Cầu Thanh Trì có nguy cơ trở thành điểm đen TNGT
Liên tiếp những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc do va chạm, TNGT diễn ra thường xuyên trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) khiến cây cầu này có nguy cơ trở thành điểm đen TNGT của Thủ đô.
Liên tiếp những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc do va chạm, TNGT diễn ra thường xuyên trên cầu Thanh Trì, Hà Nội. Không ít thời điểm xảy ra tai nạn liên hoàn giữa 3-4 phương tiện, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng và có nguy cơ biến cầu Thanh Trì thành điểm đen TNGT của Thủ đô Hà Nội.
Cầu Thanh Trì ùn tắc cục bộ do ảnh hưởng của vụ va chạm liên hoàn
Phản ánh đến VOVGT, nhiều người tham gia giao thông không khỏi lo lắng mỗi lần lưu thông qua cầu. Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Tiến Đức, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:
"Chúng tôi là một doanh nghiệp vận tải thường xuyên đi qua cầu Thanh Trì, đấy là điểm rất nóng về giao thông, chậm trễ, làm cho doanh nghiệp rất mất thời gian, tốn chi phí, đã có những lần bị phải bồi thường vì hợp đồng thời gian bị chậm trễ".
Không chỉ là sự chậm trễ, ùn tắc, mà cầu Thanh Trì cũng thường xuyên diễn ra va chạm, TNGT. Chỉ trong giờ cao điểm sáng 8/7, VOVGT đã ghi nhận 3 vụ TNGT xảy ra trên cầu Thanh Trì. Nhiều ngày trước đó, tình trạng tai nạn, va chạm giao thông cũng lien tục xảy ra khiến cầu Thanh Trì được coi là điểm đen về TNGT của Thủ đô Hà Nội.
Thừa nhận thực tế này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 110 nghìn lượt xe quy chuẩn lưu thông qua cầu Thanh Trì, gấp hơn 7 lần công suất thiết kế. Do lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, khoảng cách giữa các phương tiện quá gần, chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc một phương tiện bị sự cố, va chạm liên hoàn rất dễ xảy ra.
Hiện trường vụ xe tải tông nhau trên cầu Thanh Trì khiến hai người tử vong hôm 26/6. Ảnh: Tuổi trẻ
Từng nhiều năm theo dõi về lĩnh vực GTVT, Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tich Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch và hoạch định công suất thiết kế các công trình trọng điểm có vấn đề, dẫn đến quy mô xây dựng chưa phù hợp. Thêm vào đó, các tuyến đường và cầu khi lập dự án đều tính toán lưu lượng trên 20 năm, nhưng thông thường chỉ khoảng 10 năm đã mãn tải so với lưu lượng tính toán. Do vậy, việc tính toán công suất thiết kế đã không còn phù hợp.
"Cái đó phải có nghiên cứu để đổi mới phương pháp dự báo về tăng trưởng phương tiện khi lập dự án để làm sao đảm bảo lưu lượng và khả năng lưu thông của công trình phù hợp khi dự án đặt ra".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc xây dựng những công trình này đã có tính dự báo, nhưng dự báo chủ yếu chạy theo nhu cầu của người tham gia giao thông chứ chưa đạt mục tiêu về tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra quy hoạch, tầm nhìn của của ngành GTVT không theo kịp sự gia tăng của phương tiện giao thông.
"Chúng ta phải tính toán, có bài toán dự báo chính xác hơn. Quy hoạch đường cao tốc cũng vậy, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được dự báo chỉ 50-60 nghìn xe/ngày đêm, nhưng lúc cao điểm lên tới 120 nghìn xe/ngày đêm. Điều đó chứng tỏ sự tính toán không theo kịp thực tiễn do vậy, việc tính toán phải thêm hệ số an toàn mới đảm bảo yêu cầu thực tế khi nhu cầu".
Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược phát triển GTVT lại cho rằng, việc cầu Thanh Trì và một số cầu vượt sông trên địa bàn Hà Nội mãn tải là do việc đầu tư phát triển các khu đô thị, phân luồng kết nối các tuyến của các trục vành đai chưa đồng bộ, dẫn đến xảy ra ùn tắc. Quy hoạch vùng Thủ đô đã có vành đai 4, vành đai 5, song quy hoạch này chậm được thực hiện khiến lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì quá lớn. Để khắc phục tình trạng này cần sớm rà soát lại quy hoạch, đặc biệt là khâu dự báo về gia tăng lưu lượng phương tiện. Bởi sự phát triển của đô thị có tác động rất lớn đối với lượng phương tiện lưu thông quá cảnh cũng như đi vào nội đô của Hà Nội. Như vậy các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ mới tháo gỡ được cơ bản hiện tượng ùn tắc tại các vị trí cầu là đầu mối giao thông giữa Hà Nội và các địa phương khác.