Văn Miếu Mao Điền - Biểu tượng của đất học xứ Đông

28/05/2024 15:24 626

Với tuổi đời gần 500 năm, góp phần đào tạo 637 vị tiến sĩ, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội...

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, kể từ khi Văn Miếu đầu tiên được xây dựng ở Thăng Long - Hà Nội vào tháng 8 năm Canh Tuất 1070, trải qua hàng nghìn năm với các triều đại khác nhau, Văn Miếu được xây dựng ở nhiều vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam trở thành biểu tượng của tư tưởng chủ đạo trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Hiện nay, trên cả nước còn 2 văn miếu quốc gia là Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội và Văn Miếu Huế (Thừa Thiên Huế) và các văn miếu hàng tỉnh như Văn Miếu Bắc Ninh (Bắc Ninh), Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Vĩnh Phúc, Văn Miếu Vinh (Nghệ An),Văn Miếu Diên Khánh (Khánh Hòa), Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (Vĩnh Long), Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai), Văn Thánh Miếu Cao Lãnh (Đồng Tháp),... Trong đó, Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) được coi là cái nôi của nền văn học và khoa bảng ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Với gần 500 năm hình thành và được tôn tạo nhiều lần, hiện nay Văn miếu Mao Điền trở thành nơi tôn vinh tinh thần hiếu học. Ảnh: Báo Hải Dương Với gần 500 năm hình thành và được tôn tạo nhiều lần, hiện nay Văn miếu Mao Điền trở thành nơi tôn vinh tinh thần hiếu học. Ảnh: Báo Hải Dương

Văn miếu Mao Điền ngày nay thuộc làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hải Dương khoảng 20km về phía tây và cách thành phố Hà Nội khoảng 50km về phía đông.

Theo sách “Hải Dương địa dư chí” viết năm Thành Thái thứ 4 (1892) thì Văn Miếu nằm trên khu đất cao ráo và bằng phẳng, ước tính rộng khoảng 3.000m2. Theo sử sách thì Văn Miếu Mao Điền ngày nay là quẩn thể hợp nhất của Văn miếu trấn Hải Dương (được xây dựng từ thời Lê Sơ) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Đến thời vua Quang Trung thì chuyển về sáp nhập với trường thi Hương ở xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền xưa là một trong 6 trường thi tính từ Nghệ An trở ra (bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, Hải Dương). Sự sáp nhập này đã tạo thành một trung tâm văn hóa giáo dục của Thượng Hồng xưa. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước.

Cũng giống như tất cả các văn miếu khác, Văn Miếu Mao Điền thờ Khổng Tử và bốn học trò thân tín nhất của ông là Nhan Hồi, Tử Tư, Mạnh Tử và Tăng Tử. Ngoài ra, nơi đây còn phối thờ 8 danh nhân người Việt là Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV), Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (thời Lê Sơ, thế kỷ XV), Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc, Thế kỷ XVI), Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII- XIV), Thần toán Vũ Hữu (thời Lê Sơ, thế kỷ XV) và đặc biệt là Nghi Ái quan, tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc, thế kỷ XVI). Trong đó, ban thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là một điều đặc biệt, bởi xưa kia việc học với nữ giới là cấm kị, tuy nhiên thì bà đã làm được điều phi thường đó. Bà đã cắt tóc giả trai để được đi học và đi thi. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất có học vị Tiến sĩ trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.

Nhà bia ghi danh tiến sĩ tại Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Chị Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong suốt chiều dài lịch sử, bắt đầu từ kỳ thi đầu tiên của triều Lý vào năm 1075 đến kỳ thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919), qua khoảng 9 thế kỷ, nhà nước phong kiến Việt Nam tổ chức được 185 khoa thi, đào tạo tuyển chọn được 2.898 tiến sĩ trên cả nước. Trong đó trấn Hải Dương có 637 tiến sĩ, đứng thứ 2 sau trấn Kinh Bắc. Năm 1831 dưới triều nhà Nguyễn có thay đổi về địa giới hành chính thì Hải Dương còn 486 vị tiến sĩ, là nơi có số tiến sĩ (thời phong kiến) nhiều nhất”.

Một số hiện vật được lưu trữ tại Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng đến nay có tổng diện tích lên tới gần 1 héc-ta bao gồm miếu thờ cổ, văn miếu môn, nhà bia tiến sĩ, trong đó có 2 tấm bia ghi tóm tắt lịch sử văn miếu và quá trình trùng tu, tôn tạo; 12 tấm bia đề danh Tiến sĩ nho học trấn Hải Dương (từ năm 1075 đến năm 1919). Trong khuôn viên còn có Thiên Quang tỉnh, hai nhà bia cổ ở hai bên, gác Chuông, gác Trống, Nhà Đông vu và Tây vu, Bái đường, Hậu cung và Khải Thánh (là nơi thờ thân phụ, thân mẫu đức Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Trưng Tại). Di tích còn lưu giữ một số cổ vật gồm Đỉnh hương đá, Khánh đá và Ba tấm bia đá cổ. Ngoài những hiện vật có giá trị lịch sử, tại Văn Miếu Mao Điền còn có cây gạo cổ thụ được trồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), tôn thêm vẻ đẹp của khuôn viên di tích.

Nhà gác chuông tại Văn miếu Mao Điền

Dưới thời phong kiến, hàng năm vào ngày "Đinh" đầu tháng "trọng xuân" (tức tháng Hai âm lịch) và "Trọng thu" (tức tháng Tám âm lịch), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử. Việc tế lễ diễn ra trang nghiêm, long trọng và rất đông vui, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sỹ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống "Hiếu học và tôn sư, trọng đạo" của người tỉnh Đông. Ngày nay, để phát huy tốt các giá trị văn hoá, lễ hội tại Văn Miếu Mao Điền được tổ chức 2 lần/năm vào mùa Xuân và mùa Thu để báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước. Chị Lê Thị Thoa - Phó Ban quản lý di tích chia sẻ: “Lễ hội Văn Miếu Mao Điền có nhiều khác biệt so với các lễ hội khác. Khi nhân dân, du khách, đặc biệt là các em học sinh và nhà trường tham gia hoạt động lễ hội sẽ được trải nghiệm trò chơi Rung chuông vàng, cuộc thi viết vở sạch chữ đẹp, kéo co và nhiều hoạt động hái hoa dân chủ, thi hùng biện hiểu về danh nhân, về văn hoá lịch sử dân tộc”.

Một góc Văn miếu Mao Điền Một góc Văn miếu Mao Điền

Với tinh thần tôn vinh truyền thống hiếu học của tỉnh Đông, lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và sáng tạo. Đây không chỉ là nơi để vinh danh đạo học của đất nước nói chung và vùng đất xứ Đông khi xưa nói riêng, mà còn để thế hệ hôm nay tu dưỡng bản thân, trau dồi tài đức.

Khởi nguồn từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương, trải qua quá trình phát triển, Văn Miếu Mao Điền đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước. Ngoài việc tổ chức lễ hội và các sinh hoạt tâm linh, ngày nay Văn Miếu Mao Điền còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động mang tính giáo dục như tổ chức hội thảo khoa học giáo dục; gặp mặt, vinh danh các tiến sĩ xứ Đông thời kỳ mới; tổ chức các chương trình khuyến học, biểu dương học sinh giỏi và đạt thành tích cao trong các kỳ thi đại học…

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, năm 1992 Văn miếu Mao Điền được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là khu di tích cấp Quốc gia, đến tháng 12 năm 2017 được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/van-mieu-mao-dien-bieu-tuong-cua-dat-hoc-xu-dong-48487.vov2