Luật Di sản Văn hóa: Sửa đổi để bắt kịp xu thế phát triển

26/09/2024 15:48 290

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Bởi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý c

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm:

Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng;

Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương;

Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về Dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng hồ sơ Dự án luật được chuẩn bị công phu, đã kèm theo 7 nghị định và 7 thông tư quy định chi tiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ban soạn thảo cần rà soát thêm với một dự thảo luật có 102 điều, số lượng văn bản hướng dẫn nhiều, thể hiện quy định khung nhiều, đồng thời đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quan tâm đến đến nội dung bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu ý kiến “Nước ta hiện nay có 16 dân tộc ít người, có 10 nghìn người trở xuống, khi có quy định này, nhà nước sẽ ưu tiên ngân sách để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của 16 dân tộc ít người này”.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Có thể nói Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi ) cơ bản đáp ứng được những bất cập trong quản lý di sản văn hóa hiện nay. Trên cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập). Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật. 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt.

Với một khối lượng di sản như thế này, nhiều đại biểu cho rằng cần xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để các thành phần được tham gia và được thụ hưởng chính sách từ sự đóng góp đó. Điều này cũng sẽ góp phần bảo tồn nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, hay những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc sắc.

Đại biểu Nguyễn Viết Lương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho cho rằng lần sửa đổi Luật lần này cần tăng cường sự đầu tư của nhà nước, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực, sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào việc tham gia và phát huy các giá trị di sản văn hóa. “Luật lần này thì có đề xuất sửa đổi quan điểm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước là phải chăm lo bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Đồng thời cũng phải có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa, huy động thêm các nguồn lực cho nhiệm vụ này. Nhà nước đã có cam kết sẽ tăng đầu tư công cũng như nguồn chi thường xuyên khác và cũng đã có chính sách về tài chính cho riêng từng loại hình di sản”.

Một quy định cũng đáng chú ý trong Dự thảo Luật lần này là điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích cũng như di sản thế giới. Tại điều 48 trong dự thảo Luật cũng đề cập thêm về quy định điều chỉnh các khu vực của di tích. Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng quy định này chặt chẽ nhưng có hướng mở để chúng ta có thể giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. “Đây là một bài toán khó và phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, ở các địa phương cụ thể để từ đó tìm ra cách thức cân bằng. Ở đây là phải luôn luôn lấy những giá trị của di sản làm yếu tố đầu tiên đầu tiên, tiên quyết. Từ yếu tố tiên quyết này để quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để làm sao phù hợp với việc bảo vệ, tôn vinh giá trị di sản của đất nước. Bởi vì di sản rất là mong manh và dễ thay đổi và nếu di sản bị thay đổi, ảnh hưởng tiêu cực thì rất khó lấy lại các giá trị của di sản đó”.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách vinh danh, đãi ngộ với các nghệ nhân. Tại khoản 2, điều 13 của dự thảo Luật có quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể “ Ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 điều này, căn cứ theo tình hình thực tiễn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương. Việc phân cấp, phân quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ với nghệ nhân. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, để đảm bảo tính công bằng và đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng thì ban soạn thảo cần quy định rõ 02 nhóm đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân. Đồng thời cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí, nội dung, định mức chi tối thiểu về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân. Bởi đây sẽ là cơ sở tham chiếu để Hội đồng nhân dân các cấp, tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết về nội dung này.

Có thể nói việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghĩ cần cân nhắc lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa, hay cần phải chú ý nhiều hơn đến di sản đô thị, di sản công nghiệp....Các đại biểu đều kỳ vọng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa sẽ bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, đồng thời điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nguồn: Theo vov.vn - https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/luat-di-san-van-hoa-sua-doi-de-bat-kip-xu-the-phat-trien-48857.vov2