Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỉnh Sơn La là nơi dừng chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên P...
Ngoài những điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa, Sơn La còn có những địa danh gắn với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc hấp dẫn du khách như: nhà tù Sơn La- trường học cách mạng; ngã ba Cò Nòi nơi mà những nỗi đau đã trở thành huyền thoại, hay cung đường đèo Pha Đin biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí chiến đấu chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, có một khu rừng mang tên vị tướng tài ba của dân tộc: Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay còn gọi là rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại địa phận các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ với diện tích trên 300 héc-ta. Nơi đây không khí trong lành, mát mẻ, những cây chò chỉ cổ thụ mấy người ôm không xuể và rất nhiều loại cây gỗ quý khác như: lát, dổi, pơ mu…
Trong không gian tĩnh lặng của rừng già, văng vẳng bên tai là tiếng suối Dưn chảy róc rách đêm ngày là nơi trú quân đầu tiên trong rừng bản Nhọt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dọc theo các con suối khác trong rừng như: suối Bùa, suối Tắc Tè… cũng được Tướng Giáp chọn đóng quân. Đặc biệt, nơi đặt sở chỉ huy mà Đại tướng dừng chân, đến nay vẫn còn hiện hữu.
Một góc Rừng Đại tướng Võ Nguyên GiápKhu rừng từng là điểm dừng chân quan trọng của bộ đội và dân công trên đường hành quân từ chiến khu Việt Bắc lên Điện Biên Phủ. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận chỉ huy lên đường đi Tây Bắc theo đường 13, qua Phù Yên. Đoàn đi đến Bình Ca qua đèo Khế sang đất Phù Yên đã nghỉ dừng chân tại rừng bản Nhọt. Máy bay địch ném bom rất dữ dội gần nơi đóng quân, khu rừng nguyên sinh bản Nhọt nằm trên cao ngút ngàn có một vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 13, là mái che an toàn cho bộ đội đi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến với Rừng Đại tướng, du khách không những được trở về quá khứ với những bước chân hành quân, tiếng hò kéo pháo hào hùng của đoàn quân tiến lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mà còn được ghé thăm đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một không gian linh thiêng mà vô cùng gần gũi.
Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên GiápĐền thờ với lối kiến trúc nhà sàn 2 tầng độc đáo song vẫn tạo được những nét gần gũi đối với toàn thể bà con đồng bào vùng núi cao Tây Bắc. Chiều cao tính từ cốt lên đến đỉnh mái là 5,95m; chiều dài nhà là 13,2; mái ngói mũi hài; Phía bên trong đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tất cả hai đại tự và 4 câu đối. Nội dung ghi trên hai bức đại tự là "Tổ quốc trên hết" và "Dĩ công vi thượng". Tổ quốc trên hết như một khẩu hiệu khơi gợi lòng yêu nước, từ yêu nước thương nòi mà thúc giục con người ta phải hành động, có thể sẵn sàng hy sinh cả tài sản, xương máu, thậm chí là cả tính mạng của mình để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Dĩ công vi thượng đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu nói này có nghĩa là dù ở đâu, làm gì, bất cứ khi nào cũng luôn đau đáu việc nước, việc dân phải đặt lên trên hết.
Rừng bản Nhọt là một địa danh minh chứng cho tuyến đường quan trọng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa phận tỉnh Sơn La. Không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, đây còn là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và năm 2008 tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng mang tên Đại tướng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/rung-dai-tuong-vo-nguyen-giap-51550.vov2
Có thể bạn thích
-
Liên hợp quốc phê chuẩn lộ trình đưa Campuchia khỏi nhóm “kém phát triển” vào năm 2029
-
Việt Nam là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Campuchia
-
Tiêu hủy trên 6.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc
-
Câu chuyện về "Nàng Út trong ống tre"
-
Những mối nguy liên quan và và giải pháp phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi