Thăng Long tứ trấn
[VOV2] - Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ các vị trí huyết mạch theo các hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc của thành Thăng Long x...
Nằm giữa khu phố cổ buôn bán sầm uất, đền Bạch Mã là trấn Đông được xem là trấn quan trọng hơn cả trong Tứ trấn, phần vì trong quan niệm văn hóa phương Đông đây là hướng mặt trời mọc, phần nữa bởi ngôi đền này được hình thành sớm nhất trong Tứ trấn. Và đặc biệt hơn, những huyền tích của ngôi đền gắn liền với sự hình thành kinh đô Thăng Long thuở ban đầu.
Đền Bạch Mã
Theo ông Nguyễn Hải Đường, Thủ từ đền Bạch Mã, đền này thờ đức Long Đỗ đại vương xuất hiện từ thế kỉ IV, khi ngài làm quan đã giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khi ngài mất lập đền này thờ ngài.
Đến năm 1010 vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư, Ninh Bình ra đây xây thành, cứ xây lên thì thành lại đổ. Có người mách Vua đến đây lễ, vua đến lễ và được báo mộng là ngựa trắng sẽ đi từ đền này ra, vua đo đạc theo bước chân ngựa thì sẽ xây được thành, và quả như vậy nên vua ghi nhận công lao của thần Long Đỗ và phong cho ngài làm Thần hoàng Thăng Long, từ đấy đặt tên cho đền là Bạch Mã.
Đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Không gian đặc biệt nhất của ngôi đền là gian Đại bái với nền nhà được lát đá xanh. Ở đây đặt pho tượng Bạch Mã – 1 hiện thân khác của thần Long Đỗ với bài vị Long Đỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã đại vương. Phía trong hậu cung là gian quan trọng nhất của trấn Đông, đây là gian thờ có đặt tượng, bài vị của thần Long Đỗ, vị thần được vua Lý Thái Tổ phong là Quốc đô định bang Thành hoàng Đại vương.
Đền Quan Thánh
Đền Quán Thánh hay Trấn Vũ Quán là những cái tên được sử dụng để gọi ngôi đền thiêng xưa kia dùng để trấn tà khí từ phía Bắc tràn xuống kinh đô Thăng Long.
Theo sử sách ghi lại, khi xưa Thánh Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương diệt trừ Kê tinh để nhà vua có thể xây dựng thành công Loa Thành. Đặc biệt hơn nữa, pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ đã được công nhận là 1 trong những bảo vật quốc gia năm 2016.
Đền Quán Thánh giá trị nhất là pho tượng Huyền thiên Trấn Vũ từ thời nhà Lý được làm bằng gỗ trầm hương, đến thời Lê Hy Tông thì được đúc bằng đồng. Tượng cao 3,6m, nặng 4 tấn. Đến năm 1843 thời nhà Nguyễn thì tượng được nâng lên bệ đá, trụ bia 8m.
Pho tượng này nói lên trình độ đúc đồng của nhân dân ta thế kỉ 17 rất đặc sắc không ở đâu có. Đến hiện tại vẫn giữ được những đường nét tinh xảo, mềm mại. Tượng ngồi trên bệ đá đang bắt quyết niệm thần chú, tay phải chống lên thanh gươm và trên thanh gươm có 1 con rắn cuốn. Thanh gươm thể hiện sức mạnh của thần và con rắn chống lên lưng con rùa thể hiện sự trường tồn của thần.
Đền Voi Phục
Cuối con đường Bưởi, Trấn Tây của Kinh thành Thăng Long là đền Voi Phục tọa lạc trên gò Long Thủ trong công viên Thủ Lệ.
Đền Voi Phục thờ Linh Lang Đại Vương – vị nhân thần duy nhất trong Tứ trấn. Linh Lang Đại vương là con vua Lý Thái Tông, là người văn võ song toàn. Trong suốt cuộc đời mình, ngài đã 3 lần cưỡi voi ra trận, và mỗi khi ngài ra trận, voi chiến luôn quỳ xuống để ngài bước lên. Chính huyền tích này mà đền thờ Linh Lang Đại Vương có tên gọi đền Voi Phục.
Một điều đặc biệt là đền Voi Phục vẫn lưu giữ được phiến đá nơi ngày xưa Linh Lang Đại vương đánh trận về nằm nghỉ. Và để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại Vương, ngày 12 tháng 9 âm lịch hàng năm, đền Voi Phục tổ chức ngày Đại Yến - là ngày Vua Cha cho làm cỗ để khao quân đi đánh giặc, thắng giặc… Đền Voi Phục cũng là trấn duy nhất trong Tứ trấn có ngày Đại yến.
Đền Kim Liên
Hệ thống Đền, Đình Kim Liên là trấn Nam được hình thành muộn hơn cả trong vòng tròn tâm linh Tứ trấn Thăng Long xưa.
Đình, Đền Kim Liên tọa lạc trên một đia thế đặc biệt là gò đất cao phía Đông đầm Kim Liên khi xưa với lối kiến trúc và dấu tích văn hóa đặc trưng thời Lê Trung Hưng và vẫn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Trong hệ thống Tứ trấn Thăng Long không nơi nào có được tòa Phương đình đẹp và đặc biệt như Phương đình của trấn Nam Thăng Long. Phương đình Đền - Đình Kim Liên cũng chính là nơi thờ tự quan Văn, quan Võ như tất thảy các hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng khác của Việt Nam. Điểm đặc biệt của tòa Phương Đình này ngoài hai đôi Nghê trên trụ mái rất cổ, công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng này còn lưu giữ được khá rõ nét những mạch vữa từ thuở đầu xây dựng.
Một điểm nhấn khá độc đáo mà không nơi đâu có, chỉ hiện diện duy nhất ở Phương Đình, Đình- Đền Kim Liên đó là Hổ phù ở đầu đốc Phương Đình và tấm bia đá. Tấm bia đá này là bài Minh ca ngợi công ơn của Đức Cao Sơn Đại Vương đã phù trợ cho Vua Lê Tương Dực giành lại ngai vàng.
Những giá trị văn hóa lịch sử mà Tứ trấn Thăng Long đang lưu giữ là vô giá. Đó chính là chiếc cầu nối truyền thống ngàn năm của Kinh Đô Thăng Long xưa truyền lại tới Hà Nội hôm nay.
Nguồn: theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/thang-long-tu-tran-23427.vov2
Có thể bạn thích
-
Những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam giữ bình yên mùa xuân cho nhân dân
-
Đức đạt được nhất trí về với gói giảm thuế doanh nghiệp 7 tỷ euro
-
"Yêu" lại sau khi khỏi bệnh Covid-19 - Dễ hay khó?
-
Ứng xử sau khi "yêu"
-
Khai trương phòng lab mạng di động mô phỏng thực tế- thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại trường đại học