Phạm Đình Kính - Người góp phần định biên phía Bắc

09/12/2021 09:57 819

Năm 1728 rất đặc biệt trong lịch sử ngoại giao quốc phòng của nước Đại Việt khi lần đầu tiên dùng ngoại giao lấy lại và định biên 1 vùng lãnh thổ phên dậu...

Một trong số những người có công đầu trong sự kiện này chính là Đồng Tam giáp Tiến sĩ xuất thân Phạm Đình Kính, một vị quan thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là người tài cao, đức trọng, có danh vọng, được các sĩ phu đương thời kính trọng.

Theo các nguồn sử liệu, Phạm Đình Kính sinh ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (tức năm 1669) tại làng Si, xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam, Phạm Đình Kính còn có tên khai sinh là Phạm Kim Kính. Gắn liền cái tên này là một giai thoại.

“Phạm Kim Kính sinh ngày 16 tháng 1 năm Kỷ Dậu (1669), tuy nhiên trong sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” do Khiếu Năng Tĩnh, tiến sĩ thời Nguyễn soạn thì ông sinh năm Qúy Hợi (1683) và kèm theo giai thoại lạ như sau: Ông là người xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, trước khi ra đời cả thân phụ và thân mẫu ông đều mơ thấy có ông già cho một cái gương; đến giờ Tý ngày 16 tháng 1 năm Qúy Hợi (1683) La phu nhân sinh ra ông, thân phụ bèn đặt tên cho là Kim Kính có nghĩa là gương sáng, sau này khi làm việc ở triều đình mới lấy tên là Phạm Đình Kính”.

Đền Vĩnh Lại, nơi phối thờ  Lại Quận công, TS Phạm Đình Kính    Ảnh: Báo Nam Định

Phạm Đình Kính được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, ông nội là Phạm Đức Quảng (hay Phạm Phúc Quảng), một võ tướng có công trong đánh giặc, giữ yên biên cương phía Nam, lại có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Ma Linh (sau đổi là Minh Linh, thuộc phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Cụ được phong tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả thị lang Cẩm phú hầu. Còn cha của Phạm Kim Kính là Phạm Thuần Hậu, thừa chính sứ Lạng Sơn, có công giúp dân khắc phục cảnh đồng chiêm chũng, mở trường khuyến khích việc học tập. Do đó ông được phong tước Đặc tiến Lễ bộ Tả thị lang, Cẩm phú hầu, Kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Tả thị lang, Trinh Nghĩa hầu.

Từ nhỏ Phạm Đình Kính là người học giỏi có tiếng, ngoài 20 tuổi ông thi đỗ Hương cống, do được tập ấm của cha nên được bổ làm một chức quan nhỏ. Năm Qúy Mùi (1703) triều đình mở kỳ thi Sĩ vọng để tuyển chọn những người có danh vọng trong giới sĩ phu, ông dự thi và là một trong 20 người trúng tuyển, sau đó được bổ làm Tri phủ Nghĩa Hưng.

Năm Canh Dần (tức năm 1710) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi Hội, khi đó Phạm Đình Kính ngoài 40 tuổi tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Kỳ thi này còn có Phạm Khiêm Ích, người xã Bảo Triện huyện Gia Định đỗ đầu, sau này 2 người trở thành bạn và cùng đi sứ nhà Thanh và lập công lớn. Cùng khoa thi đó còn có Nguyễn Công Khuê, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, người xã Lê Xá huyện Chương Đức.

Phạm Đình Kính làm quan trải nhiều chức vụ, và 2 lần đi sứ làm phó sứ và chánh sứ,  sau lên đến chức Bồi tụng Lễ bộ Tả Thị lang, Tả thị lang bộ Hộ, Đô Ngự Sử rồi Lễ Bộ Thượng Thư, Tham tụng, rồi Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên.

Sinh thời, Phạm Đình Kính có 2 lần đi sứ làm vẻ vang Quốc thể. Lần thứ nhất là vào năm Quý Mão (1723), ông được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ sang phương Bắc mừng vua Thanh Thế Tông (tức vua Ung Chính) lên ngôi. Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết: “Sai sứ sang nhà Thanh. Chính sứ là Phạm Khiêm Ích, sang mừng vua Thanh mới lên ngôi, Phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận, Phạm Đình Kính”.

Nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan cho biết, chuyến đi sứ này kéo dài trong 3 năm, trong thời gian ở phương Bắc, đoàn sứ thần đã ứng phó, đối đáp tài tình, làm rất tốt việc bang giao, làm vẻ vang cho đất nước. Đầu năm Bính Ngọ (1726) đoàn sứ thần về nước, được vua Thanh trọng đãi ban thưởng, cấp thuyền để đi, lại gửi tặng vua Lê 4 chữ ngự đề do tự tay Ung Chính viết: “Nhật Nam tế độ” (nghĩa là đời đời nối ngôi vua ở nước Nam) và 3 bộ sách quý là Bội văn vận phủ, Uyên giám loại hàm và Cổ văn uyên giám.

Các Chánh sứ và Phó sứ cũng được ban biển vàng. Tấm biển của Phạm Kim Kính có khắc 4 chữ: “Vạn thế vĩnh lại” (có nghĩa là muôn đời dân được nhờ). Không chỉ có thế, chuyến đi sứ nhà Thanh trong 3 năm từ 1723-1726 còn thu được một kết quả bất ngờ, đó là năm 1728 được coi là 1 năm đặc biệt trong lịch sử ngoại giao quốc phòng của Đại Việt ta khi lần đầu dùng phương thức ngoại giao để lấy lại được 1 vùng lãnh thổ phên dậu rộng lớn trải 120 dặm, sau nhiều năm tranh chấp với Thanh Triều là vùng Tụ Long, tổng Phương Độ, châu Vị Xuyên, phủ Yên Bình, trấn Tuyên Quang (nay là vùng thuộc biên giới Hà Giang).

Đến cuối năm Kỷ Dậu (1729) triều đình lại cử sứ bộ sang nhà Thanh, một lần nữa Phạm Đình Kính được cử tham gia, ông đã có nhiều ý kiến giúp cho chuyến đi sứ lần này đạt kết quả tốt. Khi trở về nước, ông cùng thành viên đoàn sứ bộ được ban thưởng, năm Qúy Sửu (1733) xét thấy Phạm Đình Kính có nhiều công trạng, triều đình đã thăng cho ông chức Binh bộ Thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên, được gần gũi bàn việc cơ mật với vua chúa.

Không chỉ có tài ngoại giao, Phạm Đình Kính còn có công với dân làng Cổ Sư. Sau khi được vua nhà Thanh ban tặng 4 chữ vàng “Vạn thế vĩnh lại” có nghĩa là muôn đời dân được nhờ, khi về nước ông đã lấy 2 chữ Vĩnh Lại để làm tên mới cho quê mình, thay cho tên cũ là Cổ Sư. Sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” cho hay: “Ông làm quan Lễ bộ Thượng thư, đi sứ nước Thanh đưa lễ chúc mừng vua Thanh Thế Tông lên ngôi. Ông ứng đối trôi chảy, từng có bạn thân ở Thanh triều, được vua Thanh ban biển vàng có chữ: “Vạn thế vĩnh lại”. Nhân thế ông bèn đổi Cổ Sư ra Vĩnh Lại rồi mở chợ dạy nghề đan cót, bắc cầu sửa chùa giúp dân nghèo khó, khuyên đào giếng lấy nước ăn…”.

Bên cạnh đó, ông còn có công đào sông, khơi ngòi khuyến khích khôi phục nghề đan cót cho dân làng, phát triển kinh tế quê hương. Khi về trí sĩ, ông được phong tước Vĩnh Lại quận công, được tặng chức Thiếu bảo.

Năm 1737, do tuổi cao sức yếu Phạm Đình Kính qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Nhớ ơn ông dân làng tôn ông làm phúc thần, hàng năm thờ phụng. Phạm Đình Kính được thờ tại Đền Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đền Vĩnh Lại cũng phối thờ các vị phúc thần khác là ông nội, con và cháu trai của ông.

Đền Vĩnh Lại. Ảnh: Báo Nam Định

Không chỉ có công với dân với nước, Phạm Đình Kính còn dạy dỗ các thế hệ sau tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng tộc. Con trai cả của ông là Phạm Thanh Thận (húy là Tùy) đỗ Hương Cống khoa Ất Tỵ (tức năm 1725), làm tới Thiêm tri thị nội Tả binh  phiên tả dụ đức Hương Phái Hầu, phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, gia phong Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Tên của ông được đặt cho một con phố ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định

Cháu nội của ông là Phạm Đình Tiến (húy là Thùy) cũng là một người giỏi binh pháp, tham gia dẹp loạn khởi nghĩa Vũ Đình Dung và được phong đến chức Trì uy tướng quân Đô chỉ huy sứ đồng tri Tiến Lĩnh Hầu, gia phong Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/pham-dinh-kinh-nguoi-gop-phan-dinh-bien-phia-bac-31218.vov2