Vé điện tử cho xe buýt - khó cũng phải làm 

29/08/2019 02:34 350

Mặc dù nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách cũng như nhân viên xe buýt, song cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn không ít bất cập cần khắc phục.

  Ưu và khuyết điểm của các hình thức thanh toán tự động này là gì? Và các đơn vị liên quan cần làm gì để có thể phổ biến rộng rãi trong tương lai?

Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng thẻ điện tử thông minh trên 9 tuyến xe buýt. Ảnh: Hà Nội mới

Đầu tháng 3 vừa qua, Tp.HCM đã triển khai thí điểm thanh toán tự động bằng thẻ dành cho hành khách sử dụng xe buýt công cộng. Theo đó hành khách khi đi lại bằng xe buýt có thể sử dụng thẻ thông minh (Unipass) hoặc quét mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Trước đó, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT số 1, với ưu điểm tích hợp nhiều ứng dụng như tự động kiểm soát, trừ tiền, xác định giá tiền của từng chuyến đi hay phục vụ cho từng đối tượng như khách phổ thông, khách ưu tiên.

Sau thời gian đầu triển khai, các hình thức thanh toán bằng vé điện tử, thẻ tự động đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ đông đảo hành khách cũng như nhân viên, lái xe phục vụ xe buýt.

"Việc thanh toán bằng điện tử sẽ giúp hạn chế thanh toán bằng tiền mặt thì khá là hay vì nhiều người đôi khi cũng không sử dụng tiền mặt".

"Em thấy nó sẽ nhanh hơn và đỡ được nhiều rủi ro khi bỏ tiền vô thùng bấm nút mà nhiều khi xe chạy nhanh bị rung lắc dễ dẫn đến té ngã".

"Khi có cái vé điện tử này thì việc thanh toán sẽ nhanh và tiện hơn, không cần phải mất khâu trung gian làm việc với nhân viên bán vé như trước nữa".

"Phải thừa nhận là cái này nó nhanh hơn không phải chờ đợi nhưng tui cũng băn khoăn là vé này có dùng chung với các tuyến khác không hay chỉ riêng tuyến này?"

"Nếu mà triển khai hình thức này thì em nghĩ các bạn học sinh đi xe buýt sẽ tăng hơn".

"Nếu có cái thẻ thông minh này để đi xe buýt đưa đón học sinh thì tụi em cũng yên tâm hơn vì thời gian, giờ giấc đưa đón các cháu về nhà cũng rõ ràng chính xác".

Ngay trong buổi sáng triển khai thanh toán tự động bằng thẻ, phóng viên VOVGT tại Tp.HCM đã đăng ký và được cấp thẻ Unipass khá dễ dàng. Với chiếc thẻ trong tay, chúng tôi dễ dàng thực hiện thao tác mua vé mà không phải qua khâu trung gian hay sử dụng tiền mặt. Không chỉ vậy, tài xế xe buýt cho biết việc thanh toán bằng thẻ giúp tài xế không bị mất tập trung như hình thức bán vé trước đây.

Ông Trần Trí Trung - Giám đốc trung tâm quản lý giao thông công cộng Tp.HCM khẳng định việc áp dụng các hình thức thanh toán tự động bằng thẻ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng là cần thiết. Nó giúp hành khách hạn chế sử dụng tiền mặt khi đi xe; giảm được số lượng người phục vụ trên xe buýt, tạo cơ sở cho hệ thống kinh doanh vận tải phát triển; hình thức này cũng giúp minh bạch, công khai về tài chính.

"Đầu tiên là sẽ tạo được sự tiện lợi cho người dân, không phải sử dụng tiền mặt để thanh toán bằng vé giấy, thủ công như hiện nay. Kết nối liên tuyến giữa các tuyến xe buýt với nhau cũng như trong tương lai sẽ kết nối sử dụng chung với các hệ thống như metro, buýt đường thủy cũng như buýt nhanh BRT".

Đi xe buýt dùng thẻ không phải trả tiền mặt. Ảnh: Sài Gòn đầu tư

Dù có khá nhiều ưu điểm song cũng có thể thấy các hình thức thanh toán tự động bằng vé điện tử hay thẻ thông minh vẫn chưa được triển khai rộng rãi trên quy mô lớn. Lý giải cho thực tế này, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế và quản lý Tp.HCM cho biết:

"Đầu tiên là khó khăn về kinh phí, tài chính. Hai là các  điểm để thực hiện. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thêm những hỗ trợ mạnh về mặt luật pháp để tránh những thủ tục chưa hợp lý dẫn đến chậm trễ trong quá trình triển khai".

Một trong những bất cập dễ nhìn thấy nhất là hiện nay vẫn chưa có sự liên thông giữa các loại hình vận tải cũng như chưa có sự liên thông thanh toán giữa hoạt động vận tải và các loại hình thanh toán khác trong xã hội. Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Khương Kim Tạo phân tích thêm:

"Nếu muốn giải quyết vấn đề thì chúng ta phải liên thông chứ một người bỏ trong túi cả 1 bó thẻ thì không mấy ai hài lòng. Chúng ta nên nghiên cứu để làm thế nào thẻ đó giống như thẻ nhà băng, không riêng gì cho xe buýt mà có thể dùng cho cả tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, các bãi đỗ xe và tất cả các hoạt động khác của xã hội để có có thể nâng cao hiệu quả quản lý xã hội một cách minh bạch hơn".

Đại diện của các trung tâm quản lý giao thông công cộng của Hà Nội và Tp.HCM đã khẳng định trong tương lai gần, các loại thẻ dùng để thanh toán cho xe buýt sẽ có thể dùng để mua vé cho BRT, metro, buýt đường sông…và cả các giao dịch cơ bản khác. Tuy nhiên, với những bất cập trong quản lý và pháp lý như hiện nay thì không dễ để người dân có thể sở hữu một chiếc thẻ thanh toán xe buýt n trong 1.

Khó cũng phải làm

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân khiến cho việc triển khai vé điện tử hay thẻ thanh toán tự động trong hoạt động vận tải hành khách công cộng trong thời gian qua. Đó là sự thiếu liên kết trong chính loại hình vận tải hành khách công cộng; sự thiếu mặn mà của một bộ phận hành khách và cả những lỗ hổng trong chính sách quản lý hiện nay.

Điều cần thiết lúc này là sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của ngành giao thông để có thể vượt qua những rào cản này, qua đó mở một bước ngoặc quan trọng đưa hệ thống giao thông công cộng đi lên. 

Hành khách chỉ cần lên xe, chạm nhẹ thẻ vào đầu đọc thẻ là hoàn thành quy trình thanh toán. Ảnh: Lao động

Với mục tiêu thu hút ngày càng đông người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, giảm thểu phương tiện cá nhân qua đó kéo giảm ùn tắc giao thông, các đô thị lớn của nước ta như Hà Nội và Tp.HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạng lưới vận tải hành khách công cộng như nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới đoàn phương tiện, và nhất là tổ chức triển khai thí điểm các loại hình thanh toán tự động bằng vé điện tử hay thẻ thông minh.

Vé điện tử hay thẻ thanh toán tự động đã được triển khai khá phổ biến tại nhiều quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển trên thế giới. Không chỉ là giải pháp để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, giảm thiểu chi phí và nhân lực, minh bạch trong quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng các loại hình dịch vụ vận tải công cộng.

Tuy nhiên không khó để nhận ra sự lúng túng của các địa phương khi việc triển khai các loại hình thanh toán tự động cho xe buýt chỉ dừng ở mức thí điểm mà chưa thể phổ biến rộng rãi.

Để tháo gỡ những bất cập này, cần lắm sự tham gia tích cực hơn nữa từ chính những hành khách đang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại và sự sự quyết tâm cao độ không chỉ của ngành giao thông mà còn cả ngành tài chính, ngân hàng. Cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện khung chính sách, chuẩn bị về hạ tầng trang thiết bị, phân phối, thanh toán và kiểm soát thẻ.

Bên cạnh đó, cần dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động về tuyên truyền giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về thẻ thông minh và những lợi ích của nó.  

Song song đó cũng cần cân nhắc tới các kênh, các phương thức phát hành thẻ trong xã hội để đảm bảo nhu cầu rất khác nhau của các đối tượng sử dụng.

Ngoài ra phải quan tâm đào tạo cho lực lượng quản lý và cung cấp dịch vụ thẻ thông minh, bao gồm cả các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan quản lý. Không quên xây dựng các chế tài để xử lý các trường hợp làm vé giả cũng như nâng cao năng lực của lực lượng kiểm tra xử lý.

Đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng là chương trình hành động quan trọng trong kế hoạch tổng thể về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của cả TP HCM lẫn thành phố Hà Nội.

Và nếu muốn sở hữu một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đủ sức thay thế cho phương tiện cá nhân thì chắc chắn các nhà quản lý sẽ phải tìm lời giải cho rất nhiều bài toán khó trong đó có phương thức thanh toán tự động.

Không dễ để vé điện tử hay thẻ thanh toán tự động cho xe buýt thay thế vé giấy thủ công trong một sớm một chiều. Nhưng không vì thế mà chậm trễ trong việc đưa các loại hình thanh toán này vào thực tế.

Bởi đây chính là chìa khóa đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm phương tiện cá nhân và hạn chế ùn tắc giao thông