Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán - người mở đường ra Đồ Sơn

08/03/2021 16:24 827

Nửa cuối thế kỷ 19, có một vị quan triều Nguyễn, tuy chỉ giữ chức quan tỉnh nhưng lại được phong hàm ngang với các quan đầu triều.

Theo sách “Phạm tộc gia phả”, Phạm Văn Toán sinh ngày 30 tháng 2 âm lịch năm Giáp Thìn (tức 1844), trong một danh gia vọng tộc tại làng Láng, Yên Lãng thuộc phủ Hoài Đức xưa, sau thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thời Trần, thôn Láng Trung, làng Yên Lãng thuộc đất phường Toán Viên, kinh thành Thăng Long. Từ năm 1831, vua Minh Mạng đổi kinh thành Thăng Long thành tỉnh Hà Nội, Yên Lãng thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XX, Yên Lãng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, từ năm 1942, thuộc Đại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. 

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, quê hương Yên Lãng vốn là xứ danh hương.

Ban thờ Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán tại gia tộc

Theo các nguồn sử liệu, Cụ tổ 6 đời trước của danh nhân Phạm Văn Toán tên hiệu là Phúc Trực từ Thanh Hóa ra Thăng Long, làm quan Đốc trấn Trấn Sơn Nam, lấy vợ người làng An Môn (tức Yên Lãng), và từ đó, đời nối đời, gia tộc họ Phạm trở thành cư dân của Yên Lãng.

Tiếp theo các đời sau, các cụ thủy tổ đều làm quan và đỗ đạt với các chức Hiệp trấn (đời thứ nhất), Tham trấn (đời thứ hai), Thiên phủ (đời thứ ba), Thị độc Học sĩ (đời thứ tư), Thái thường Tự khanh (đời thứ năm). Cụ Phạm Văn Toán là đời thứ sáu, được học Thi, Thư, lấy lễ, nghĩa, trí, tín làm trọng. 

Tuy nhiên, theo nhà sử học Lê Văn Lan, con đường quan chức của danh nhân Phạm Văn Toán không khởi đầu từ sự đỗ đạt, mà bắt đầu từ chức dịch nhỏ ở làng và là một con đường khá gập ghềnh:

“Con đường thăng quan tiến chức của Phạm Văn Toán  không bằng phẳng một chút nào. Ngay ở thời kỳ đầu làm quan cụ đã mắc vào hàm oan, có kẻ nói xấu, tố giác cụ. Nhưng chính nhờ phẩm chất trung thực, thẳng thắn của cụ và nhờ sự sáng suốt của quan cấp trên mà cụ đã được chiêu tuyết để trở lại con đường làm quan gập ghềnh của mình. Suốt cuộc đời làm quan, phẩm chất của một người ngay thẳng, trung thực hết một đời vì dân vì nước, đấy là cái nguyên cớ, là bí quyết để con đường thăng quan tiến chức của cụ Phạm Văn Toán được hanh thông mặc dầu phải trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ nữa”.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của danh nhân Phạm Văn Toán là bằng tài năng, mưu lược của mình đã gây sự chú ý của quan Khâm sai triều đình Nguyễn là Hoàng Kế Viêm, một trong những vị quan yêu nước chống thực dân Pháp. Quan Khâm sai đã tuyển mộ Phạm Văn Toán vào quân ngũ và cử đi đánh giặc cờ đen ở vùng miền núi phía Bắc là Thanh Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Cũng từ đây, sau khi lập được quân công Phạm Văn Toán được mời về triều đình Huế rồi được cắt cử đảm nhiệm đến những chức quan đầu tỉnh.

Nhà nghiên cứu Phạm Thuý Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam kiêm trưởng ban Thông tin tư liệu cho biết, danh nhân Phạm Văn Toán trải qua nhiều chức trách dưới triều nhà Nguyễn, khởi đầu từ chức quan nhỏ ở làng là lý tưởng, sau rồi lên chánh tổng. Khi đi đánh giặc và lập công được cử giữ chức tri huyện các vùng Thanh Sơn, Tam Nông, Văn Chấn. Sau đó là Án sát xứ Tuyên Quang. Lại được cử về Bố chính xứ Lạng Giang, rồi làm quan Chánh sứ Hải Phòng, Tổng đốc Nam Định…

Đền Trần (Nam Định) nơi in dấu tích của Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán

Với tài năng và đức độ của mình, danh nhân Phạm Văn Toán được triều định giao trọng trách làm quan đầu tỉnh của ba khu đô thị lớn phía Bắc là Hải Phòng, Phố Hiến và Nam Định.

Dù làm quan trong thời loạn, áp lực tứ phía nhưng quan chánh sứ Hải Phòng hay tổng đốc Nam Định đều để lại dấu ấn quan trọng cho những vùng đất mình quản lý. Đặc biệt là công trình con đường từ Cầu Niệm ra Đồ Sơn ở Hải Phòng đã giúp đô thị này phát triển.

Với những cống hiến của mình, vị quan thanh liêm Phạm Văn Toán được triều đình nhà Nguyễn phong tặng nhiều hàm bậc cao quý tương đương với quan đầu triều. Đặc biệt hàm Thái tử Thiếu bảo là hàm cao nhất của triều Nguyễn, được phong cho Phạm Văn Toán năm 1909 khi đang làm Tổng đốc Nam Định.

Không chỉ có tài kinh bang tế thế, được triều đình trọng dụng phong hàm Hiệp tá Đại học sĩ (năm 1908), rồi Thái tử Thiếu bảo, Phạm Văn Toán còn là vị quan văn hay chữ tốt.

Đến nay, trong đền Mây, di tích và danh thắng nổi tiếng của phố Hiến - “Trăm cảnh nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây” vẫn lưu giữ bài văn bia “Đằng Châu từ phụng ký” do cụ làm nhân dịp đền được trùng tu năm Thành Thái thứ 11 (năm 1899).

Di bút của Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán còn để lại ở đền Trần với bài thơ ca ngợi các vua Trần, hiện vẫn còn lưu giữ tại đây: Nghiệp lớn trời trao dẹp trước sau/Lẫy lừng đệ nhất cảnh Tiên Châu/Khí thiêng Nam Mặc mây mù cuốn/Bóng nhật Đông A rực rỡ màu/Đài cao Tức Mặc nay còn thấy/Vạc báu Thiên Trường đâu bóng xưa/Thái Đường, Quất quốc nơi tôn kính/Trước sau giữ nghĩa nhớ phụng thờ.

Suốt đời làm quan thanh liêm, Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán để lại tiếng thơm cho con cháu. Với quê hương Yên Lãng, sau khi trí sĩ về quê sinh sống, cụ đã đấu tranh với Hoàng Cao Khải không cho chiếm đất của dân làng lập ấp Thái Hà nên được dân nhớ ơn.

Do tuổi cao sức yếu, Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán qua đời năm 1912, hưởng thọ 69 tuổi. Hiện nay, mộ cụ nằm khiêm tốn sơ sài tại cánh đồng cạnh làng Yên Lãng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Mộ phần của Thái tử Thiểu bảo Phạm Văn Toán tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Là quan thanh liêm, tận tụy với việc triều chính, hết lòng thương dân, lại giỏi thơ phú, Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán đã có nhiều đóng góp đáng kể cho đất nước và được thờ ở đền Mây (Phố Hiến), đền Cố Trạch (Nam Định), miếu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Hiện cụ được con cháu dòng họ Phạm thờ cúng tại nhà ông Phạm Tường Long, số 11, ngõ 56, phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước của gia tộc, con cháu cụ Phạm Văn Toán nhiều người là cán bộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và thế hệ cháu chắt của cụ hôm nay đang học tập, lao động, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội và quê hương giàu đẹp. 

Ông Phạm Tường Long, hậu duệ và là chắt của Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán bày tỏ nguyện vọng của con cháu dòng tộc là mong được tạo điều kiện để được phép tôn tạo, xây dựng lăng mộ của Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán khang trang hơn để các thế hệ hậu duệ sau này  được tôn thờ công lao của cụ.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/thai-tu-thieu-bao-pham-van-toan-nguoi-mo-duong-ra-do-son-24888.vov2