Singapore hướng tới di chuyển trong giờ cao điểm không quá 45 phút và dưới 20 phút ở khu dân cư
Chính phủ Singapore vừa chấp thuận khuyến nghị của Hội đồng tư vấn Kế hoạch tổng thể Giao thông đường bộ tới năm 2040
Để đưa ra các khuyến nghị, hội đồng tư vấn do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tiến sĩ Janil Puthucheary đứng đầu xem xét hơn 7.400 ý kiến trong sáu tháng qua.
Các khuyến nghị tập trung vào ba lĩnh vực chính: di chuyển trong khu dân cư dưới 20 phút, di chuyển trong thành phố dưới 45 phút (kể cả trong giờ cao điểm), giao thông công cộng cho tất cả mọi người và hành trình an toàn hơn. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển trong giờ cao điểm khoảng 15 phút mỗi ngày.
Hội đồng tư vấn cũng đề nghị Chính phủ dành nhiều không gian hơn cho vận tải công cộng, đi bộ, đi xe đạp và tiện ích cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Janil Puthucheary cho rằng để đạt được mục tiêu di chuyển trong thành phố không quá 45 phút, đường sắt phải tiếp tục là “xương sống của mạng lưới giao thông công cộng Singapore”.
Do đó, ông đã công bố kế hoạch mở nhà ga Hume, trên tuyến Downtown 2 (DTL2) vào năm 2025.
Bộ trưởng Puthucheary nhấn mạnh rằng Chính phủ cũng đang nghiên cứu các dự án đường sắt khác sau năm 2030 giúp đưa Singapore đến gần hơn với mục tiêu di chuyển trong thành phố 45 phút và những điều này sẽ được công bố “trong vài tháng tới”.
Trong khi đó, để đạt được mục tiêu của di chuyển trong khu dân cư dưới 20 phút, Tiến sĩ Puthucheary cho biết sẽ tiếp tục cải thiện kết nối các khu vực bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các hoạt động đi lại chủ động giúp việc di chuyển trong nội thành ngắn hơn.
Hiện tại, Singapore đang thực hiện kế hoạch mang tên “Đi bộ, Đạp xe, Đi xe buýt” (Walk - Cycle - Ride). Trong đó, phát triển các tuyến vòng tròn cho phép các loại hình giao thông công cộng kết nối với nhau thuận tiện và nhanh chóng.
Bộ trưởng Puthucheary cho biết:
“Mấu chốt của kế hoạch là chúng tôi phải thiết kế lại hệ thống giao thông sao cho không gian công cộng nhiều hơn, hạ tầng tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn nữa, rồi việc chia sẻ đường đi như thế nào với các phương tiện khác như xe đạp, xe điện. Kế hoạch phải khả thi và tương thích với hạ tầng hiện tại. Chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều công việc trước khi thực hiện”.
Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đang tiến hành thử nghiệm dịch vụ xe buýt công cộng theo yêu cầu từ tháng 12 năm ngoái. Dịch vụ này cho phép hành khách có thể yêu cầu đón và trả khách tại bất kỳ trạm xe buýt nào trong các khu vực được thí điểm thông qua ứng dụng di động.
Tiến sĩ Puthucheary cho biết, dịch vụ xe buýt được định tuyến linh hoạt như vậy giúp giảm thời gian đi lại và chờ đợi cho các chuyến đi trong nội thành, cho phép hành khách tận hưởng những hành trình liền mạch hơn.
Còn tại Việt Nam, liên quan đến đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, có thể thí điểm hạn chế xe máy trên một trong 2 tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.
Đây là 2 tuyến có mật độ giao thông rất cao và có phương tiện công cộng thay thế là xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa và tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Chuyên gia giao thông đô thị Đinh Quốc Thái cho rằng việc thí điểm là cần thiết để rút kinh nghiệm trước khi chính thức cấm xe máy vào năm 2030, tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán hết sức thận trọng để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
“Nếu muốn thí điểm sớm việc cấm xe máy trên một tuyến đường nào đấy, thì điều cần thiết nhất là phải bố trí được những điểm gửi xe để cho những người đi xe máy gửi phương tiện từ đó chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng. Những vấn đề khác chắc chắn là đòi hỏi rất nhiều thứ như lượng phương tiện GTCC như thế nào để đáp ứng nhu cầu, hành trình của tuyến đó như thế nào để đáp ứng nhu cầu thực tế. Chúng ta phải lưu ý các vấn đề đó trước đã, rồi dần dần trong quá trình vận hành, chúng ta sẽ có đánh giá và rút kinh nghiệm”.
Được biết, mục tiêu của Hà Nội, đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng đáp ứng được từ 30 đến 35% nhu cầu đi lại của nhân dân. 80% người dân sẽ được tiếp cận vận tải hành khách công cộng ở mức di chuyển dưới 500m và 20% còn lại sẽ kết nối bằng các hình thức khác như đi bộ, đi xe đạp, hoặc taxi.
Tuy nhiên, thời gian di chuyển cũng là một yếu tố quan trọng trong phát triển vận tải khách công cộng; Và Hà Nội có thể tham khảo mục tiêu giảm thời gian di chuyển trong khu dân cư dưới 20 phút, di chuyển trong thành phố dưới 45 phút (kể cả trong giờ cao điểm) của Singapore.