Miếu Voi Phục - Lịch sử và huyền thoại
Miếu Voi Phục tọa lạc gần bờ sông Nhuệ thuộc làng Thượng Hội, xãTân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, là nơi thờ tướng quân Văn Dĩ Thành, một vị tướng tài...
Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997, miếu Voi Phục không chỉ gắn với điệu hát Chèo tàu nổi tiếng của xứ Đoài mà nơi đây còn được biết tới là nơi thờ của tướng quân Văn Dĩ Thành – một vị tướng tài dưới thời vua Trần Trùng Quang.
Di tích lịch sử miếu Voi Phục ở làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội thờ tướng quân Văn Dĩ Thành, một vị tướng tài ở thế kỷ XV. Ảnh: Tin tức Tân HộiTheo bản thần tích số 0420 lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội ghi chép về tướng quân Văn Dĩ Thành có đoạn viết: “Ngài là nhân thần, quán ở làng Thượng Hội, có họ là chữ Văn, đệm là chữ Dĩ, tên húy là chữ Thành, sinh ngày 11 tháng 8 năm 1380; hóa ngày 12 tháng 3 năm 1416. Ngài hiển thánh đời Trùng Quang nhà Trần. Ngài là Thượng đẳng thần”. Còn theo các tư liệu lịch lịch sử và những câu chuyện huyền thoại, tổ tiên Văn Dĩ Thành vốn gốc ở Bảo Hà (thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày nay), có truyền thống làm nghề mộc. Cha ông di chuyển đến sinh sống ở Tổng Gối, nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng và sinh ra ông tại đây.
Năm 1407, nhà Hồ bị nhà Minh đánh bại, nước Đại Ngu bị xâm chiếm. Văn Dĩ Thành tập hợp lực lượng, cùng Lê Ngộ nổi dậy chống quân Minh. Ông lấy vùng tổng Gối làm căn cứ, chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Cương lĩnh hoạt động của ông cũng được đánh giá là vô cùng uyên bác, không thua kém gì một bản tuyên ngôn:
“Vì quốc gia độc lập
Vì dân tộc tự do
Vì dân sinh quốc thái
Vì bình đẳng dân quyền”
(Tứ vọng giang sơn)
Theo sách “Thần ca Cối sử” và theo lời kể của các bậc cao niên truyền lại, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, Văn Dĩ Thành là Đại Nguyên soái cùng với phó tướng là Lê Ngộ đã huy động, chỉ huy một đội quân chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công hiển hách. Trong một trận chiến đấu không cân sức, ngài đã anh dũng hy sinh vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng 3 năm Bính Thân (tức năm 1416).
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, Lê Ngộ là phó tướng của Văn Dĩ Thành đã lập đền thờ ông tại nơi ở. Bản “Thần tích thần sắc” ghi lại rằng: “Miếu là Cổ trạch của ngài, có gò con bút ở đằng sau, Nhuệ Giang diễu qua đằng trước”. Miếu được xây dựng vào đời Lê, được trùng tu vào các năm Chính hòa thượng giáp (tức năm 1688), Vĩnh Thịnh năm thứ ba (tức năm 1707) và năm 2009.
Cổng miếu Voi Phục. Ảnh: Tin tức Tân HộiMiếu Voi Phục được xây dựng tam cung theo kiểu chữ Công, gồm: Cung trong cùng là hậu cung, sau đó đến trung cung, và nhà đại bái. Miếu có 62 cột, hệ thống xà con rồng được trạm trổ hoa văn thời Lý. Tam quan gồm 1 cổng với 2 lầu, hai con voi phục ở nghi môn, nên miếu có tên là miếu Voi Phục. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳ, Trưởng tiểu ban quản lý di tích Miếu Voi Phục, điểm đặc biệt của miếu thể hiện ở những đường nét hoa văn được trạm trổ tinh xảo: “Kiến trúc của miếu ở ngoài tiền tế đường nét trạm trổ đơn giản, nhưng ở phía trong (trung cung và hậu cung) đường nét trạm trổ rất tinh xảo”.
Tại miếu Voi Phục hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử như ngai cổ, bài vị, áo choàng, hia đồng, chuông thời Tự Đức, các đồ thờ, các bức hoành phi câu đối vinh danh công đức Đại vương thượng đẳng thần và đặc biệt là 38 đạo sắc phong còn nguyên mộc bản cổ do các triều đại phong kiến ban tặng tướng quân Văn Dĩ Thành. Trong đó, bản sắc phong sớm nhất vào năm Vĩnh Tộ thứ hai (1621) đời vua Lê Thần Tông, sắc phong muộn nhất vào đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924).
Tương truyền, sau khi hóa, tướng quân Văn Dĩ Thành trôi về cánh đồng Dinh, được nhân dân lập lăng mộ đặt tên là Lăng Văn Sơn vẫn còn đến ngày nay. Nhớ ơn đức của vị tướng quân, nhân dân 4 thôn đã suy tôn ông làm Thành hoàng làng. Điều đặc biệt nữa là nhằm ca ngợi ân đức của Đại nguyên soái Văn Dĩ Thành, một hình thức nghệ thuật diễn xướng độc đáo đã được dân làng Tổng Gối sáng tạo, đó là hát Chèo tàu. Hiện loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn được nhân dân Tân Hội gìn giữ và bảo tồn.
Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối. Ảnh: Tin tức Tân HộiKhông chỉ là một di tích lịch sử văn hóa, Miếu Voi Phục còn được coi là di tích cách mạng. Năm 1947, trước khi rút từ Hà Nội để tây tiến lên chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung đoàn Thủ đô đã nghỉ lại tại miếu Voi Phục 2 ngày 1 đêm. Đội quân đã bách chiến bách thắng. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh cũng đã quay lại để làm lễ tạ Ngài. Sau này, khi Đại tướng 92 tuổi, ông cùng gia đình trở về miếu Voi Phục để thăm và tỏ lòng nhớ ơn Ngài.
Trải qua thời gian cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, đã có lúc ngôi miếu bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2023, được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân, miếu một lần nữa được trùng tu, đảm bảo giữ được nét cổ kính mang đậm giá trị lịch sử văn hóa.
Vì nhiều lý do mà những tư liệu lịch sử ghi chép về tướng quân Văn Dĩ Thành không còn nhiều. Nhưng tên tuổi của Ngài và tướng Lê Ngộ được tác gia Nguyễn Dữ hư cấu hóa thành hai nhân vật chính trong "Chuyện tướng Dạ Xoa" (tức Dạ Xoa bộ soái lục) trong tác phẩm nổi tiếng “Truyền kỳ mạn lục”. Với người dân xã Tân Hội và các vùng lân cận, tướng quân Văn Dĩ Thành là vị Thành hoàng làng luôn được thành kính và ngưỡng vọng trong những câu chuyện kể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/mieu-voi-phuc-lich-su-va-huyen-thoai-50532.vov2
Có thể bạn thích
-
Ứng dụng gọi xe nội đã làm được gì để cạnh tranh tốt với ứng dụng ngoại ở Philippines?
-
Ngọt thơm bánh cuốn canh "nước non Cao Bằng"
-
Hai câu hỏi đặt ra với phương án tăng tuổi nghỉ hưu
-
Giới hạn quyền lái xe của người cao tuổi dựa trên độ tuổi hay sức khỏe?
-
Truyện cổ tích "Con chim nhiệm màu" - Phần 2