Tai nạn xe máy dừng đèn đỏ: Khi “con voi chui lọt lỗ kim”

08/11/2019 13:52 276

Qua các vụ tai nạn thương tâm ở nút dừng chờ đèn đỏ, lại nảy ra những sự vô lý đến hoang đường, những sai phạm theo kiểu “Con voi chui lọt lỗ kim”.

Hiểm nguy rình rập người đi xe máy dừng đèn đỏ

Hiện trường vụ tai nạn tại Long An. 

Thời gian gần đây, số vụ TNGT đối với người đi xe máy dừng đèn đỏ đang gia tăng. Ngày 26/10 vừa qua, tại nút giao thông ngã ba Cây Tài, thuộc địa bàn huyện Thủ Thừa, Long An đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và 7 xe máy khiến 11 người bị thương. Ngày 20/6, tại ngã ba Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai, ô tô 4 chỗ mang BSK: 81A. 083.70 tông vào 5 chiếc xe máy và 1 chiếc ô tô khác. Vụ tai nạn làm 3 người bị thương, 7 xe hư hỏng.

Trước đó, vào chiều 2/1, một xe container từ Tiền Giang về TP.HCM đến QL1 đoạn qua ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức, Long An đã tông 21 xe máy đang chờ đèn đỏ, khiến 4 người chết, 17 nạn nhân khác bị thương phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng.

Trao đổi với VOV Giao thông, đa số thính giả cho rằng, những tình huống xảy ra như vậy rất nguy hiểm, người dân dừng đèn đỏ thì không thể quan sát được từ phía sau. Do vậy, chính những người tài xế cần phải hiểu rõ được phương tiện của mình, kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi và luôn đảm bảo được khoảng cách an toàn trên đường.

“Ra đường bây giờ thì không biết lúc nào để mà nói trước được, những hiện tượng xe điên xảy ra rất là nhiều. Những trường hợp xe trục trặc về kỹ thuật, lái xe vừa lấy được bằng, tay lái còn non. Nhiều khi ra đường sợ lắm, không biết cái gì sẽ xảy ra đối với mình.”

“Tôi thấy là ý thức người dân của mình chưa tốt. Ngồi lên xe uống rượu bia quá mức, rồi quả tải về vấn đề công việc dẫn tới ngủ gật chẳng hạn. Người điều khiển phương tiện trước khi lên xe thì mình phải kiểm tra phương tiện, an toàn hãy đi, không thì thôi.”

“Đi đường dài thì mình sẽ phải có sự chuẩn bị chu đáo, bắt buộc phải kiểm tra xe trước khi lên xe. Trước khi đi xa, mình sẽ uống cà phê để tỉnh táo, trong trường hợp không có cà phê thì mình sử dụng bò húc, hoặc là mình thay đổi nhạc đi để cho đỡ buồn ngủ.”

Hiện trường vụ hàng loạt xe máy dừng chờ đèn đỏ bị xe container đâm vào tháng 1 năm nay. Ảnh: Vnexpress

Liên quan đến các vụ TNGT xe tải đâm xe máy dừng chờ đèn đỏ, VOV Giao thông đã liên hệ với ông Phùng Văn On - Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh Long An, địa phương xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Ông Phùng Văn On cho biết, địa bàn Long An rất phức tạp với 4 tuyến quốc lộ và cao tốc Sài Gòn- Trung Lương đi qua, TNGT thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, những vụ tai nạn ở ngã tư đèn đỏ vừa qua không có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông do hệ thống biển báo, đèn tín hiệu và đường tránh khá đầy đủ.

“Người lái phương tiện gây tai nạn là do trình độ kỹ năng, kỹ thuật, phương tiện xe hoặc do vi phạm nồng độ cồn hay ma tuý. Uỷ ban tỉnh cũng đã chỉ đạo với các ngành, trong đó Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các ngành để tham mưu để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Vừa rồi tỉnh cũng có kế hoạch kiểm tra liên ngành, xử lý những hợp tác xã, các tài xế lái xe, kiểm tra sức khoẻ, nồng độ cồn, ma tuý”,

Đại diện Ban ATGT tỉnh Long An cũng khẳng định, ngoài duy trì công tác tuần tra, xử lý vi phạm đặc biệt liên quan tới tài xế, phương tiện không đảm bảo ATGT, tỉnh Long An sắp tới sẽ thông cầu mới trên tuyến tránh qua thành phố Tân An, giúp các phương tiện đi từ miền Tây về TP.HCM và ngược lại dễ dàng. Qua đó, giảm lưu lượng phương tiện đi trên Quốc lộ xuyên qua khu đông dân cư, giảm tối đa các giao cắt đồng mức dễ dân tới tai nạn.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Đại học GTVT nhận định, phần lớn đường ở Việt Nam là đường hỗn hợp từ 2-3 làn, với quy tắc làn trong cùng là tốc độ cao rồi đến làn thứ hai, thứ ba. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc xây dựng các làn đường dành riêng cho từng phương tiện rất hiếm và khó khả thi. Dù yếu tố về tổ chức giao thông rất quan trọng, nhưng phải mang tính quyết định trong hạn chế TNGT ở các nút dừng đèn đỏ.

Phân tích về vai trò của các tuyến tránh, GS.TS Từ Sỹ Sùa nói:

“Ngày xưa đường người ta thiết kế thẳng, sau đấy dân cư mới chuyển sống 2 bên đường , hay còn gọi là theo vết dầu loang mở rộng ra. Sau đấy thì nâng cấp thành đô thị. Vì vậy, đường xuyên tâm qua thành phố thì rủi ro rất cao, mật độ giao thông rất lớn cho nên thành phố nào lên loại 3 rồi thì phải thiết kế đường tránh”.

Mặc dù vậy, tuyến tránh hầu hết theo hình thức BOT nên nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích. Có nơi, có chỗ các phương tiện vẫn không đi tuyến tránh vì mất phí, không thuận lợi. GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định, bên cạnh việc nâng cấp đường sá, biển báo hạn chế tốc độ, thì giải pháp khả dĩ hàng đầu hiện nay vẫn là sự đồng bộ về tuyên truyền, nhận thức, văn hóa giao thông, kể cả người đi bộ, đi xe máy rồi đến các tài xế xe tải, container. Cần phải giúp người tham gia giao thông hiểu được thế nào là ATGT, và vi phạm ATGT sẽ gây ra hậu quả gì, bị xử phạt nặng ra sao!

Trong khi đó, TS. Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ngoài các nguyên nhân tai nạn trực tiếp từ người điều khiển phương tiện, cần xác định nguyên nhân gián tiếp, trong đó có vấn đề về phương tiện, kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, trách nhiệm doanh nghiệp, từ đó có những thay đổi về mặt chính sách.

“Như việc người lái xe vượt đèn đỏ gây tai nạn. Anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm 100% hoặc về hành chính, hoặc về hình sự nếu hậu quả vụ TNGT trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên tại sao anh ta vượt đèn đỏ thì đây là câu hỏi cần có câu trả lời. Có thể do đèn đỏ thiết kế bất hợp lý, có thể cây che khuất không nhìn thấy. Cũng có thể do chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe trong 1 ngày chạy 10-20 chuyến, gây sức ép lớn cho tài xế, khiến họ làm sai”.

Đề cập công tác tổ chức giao thông trên quốc lộ, TS. Trần Hữu Minh cho rằng, thực tiễn ngày càng phức tạp khi lượng ô tô, xe máy lưu thông rất cao, trong bối cảnh tốc độ trên các tuyến đường ngày càng nâng cao. Chính phủ từng yêu cầu các địa phương thực hiện chiến lược ATGT quốc gia cách đây 10 năm, trong đó yêu cầu phân làn, tách dòng ô tô, xe máy, xe đạp nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn rất chậm, kết quả không như kỳ vọng.

“Để làm tốt công việc này thì có một điều hết sức quan trọng, thì chúng ta cần có tiêu chuẩn thiết kế làn xe máy, kèm theo đó là hướng dẫn làn xe máy trong dòng giao thông hỗn hợp. Có được 2 văn bản này thì đấy là căn cứ hết sức quan trọng và cần thiết để địa phương vào cuộc, triển khai, vận hành làn đường xe máy trên các tuyến quốc lộ”

Theo TS. Trần Hữu Minh, các cơ quan chức năng địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý, tuyên truyền tới người đi xe máy về hành vi đi, dừng ở phần giữa đường, nơi có nguy cơ cao xung đột với ô tô. Các tài liệu hướng dẫn kỹ năng đi xe máy trên quốc lộ, việc sơn kẻ, phân làn, hạn chế tốc độ được coi là những giải pháp rất rẻ, hiệu quả và có thể làm ngay để hạn chế những vụ tai nạn ở nơi dừng chờ đèn đỏ.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Những vụ xe tải hàng chục tấn lao với tốc độ như tên bắn, ủi thẳng vào dòng xe máy dừng chờ đèn đỏ phải được nhận diện là thảm họa giao thông vì tính chất, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Và khi hiện tượng này lặp lại không chỉ một lần, trở thành nỗi ám ảnh đến mức tạo ra trào lưu châm biếm trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng bằng mọi giá, cần tìm ra “phương thuốc” đặc trị.

Hiện trường vụ tai nạn trên quốc lộ 1

Những vụ xe tải hàng chục tấn lao với tốc độ như tên bắn, ủi thẳng vào dòng xe máy dừng chờ đèn đỏ phải được nhận diện là thảm họa giao thông

Nước ta hiện có hệ thống văn bản pháp luật về ATGT khá đầy đủ nhưng quy định chi tiết một số điều khoản chưa theo kịp thực tiễn, việc thực thi, giám sát vi phạm còn nhiều bất cập.

 Để một phương tiện hoạt động, cần đảm bảo các điều kiện về phương tiện, người lái; bên cạnh đó là yếu tố khách quan như hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, chưa kể những quy định riêng với xe kinh doanh vận tải. Có nghĩa, một chiếc xe tải phải trải qua rất nhiều lớp kiểm tra trước khi lưu thông trên đường.

Tuy nhiên, qua các vụ tai nạn thương tâm ở nút dừng chờ đèn đỏ, lại nảy ra những sự vô lý đến hoang đường, những sai phạm theo kiểu “Con voi chui lọt lỗ kim”!

Một tài xế không làm chủ được tốc độ, đã cán 2 ô tô, 2 xe máy ở nơi lẽ ra phải đi chậm nhất, thận trọng nhất là trung tâm thành phố Đồng Hới trong giờ tan tầm. Một chiếc xe mới đăng ký 1 ngày đã hỏng phanh dẫn đến tai nạn với 10 xe máy ở Thủ Thừa (Long An). Hay câu nói đầy vẻ bất ngờ của ông chủ tài xế container ủi 18 xe máy, khiến 4 người tử vong rằng, “tài xế vốn chăm chỉ và hiền lành”, dù người này dương tính với heroin, nồng độ cồn trong máu cao!?

An toàn sao được, khi chủ doanh nghiệp vận tải còn “hiểu nhầm” và “bất ngờ” về nhân viên của mình, còn né tránh trong việc kiểm tra đột xuất sức khỏe lái xe? Sẽ không thể có an toàn nếu chúng ta tiếp tục thả nổi vấn đề đảm bảo kỹ thuật ô tô giữa hai kỳ đăng kiểm. Và chắc chắn, tai nạn với người đi xe máy chưa thể giảm nếu chưa quan tâm đúng mực về quy tắc, về hạ tầng đảm bảo an toàn với loại phương tiện này trên các tuyến quốc lộ.

Hình ảnh những người dựng xe trước đèn đỏ nhưng đứng chờ trên… vỉa hè vừa bi, vừa hài. Nó lột tả sự bế tắc cùng cực của người tham gia giao thông. Giữa thực hiện đúng luật nhưng nơm nớp tử thần ập đến, với việc tự giễu bản thân mà yên tâm, họ chọn vế thứ hai.

Cần sòng phẳng rằng, một nền giao thông mà người dân vẫn cảm thấy bất an khi thực hiện đúng luật, là một nền giao thông chưa toàn vẹn./