Di chuyển thời công nghệ số: Tất cả dịch vụ vận tải trên 1 ứng dụng

23/03/2020 15:07 628

Số hóa dịch vụ nhằm giúp người dân tiếp cận hệ thống giao thông một cách thuận tiện nhất đang là xu hướng của nhiều thành phố trên thế giới.

Whim lần đầu ra mắt tại Helsinki, Phần Lan vào cuối năm 2017. Nhà cung cấp MaaS Global cho biết, ứng dụng của họ kết nối toàn bộ hệ thống giao thông trong thành phố, cho phép người dùng tìm kiếm, đặt chỗ cũng như thanh toán tất cả các dịch vụ vận chuyển chỉ trên 1 nền tảng. 

Khi lên kế hoạch cho chuyến đi, hành khách chỉ cần thanh toán trước sau đó chọn phương tiện di chuyển trên cả hành trình thông qua ứng dụng Whim.

Ngoài ra, với chi phí trọn gói 499 Euro mỗi tháng, người dùng có thể sử dụng giao thông công cộng không giới hạn, bao gồm xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm hay phà, được gọi taxi nếu di chuyển khoảng cách ngắn, giới hạn trong phạm vi 5km. Bên cạnh đó, hành khách cũng có thể sử dụng dịch vụ đi cùng ô tô hay xe đạp dùng chung.

Ông Oliver Sweeney, một chuyên gia phân tích kinh tế chia sẻ: “Ứng dụng này đưa ra một danh sách tùy chọn để người dùng tự quyết định. Tôi có thể đi cả hành trình bằng một loại phương tiện, nhưng cũng có thể lên taxi sau đó chuyển sang xe buýt, sang phà hay tàu điện ngầm. Trong tương lai sẽ có cả máy bay. Với Whim, mọi việc trở nên thực sự dễ dàng khi di chuyển từ điểm A đến điểm B. Tôi chỉ cần thanh toán và nhận ngay vé điện tử thông qua ứng dụng”.        

Với hơn 6 triệu chuyến đi được thực hiện thông qua Whim kể từ khi ra mắt, MaaS Global được trao 6 giải thưởng về sáng tạo trong công nghệ đi lại. Một nghiên cứu đầu năm 2019 cho thấy, nhờ sự tiện lợi của ứng dụng ‘tất cả trong một’, người dân ở Helsinki đã giảm 38% số lượt di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Số người sử dụng giao thông công cộng tăng từ 48 lên 73%. 

Ảnh minh họa

Sau thành công ở Phần Lan, MaaS Global cũng cung cấp dịch vụ tới một số thành phố châu Âu như Birmingham của Anh; Vienna, Áo hay Antwerp, Bỉ. Tháng 11 vừa qua, hãng công nghệ tuyên bố, huy động được khoản đầu tư 29,5 triệu Euro, trong đó Tập đoàn dầu khí BP của Anh đóng góp tới 10 triệu Euro. 

Ông Alexander Junge, Tổng Giám đốc Tập đoàn BP cho biết: “Chúng tôi tin khoản đầu tư vào MaaS Global thực sự hiệu quả. Các hãng công nghệ như MaaS Global chắc chắn sẽ là loại hình vận tải của tương lai”.

Đồng quan điểm này, ông Roy Williamson, phó Chủ tịch BP nhận định, Whim là ứng dụng siêu tiện lợi. Chỉ cần chiếc chìa kỹ thuật số duy nhất người dùng có thể mở khóa toàn bộ giao thông thành phố. 

Ứng dụng cũng đơn giản hóa kế hoạch di chuyển, tiếp nhận ưu tiên của hành khách để kết nối và sắp xếp phương tiện sao cho lý tưởng nhất với hành trình của họ: “Theo tôi, hành khách sẽ bị thuyết phục bởi dịch vụ công nghệ này. Họ sẽ không còn phải bận tâm việc bị gián đoạn khi chuyển từ phương tiện này sang loại phương tiện khác. Tôi nghĩ, trong vòng 5 năm tới ứng dụng này sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn”

Chia sẻ với tờ Nikkei, ông Sampo Hietanen, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành MaaS Global cho biết, với nguồn vốn dồi dào hiện có, MaaS Global tham vọng mở rộng sự hiện diện trên phạm vi toàn cầu, trước mắt là thị trường Mỹ. Trong năm 2020 hãng cũng có kế hoạch đưa Whim trở thành ứng dụng phổ biến tại Đông Nam Á và Nhật Bản.

Theo Bloomberg, mới đây, Tập đoàn Mitsubishi cùng Công ty dịch vụ tài chính của Toyota cũng quyết định đầu tư vào MaaS Global. Trong khi đó, Michinori cho biết, họ là doanh nghiệp vận tải đầu tiên tại Nhật thử nghiệm ứng dụng công nghệ dịch vụ di động toàn diện MaaS.

Còn tại Singapore, MaaS Global đang lên kế hoạch hợp tác với hãng taxi lớn nhất là ComfortDelGro. Các chính sách về giá và nội dung hợp tác khác dường như cũng mở rộng cửa cho Whim tiến vào thị trường này.

Ứng dụng công nghệ để đổi mới dịch vụ đang là xu thế chung của lĩnh vực vận tải thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, từ khi ra mắt thị trường Việt Nam, những ứng dụng gọi xe như Grab hay GO-VIET đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành vận tải, tạo thói quen di chuyển mới cho người dùng. 

Bên cạnh đó, nhằm giúp hành khách tiếp cận giao thông thuận tiện nhất, một số công ty Startup trong nước cũng đang tích cực phát triển ứng dụng thuần Việt cho phép người dùng đặt xe đường dài, xe du lịch trên toàn quốc. Tại hội thảo về giao thông công cộng tổ chức mới đây tại Hà Nội, ứng dụng Whim của MaaS Global cũng được một số diễn giả chính thức giới thiệu tới thị trường Việt Nam.

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, vận tải bản thân là ngành dịch vụ nên việc ứng dụng công nghệ đã được các nước tiên tiến ứng dụng hàng chục năm trước. Hiện nay Việt Nam thí điểm và triển khai là đi đúng theo xu hướng. Quốc gia nào chậm trễ thì sẽ bị bỏ lại phía sau.