Đạo luật Nâng cao Trách nhiệm lái xe: Thay đổi hành vi thông qua giáo dục thay vì chỉ mỗi phạt tiền

04/03/2020 09:55 714

Thành phố New York (Mỹ) lên kế hoạch tập trung xử lý những người thường xuyên vượt đèn đỏ và chạy quá tốc độ

Số người thiệt mạng do tai nạn giao thông tại thành phố New York bất ngờ tăng đột biến vào năm ngoái. Do vậy, ngày 11/2 vừa qua, giới chức New York thông qua Đạo luật Nâng cao Trách nhiệm lái xe, nhằm thay đổi hành vi lái xe thông qua các khóa giáo dục, thay vì chỉ dựa vào phạt tiền.

Đạo luật này yêu cầu những tài xế 5 lần bị phạt vượt đèn đỏ hoặc 15 lần quá tốc độ trong 1 năm phải hoàn thành khóa học lái xe an toàn do Sở Giao thông tổ chức. Những ai không hoàn thành khóa học có thể bị tịch thu xe. Hiện có khoảng 5.000 trong số gần 2 triệu xe bị ảnh hưởng bởi Đạo luật mới này.

Đạo luật này được đưa ra sau một vụ tai nạn thảm khốc khi một tài xế vượt đèn đỏ ở khu phố Park Slope ở Brooklyn, đâm tử vong một bé gái 5 tuổi và một bé trai 1 tuổi. Nữ diễn viên Broadway Ruthie Ann Miles, mẹ của đứa trẻ 5 tuổi, cũng bị đâm khi đang mang thai. Hai tháng sau đó, cô đã mất đi đứa con trong bụng.

Người cầm lái shiếc xe gây tai nạn là cô Dorothy Bruns, từng 4 lần vi phạm tốc độ, 4 lần bị phạt vượt đèn đỏ.

Ủy viên Hội đồng Brooklyn Brad Lander, người đã giới thiệu và bảo vệ đạo luật này, nói: “Cô ấy lái chiếc xe đi khắp nơi như một thứ vũ khí đáng sợ nhắm vào hàng xóm của cô ấy và những đứa trẻ của chúng ta. Những người lái xe liều lĩnh phải chịu trách nhiệm khi gây thương tích hoặc chết người”.

Đạo luật mới nhận được sự ủng hộ từ các nhóm vận động việc lái xe an toàn, như Amy Cohen, người sáng lập của Families for Safe Streets, một nhóm vận động cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông có con trai 12 tuổi bị xe tải đâm tử vong ở Brooklyn vào năm 2014.

Hay Rachel Jones có người thân bị một chiếc xe tải giao hàng đâm phải dẫn đến bị tổn thương não vĩnh viễn vào năm 2009.

Jones chia sẻ trong nước mắt: “Người lái xe gây tai nạn này đã nhận hai vé phạt khi anh ta lái xe đâm vào người thân của tôi và không nhận tội. Nếu có đạo luật này thì điều đó đã không xảy ra”.

Một khu tưởng niệm ở Park Slope, Brooklyn, nơi hai đứa trẻ bị một tài xế đâm tử vong. Ảnh: nytimes.com

Một nghiên cứu sơ bộ của Sở Giao thông vận tải và Đại học Chicago từ 2012 đến 2019 cho thấy: Phương tiện có 5 lần vi phạm trở lên có khả năng liên quan đến một vụ tai nạn gây thương tích, cao gần gấp đôi phương tiện không có vi phạm nào; 10 lỗi vi phạm trở lên có khả năng liên quan đến một vụ tai nạn thương tích, cao gần gấp 3 lần.

Do đó việc xử lý nghiêm vô cùng cần thiết.

Được biết, khóa học nâng cao trách nhiệm lái xe có thể được mô phỏng theo chương trình “phục hồi công lý” được phát triển vào năm 2015 dành cho các bị cáo gây tai nạn bị buộc tội hình sự. Theo khảo sát, các tài xế tham gia khóa học ít vi phạm hơn 40% so với những người không tham gia.

Lớp học này kéo dài 90 phút tập trung vào cách các tài xế nên cư xử có trách nhiệm và bao gồm các đoạn băng ghi lại lời nói từ những người có người thân bị giết bởi các tài xế liều lĩnh.

Theo Ủy viên Hội đồng Brooklyn Brad Lander, đạo luật này không phải là nhắm đến việc tịch thu xe mà muốn các tài xế  thay đổi hành vi và chỉ khi hoàn thành khóa học thì họ mới có thể tham giao thông.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, liên quan đến trách nhiệm của tài xế khi vi phạm giao thông đường bộ, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện chỉ có 2 hình thức xử phạt chính là phạt tiền và tước giấp phép lái xe có thời hạn tối đa là 24 tháng còn trong trường hợp gây tai nạn thì sẽ bị xử lý hình sự. Như vậy, không có quy định nào về việc tài xế phải tham gia khóa học thay đổi, nâng cao nhận thức sau khi đã được cấp bằng.

“Với quan điểm của một người thi hành pháp luật, tôi ủng hộ phương án buộc những người tái phạm phải đi học một khóa lái xe an toàn. Cái mà chúng ta hướng tới là đánh vào ý thức tuân thủ pháp luật nhiều hơn là chế tài. Ở bất kỳ đất nước nào thì hệ thống pháp luật, ngoài các hình thức xử phạt tiền hay xử phạt tù thì cùng với tính chất răn đe cần có tính chất cải tạo chung”, luật sư nêu quan điểm.

Luật sư Trần Tuấn Anh đề xuất trong thời gian tới, nên hoàn thiện pháp luật theo hướng đào tạo những người tham gia giao thông tuân thủ pháp luật một cách chủ động, thay vì chỉ tăng nặng các chế tài xử phạt, có như vậy mới có thể giải quyết được triệt để vấn đề tai nạn giao thông.