Quy tắc rẽ trái hai giai đoạn: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Dù có mật độ xe máy lưu thông rất cao nhưng đường phố Đài Loan lại không hỗn loạn, lộn xộn do chiến lược quản lý xe máy có những quy định khá đặc biệt.
Tuy đường phố Việt Nam nhiều xe máy nhưng vẫn đứng sau Đài Loan về tỷ lệ xe máy lưu thông trên đường. Mật độ xe máy tại Đài Loan là 676 xe/1.000 dân, cao hơn Việt Nam vốn ở mức 460 xe/1.000 dân. Xe máy tại Đài Loan chủ yếu là scooter cỡ nhỏ, động cơ 50-110 phân khối chiếm tới 90%.
Rất nhiều giải pháp đã được Đài Loan triển khai để quản lý có hiệu quả việc lưu thông hỗn hợp của xe máy với các phương tiện khác. Nhờ vậy, giao thông ở đây rất tốt, hầu như không tắc nghẽn như ở Việt Nam.
Tổ chức giao thông đô thị hạn chế tối đa sự giao cắt của các luồng phương tiện tại các nút giao thông. Tại các vị trí dừng chờ đèn, mặt đường luôn có kẻ ô riêng dành cho xe máy đỗ đầu, sau đó mới tới những phương tiện khác.
Đặc biệt, ở mỗi ngã tư, người đi xe máy phải thực hiện rẽ trái hai giai đoạn hayđược gọi là rẽ trái kiểu lưỡi móc,để tránh phát sinh tình trạng xung đột giữa xe đi thẳng và xe rẽ trái tại giao lộ, từ đó giảm thiểu ùn tắc.
Bắt đầu thực hiện tại Đài Bắc vào năm 1985, sau đó lan rộng khắp đất nước, xe tay ga hoặc xe máy dưới 250 phân khối bị cấm rẽ trái trực tiếp trên những con đường có hai làn trở lên. Thay vào đó, khi đến ngã tư, nếu muốn rẽ trái, xe máy phải tiến thẳng sang ô kẻ sẵn phía đường vuông góc bên phải, xoay hướng trái, đợi đến khi đèn chuyển xanh thì cùng dòng phương tiện đi thẳng qua ngã tư. Cách này tránh được xung đột khi vừa có xe thì đi thẳng vừa có xe rẽ, hạn chế tai nạn do xe máy rẽ trái bị ôtô đi thẳng tông trúng.
Mặc dù quy tắc rẽ trái 2 giai đoạn được đánh giá là hiệu quả trong việc tránh xung đột, giảm ùn tắc; tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Một số người đề xuất quy định rẽ trái hai giai đoạn chỉ nên áp dụng ở những con đường có có ít hơn ba làn đường cho mỗi hướng, thay vì áp dụng trên mọi con đường. Việc chờ rẽ trái hai giai đoạn dẫn tới thời gian dừng chờ đèn bị kéo dài khiến người tham gia giao thông mệt mỏi, nhất là vào thời điểm nắng nóng.
Một số người dân nêu ý kiến:
“Tôi phải đợi 90 giây mới có thể rẽ trái được ở ngã tư này. Trong khi thời tiết quá nắng nóng”.
“Xe máy phải chờ đợi 3 -4 phút, thực sự là rất bất tiện và không cần thiết. Nhân viên đưa hàng của chúng tôi phản ánh thời gian dừng chờ lâu nhất thậm chí còn lên tới hơn 5 phút”.
Quy tắc rẽ trái hai giai đoạn: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Mặc dù quy tắc rẽ trái 2 giai đoạn được đánh giá là hiệu quả trong việc tránh xung đột, giảm ùn tắc; tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh: taiwannews.com.tw
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy tắc rẽ trái 2 giai đoạn có thể gây ùn tắc trong giờ cao điểm khi lượng phương tiện rẽ trái tăng đột biến, tràn ra khỏi khu vực chờ rẽ trái, lấn sang các làn đường khác, gây xung đột giao thông và nguy hiểm cho người đi bộ.
Do đó, các chuyên gia lưu ý trong quá trình triển khai cần đánh giá đến lưu lượng phương tiện cũng như điều chỉnh nhịp đèn hợp lý, tránh ùn ứ, có như vậy mới đạt được mục đích ban đầu là cải thiện lưu lượng giao thông, thay vì tạo ra một điểm nóng mới về tai nạn giao thông.
Là một quốc gia có mật độ xe máy lớn, Việt Nam cũng có thể tham khảo việc áp dụng quy tắc rẽ trái hai giai đoạn ở các ngã tư rộng để giảm bớt áp lực tại một số nút giao thông, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Về tính khả thi của việc áp dụng quy tắc rẽ trái hai giai đoạn ở Việt Nam, chuyên gia giao thông Tiến sĩ Phan Lê Bình bày tỏ quan điểm:
“Đối với Việt Nam khi triển khai thì còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng ngã tư, lưu lượng phương tiện rẽ trái, rẽ phải. Do mỗi ngã tư có một đặc điểm khác nhau nên tôi nghĩ rằng ngay từ đầu khó có thể áp dụng đại trà mà trước mắt ở những nơi có thể áp dụng được, chúng ta có thể thí điểm, qua đó, dần dần nhân rộng lên để đến được cái đích cuối cùng là xác lập được mối quan hệ giữa việc xe đi thẳng cần được ưu tiên hơn so với xe rẽ trái”.
Tiến sĩ Phan Lê Bình còn cho biết thêm: Người tham gia giao thông ở nước ta hiện chưa nhận thức được dòng phương tiện đi thẳng có quyền ưu tiên cao hơn so với dòng phương tiện rẽ trái. Do đó, thường di chuyển lộn xộn, tạo ra tình trạng hỗn loạn tại các ngã tư khiến năng lực thông qua tại ngã tư thấp đi rất nhiều, từ đó dẫn tới ùn tắc giao thông. Do đó, việc thực hiện quy tắc rẽ trái hai giai đoạn là cần thiết.