Phạm Quý Thích 3 lần từ quan giữ đạo làm Thầy

22/11/2021 13:53 678

Đầu thế kỷ 19, một sĩ phu Bắc Hà 3 lần từ chối chức quan của triều đình nhà Nguyễn để dành tâm huyết cho việc dạy học. Ông cũng chính là người có công khắc...

Vị kẻ sĩ Bắc Hà đó chính là Tiến sĩ Phạm Quý Thích, người Thầy dạy của Thần Siêu và rất nhiều sĩ phu nổi tiếng Thăng Long.

Theo các nguồn sử liệu, Phạm Quý Thích tự là Dữ Đạo, hiệu là Lập Trai, biệt hiệu là Thảo Đường cư sĩ, sinh năm 1760 tại làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Một thời gian sau gia đình ông chuyển ra sinh sống tại phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tiến sĩ Phạm Quý Thích - người 3 lần từ quan để dành toàn tâm cho việc dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho Thăng Long thế kỷ 19

Phạm Quý Thích học giỏi nổi tiếng và sớm thành đạt. Theo cuốn “Những người thầy trong sử Việt” của các tác giả: Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng có ghi rằng: “Năm 15 tuổi, Phạm Quý Thích đã đỗ đầu một kỳ thi khảo thí của huyện. Ông được con trai chúa Trịnh cho gọi vào phủ làm gia thần nhưng khéo léo từ chối và cố công dùi mài kinh sử”. Khi Phạm Quý Thích 19 tuổi đã dự khoa thi Năm Kỷ Hợi (1779) dưới triều Lê Cảnh Hưng, Phạm Quý Thích đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và được nhà Lê giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Đông các hiệu thư, Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử...

Theo nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam, thời gian này, vị Tiến sĩ trẻ Phạm Quý Thích thường phụng mệnh vua sửa chữa các bài chế, cáo, thơ, văn và tuyển chọn nhân sự cho triều đình. Ngay từ khi đó, ông đã có ý thức chăm lo việc giáo dục, đào tạo nhân tài để có được người giỏi ra làm việc nước.

Nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan với những tác phẩm của mình, trong đó bà dịch nhiều bài thơ của Tiến sĩ Phạm Quý Thích

Khi nhà Lê bị tiêu diệt rồi nhà Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo lên ngôi, Phạm Quý Thích đã tránh việc làm quan cho tân triều nên lánh sang Kinh Bắc sống cuộc đời lẩn khuất và làm nghề dạy học. Trong sách “Những người thầy trong sử Việt” có ghi rằng: "Không chỉ rất đông học trò theo học mà dân làng có việc gì cần đến chữ nghĩa đều tìm đến nhờ thầy Lập Trai giúp. Ông được mọi người kính trọng, tôn xưng là Thục sư".

Năm 1802 khi Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, lập ra triều Nguyễn, vì nghe "tiếng thơm" về Phạm Quý Thích nên đã mời ông ra giữ chức quan, phụng sự triều đình. Cựu thần nhà Lê đã 3 lần từ chối làm quan để dành tâm trí cho việc dạy học.

Cụ thể, vào năm 1802, Gia Long năm đầu tiên, vua Nguyễn ra Bắc thành, xuống chiếu lục dụng các cựu thần nhà Lê, ông cũng như bạn thân của ông là Nguyễn Du và nhiều quan lại khác được chỉ triệu đến yết kiến. Ông được phong chức Thị trung học sĩ. Từ chối mãi không được, ông đành xin nhận chức Đốc học ở Bắc thành (nay là Hà Nội). Ít lâu sau ông xin từ chức.

Năm 1811, vua Gia Long cho triệu ông vào kinh giữ việc chép sử. Được một thời gian, ông cáo bệnh về Bắc, nhưng ông vẫn chưa được ở ẩn thật sự. Năm 1921, vua Minh Mệnh lại có chỉ triệu ông. Vì đang lâm bệnh nên ôngkhông đi nhậm chức. Từ đó, ông mới được yên ổn chú tâm vào việc dạy học. Học trò của ông rất đông, trong số đó có người tiếp tục được sự nghiệp của thầy như phó bảng, danh sư, nhà văn, nhà sử học, địa lý học… Nguyễn Văn Siêu. Rất đông học trò của ông sau này trở thành danh sĩ nổi tiếng như tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, tức Ông Nghè Đông Tác, hay TS Vũ Tông Phan, bà Huyện Thanh Quan...

Tiến sĩ Phạm Quý Thích, người Thầy của nhiều danh sĩ Bắc Hà như TS Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), ông Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý, Bà Huyện Thanh Quan...

Nhà ông là nơi lui tới của các nhà khoa bảng, các danh sĩ cùng chí hướng, trong số đó có đại thi hào Nguyễn Du. Phạm Quý Thích là bạn tâm giao của đại thi hào Nguyễn Du. Khi Truyện Kiều được viết ra, Phạm Quý Thích là một trong những người đầu tiên "thẩm định" tác phẩm. Ông đem khắc ván in nó trong các hiệu in ở phố Hàng Gai (Hà Nội ngày nay), đưa ra bình phẩm với học trò. Phạm Quý Thích là một trong những người góp công lớn trong việc gìn giữ văn bản Truyện Kiều cho đời sau. Tương truyền, thầy trò thường coi bình phẩm Đoạn trường tân thanh như các buổi bình văn. Rất tâm đắc với bạn, ông đã viết bài thơ đặc sắc Đoạn trường tân thanh đề từ, được người đời sau gọi là bài Tổng vịnh Kiều, đều được in trong tất cả các cuốn Kiều cho đến ngày nay.

Bài thơ “Đoạn Trường Tân Thanh đề từ” do Phạm Quý Thích viết bằng chữ Hán và tự dịch:

Cảm xúc khi nghe Đoạn Trường Tân Thanh

Giọt nước tiền đường chẳng rửa oan

Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan

Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng

Gót ngọc khôn đành giấc thủy ngoan

Nửa gối đoạn trường tan giấc điệp

Một dây bạc mệnh đứt cầm loan

Cho hay những kẻ tài tử lắm

Trời bắt làm gương để thế gian

Năm 1825, thầy Lập Trai qua đời, thọ 66 tuổi. Triều đình cử người đến dự tang lễ, lệnh cho các quan đi đưa tang. Các học trò đã đưa Phạm Quý Thích về an nghỉ nơi quê nhà Hải Dương và xây từ đường thờ thầy trên mảnh đất Thọ Xương (Thăng Long), nơi ông cùng gia đình sinh sống.

Cuộc đời Phạm Quý Thích đã trải mấy triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn. Ông là chứng nhân, là người trong cuộc ở vào một thời kỳ có nhiều biến động nhất trong lịch sử. Những biến động đó đã khiến Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Phạm Quý Thích thành người khá vất vả trên quan trường và long đong lận đận trong cuộc đời. Nhưng trước sau ông vẫn giữ được tinh thần cao khiết, trung trinh của một kẻ sĩ, thể hiện rõ tâm hồn, tư tưởng của những trí thức đa tài kém vận mà ông chính là một trong những đại diện tiêu biểu.

Những bản Truyện Kiều cổ được trung bày tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Internet

Không chỉ có công trong việc đào tạo nên các nhân tài Bắc Hà, với hiệu danh là Lập Trai hay Thảo Đường cư sĩ, Phạm Quý Thích còn để lại rất nhiều tác phẩm thơ văn như: Thảo Đường thi nguyên tập, Lập Trai văn tập, Thiên Nam long thủ liệt truyện, Tân truyền kỳ lục (truyện về những người đỗ Trạng nguyên của nước Nam); Chu Dịch vấn đáp toát yếu (gồm 157 câu hỏi và trả lời về ý nghĩa của Kinh dịch và các quẻ trong Kinh dịch...

Thơ văn ông phản ánh được phần nào tình trạng xã hội đương thời - ở những mặt hiện thực nhất, thể hiện tư tưởng của những trí thức cùng thời. Và tư tưởng chủ đạo của Thầy giáo Phạm Quý Thích là tiếng nói đồng cảm, là tâm hồn đồng điệu, mang ý nghĩa nhân văn rất đáng trân trọng.

Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/pham-quy-thich-3-lan-tu-quan-giu-dao-lam-thay-30817.vov2