid-19 đã giáng cú đòn mạnh khiến cho mọi hoạt động của ngành Du lịch “tê liệt”.

Năm 2020, theo ước tính ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm khoảng một nửa… Dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp du lịch phải cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa duy trì hoạt động kinh doanh vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.

Đã 2 lần ngành du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa (một lần vào tháng 5, một lần tháng 9), song xem ra khó vẫn hoàn khó. Các doanh nghiệp du lịch đến thời điểm này hoặc đã phải tuyên bố phá sản, hoặc hoạt động ở mức cầm chừng, lay lắt.

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19 và gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Từ chính sách tài khóa cho tới cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, rồi gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất... 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Đài, ủy viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Tổng GĐ Công ty APT Travel thì có một khoảng cách lớn giữa chính sách tới thực tế. Các doanh nghiệp du lịch gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ, chẳng hạn như là thủ tục phức tạp, quá rườm rà, thậm chí nhiều chính sách chưa đến được với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Đài, ủy viên Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, Tổng GĐ Công ty APT Travel trao đổi với phóng viên VOV2

Có thể nói chính sách thì rất đúng đắn nhưng việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng. Chẳng hạn như trong ngành du lịch số doanh nghiệp tiếp cận và được hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Nguyễn Hồng Đài, các doanh nghiệp cần nhất lúc này là sự hỗ trợ về vốn, giảm, giãn nợ thuế, bảo hiểm của các năm cũ. Các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ được thực thi một cách cụ thể có tính sát thực với ngành du lịch.

Có thể nói, năm nay là một năm thử thách lớn với các đơn vị kinh doanh du lịch, bởi sau một khoảng thời gian có thể nói là “ngủ đông” tương đối dài như vậy, thì việc lấy lại đà hồi phục là không hề dễ dàng. Tuy nhiên ngoài việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ thì ông Nguyễn Hồng Đài cũng cho rằng các doanh nghiệp lữ hành nên có sự chủ động tìm ra các giải pháp để tái cấu trúc quy mô vốn, quy mô nhân sự, thậm chí có thể sáp nhập các doanh nghiệp lại để cùng chung tay vượt khó.

Phát triển du lịch nội địa, một trong những hướng đi giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch

Có thể nói, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời điểm kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh vẫn đang bỏ ngỏ. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới, du lịch toàn cầu chỉ có thể phục hồi sớm nhất là vào quý III sang năm. Trong bối cảnh ấy, các công ty du lịch nước ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vượt khó. Mong rằng, các chính sách cũng sẽ song hành cùng thực tiễn, làm sao để doanh nghiệp được “tiếp sức” kịp thời, từ đó có thêm nguồn lực chống đỡ, chờ cơ hội bứt phá ngay khi hết dịch.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/giai-phap-nao-cho-cac-doanh-nghiep-du-lich-viet-vuc-day-sau-dich-covid-19-23565