Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật nơi vùng khó

30/09/2024 09:16 553

Cùng với sự phát triển của đất nước thì khèn Mông cũng đang dần mai một trong đời sống của đồng bào. Chính vì thế, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang đã thành lậ

Từ bao đời nay, cây khèn gắn liền với đời sống của đồng bào Mông. Dù đi đâu, ở đâu đồng bào vẫn đem chiếc khèn bên mình. Trong ngôi nhà, khèn luôn được treo ở chỗ trang trọng nhất. Khèn có mặt trong tất cả các nghi lễ tín ngưỡng, trong các ngày hội bản làng và ngày vui của mỗi gia đình. Chính vì thế, việc thành lập Câu lạc bộ yêu thích nhạc cụ dân tộc được coi đây là một mô hình mới tạo điều kiện cho các thế hệ tham gia học tập, rèn luyện các điệu múa khèn ngày một rộng rãi hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng văn hoá Thông tin huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: Nhạc cụ Mông rất phong phú trong đó nổi bật là cây khèn Mông. Ngoài ra thì có khèn lá, khèn môi và một số nhạc cụ nữa cũng được đồng bào giữ gìn và lưu truyền rất là tốt trên địa bàn huyện Xín Mần. Ngoài các nghệ nhân, các cụ cao tuổi thì có sự kế thừa, hiện nay thì có một số nghệ nhân tuổi chưa cao nhưng mà rất là say mê và tiếp cận đầy đủ tinh hoa văn hoá của dân tộc mình.

Kể từ khi thành lập (năm 2021), Câu lạc bộ yêu thích nhạc cụ dân tộc đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên ở các bản làng tham gia, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục, lưu giữ lại các điệu khèn, các điệu múa truyền thống. Cùng với đó, tham gia phục vụ biểu diễn vào những dịp lễ, Tết, ngày hội, chào mừng các sự kiện lớn của huyện, của tỉnh và giao lưu khèn Mông với các tỉnh bạn.

Anh Lộc Văn Huy, Bí thư huyện đoàn Xín Mần cho rằng Câu lạc bộ không chỉ góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc Mông mà còn giúp thế hệ trẻ có niềm đam mê và trách nhiệm trong bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thông qua các chương trình tập huấn, giảng dạy, thông qua nền tảng số mạng xã hội Facbok, Zalo, Youtube nhiều bạn trẻ của các dân tộc khác cũng biết đến và tìm hiểu tham gia để niềm đam mê của mình trong việc bảo tồn văn hoá. Hy vọng sẽ lưu giữ và phát huy tốt hơn nữa đan xen giữa văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại để làm thế nào đó cho văn hoá khèn Mông, văn hoá nhạc cụ dân tộc Mông được lan toả, có nhiều hiệu ứng trong cộng đồng.

CLB yêu thích nhạc cụ dân tộc thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia bảo tồn Khèn Mông. CLB yêu thích nhạc cụ dân tộc thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia bảo tồn Khèn Mông.

Hiện nay, Câu lạc bộ có gần 160 thành viên với độ tuổi từ 12-70 tuổi, đều là những người đam mê, yêu thích ca múa, nhạc, biết dùng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Mông và một số nhạc cụ của các dân tộc khác... Đến với CLB, đồng bào được tham gia học tập, rèn luyện các điệu múa khèn ngày một rộng rãi. Đây thực sự là sân chơi cho những người đam mê nghệ thuật, nơi để các thế hệ đi trước truyền lại nghệ thuật múa khèn, cách chơi nhạc cụ và những làn điệu dân ca truyền thống.

Ngoài mục đích gìn giữ các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông, Câu lạc bộ còn hướng dẫn thế hệ trẻ học thêm các loại nhạc cụ, dân ca của dân tộc, góp phần phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông và giới thiệu tới du khách đến tham quan du lịch tại địa phương. Theo anh Sùng Minh Thành, thành viên Câu lạc bộ, thì Câu lạc bộ không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào mà còn góp phần xóa bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu tại địa phương. Trước đây đồng bào Mông theo tôn giáo cũng không mặn mà với văn hoá người Mông nhưng từ khi thành lập Câu lạc bộ rất nhiều bạn theo tôn giáo đã tham múa khèn, múa gậy đồng xu, hát dân ca.

Với mong muốn giữ lại bản sắc văn hoá truyền thống cũng như truyền dạy cho thế hệ trẻ, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ cũng thường xuyên đưa các thành viên đi biểu diễn nhằm có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng và xã hội.

Từ niềm đam mê, sự yêu mến quê hương, yêu nhạc cụ khèn Mông, các thành viên trong Câu lạc bộ không chỉ giảnh được những giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn dân ca dân vũ mà quan trọng hơn là đã truyền lửa cho các thế hệ - để tiếng khèn, điệu múa mãi bay cao, bay xa, góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây của Hà Giang.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/hieu-qua-tu-mo-hinh-cau-lac-bo-van-hoa-nghe-thuat-noi-vung-kho-48887.vov2