Giòn rụm thịt quay đòn Đường Lâm

28/01/2021 13:22 519

Hà Nội không thiếu những lò thịt quay nổi tiếng. Tuy nhiên, món thịt heo quay đòn ở làng Đường Lâm được xem là độc đáo, lừng danh khắp vùng không chỉ bởi h...

Nằm cách trung tâm TP. Hà Nội chừng 44km, làng cổ Đường Lâm ngày nay vẫn giữ được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt cổ thuộc vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng với cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh… Có thể nói, giá trị văn hóa, kiến trúc ở nơi đây đã biến Đường Lâm trở thành một điểm nhấn du lịch của Hà Nội.

Vẻ đẹp bình dị của cổng làng Đường Lâm

Bên cạnh phong cảnh hữu tình, làng cổ Đường Lâm còn sở hữu rất nhiều nghề truyền thống mang đậm bản sắc liên quan đến văn hóa ẩm thực. Trong đó, có một đặc sản thường chỉ xuất hiện trên các mâm cỗ trong những dịp lễ trọng, Tết đến xuân về để thết đãi bạn bè, du khách. Đó chính là món thịt quay đòn.

Món thịt quay đòn lừng danh khắp vùng

Hà Nội có nhiều lò thịt quay nổi tiếng, tuy nhiên, nếu nói về cách chế biến thì có lẽ, món thịt heo quay đòn ở làng Đường Lâm mới được xem là độc đáo nhất. Độc đáo không chỉ bởi hương vị khác biệt, phương cách chế biến cầu kỳ mà còn gắn với một câu chuyện từ xa xưa. Tương truyền, vua Ngô Quyền sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã cho làm món thịt quay đòn gánh để khao quân và từ đó thì món ăn này đã được lưu truyền lại, trở thành "đặc sản" Đường Lâm.

Để làm ra món thịt quay đòn nức tiếng gần xa, người dân Đường Lâm thường phải thức dậy từ 2,3 giờ sáng để nhóm lửa, đốt củi lấy than và mang thịt ở ngoài chợ về. Từng tảng thịt vuông vắn, nạc mỡ xen kẽ với nhau còn nóng hổi được đặt trên những tấm phản gỗ để cạo sạch lông, rồi dùng những chiếc chày Inoc có gắn que nhọn châm lên bề mặt để khi ướp thịt sẽ ngấm đều.

Bà Nguyễn Thị Hương, một cơ sở làm thịt quay đòn nổi tiếng của Đường Lâm cho biết: “Gia vị dùng để ướp thịt gồm nước mắm, mì chính, ngũ vị hương, hành khô... Điều khác biệt là dùng lá ổi bánh tẻ chứ không dùng lá mác mật như các nơi khác. Lá ổi phải chọn lá ổi đồng, tức là cây mọc tự nhiên vì như thế sẽ không có phân bón hay thuốc trừ sâu”.

Những miếng thịt tươi ngon sau khi  được tẩm ướp...

Lá ổi sau khi xay nhuyễn cùng hành khô sẽ trộn cùng các nguyên liệu còn lại thành một hỗn hợp sền sệt rồi dùng tay quết đều lên phần bên trong của từng tảng thịt. Sau đó lại rải một lớp lá chuối lên bề mặt để ngăn cách giữa đòn tre và thịt, rồi buộc cuộn lại để thịt “ôm chặt” lấy đòn tre, còn mặt da quay ra ngoài.

Sau khi đã chuẩn bị xong và than củi đã đỏ rực, từng đòn thịt được xếp lên bếp lò. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm thì mới biết được thời điểm nào cần lửa to để bì giòn và khi nào nên giảm lửa để thịt chín.

Quay khoảng 15 phút, khi thịt đã khô bề mặt, người thợ sẽ nhấc từng đòn thịt ra khỏi lò và tiếp tục dùng chày nhọn châm bì, giúp mỡ trong thịt chảy ra bớt, rồi rửa lại bì bằng nước chanh và muối pha loãng để thịt sạch và bì giòn. Sau đó, lại đưa lên bếp lò tiếp tục “om” thêm vài tiếng nữa để thịt bên trong mềm mục đi, đồng thời giúp cho lớp bì bên ngoài giòn thêm.

Thịt quay đòn sẽ được "om" từ 5-6 tiếng trên than hồng

“Om” chừng 5-6 tiếng đồng hồ thì mẻ thịt quay đòn mới hoàn thành. Lúc này, lớp bì sẽ giòn giụm, có màu vàng rất đẹp mắt và đặc biệt là tỏa ra mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Người thợ gỡ từng tảng thịt ra khỏi đòn tre, rồi dùng dao chặt thành từng miếng theo nhu cầu của người mua hàng.

Những miếng thịt quay sẽ thu hút bất kỳ thực khách khó tính nào

Thịt quay đòn Đường Lâm khi chấm với nước tương Đường Lâm hoặc muối chanh đều rất ngon. Vì có lớp bì giòn tan bên ngoài và lớp thịt ngọt mềm bên trong cộng với mùi thơm lừng của hương ổi nên ăn bao nhiêu cũng không thấy ngấy.

Thưởng thức thịt quay đòn Đường Lâm trong tiết trời se lạnh không chỉ là thưởng thức món đặc sản quê hương mà còn là một cách đón nhận tình cảm nồng hậu của những người dân nơi đây, qua sự chuẩn bị cầu kỳ của món ăn này.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/gion-rum-thit-quay-don-duong-lam-24369.vov2