Chuyển đổi toa tàu thành khu cách li và điều trị bệnh nhân COVID-19
Trong thời gian dừng hoạt động do lệnh phong tỏa, ngành đường sắt Ấn Độ hoán cải khoảng 20.000 toa tàu thành các khu vực cách ly và điều trị
Sau khi Ấn Độ công bố lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 25/3, ngành đường sắt có động thái chưa từng có khi tạm đình chỉ tất cả các chuyến tàu chở khách đến 03/5. Đây là lần đầu tiên sau 167 năm, mạng lưới đường sắt chở khách lâu đời nhất châu Á tạm dừng hoạt động.
Lệnh phong tỏa khiến gần 67.368 km đường ray tạm thời bị ngưng sử dụng và hàng ngàn chuyến tàu chở khách cũng bị đóng băng.
Tuy nhiên, các nhà ga được chuyển đổi trở thành các điểm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người nghèo. Các toa tàu được cải tiến thành các khu vực cách ly và điều trị cho những ca nhiễm Covid-19 nhẹ.
Với quyết định này, Ấn Độ có 125 bệnh viện dã chiến trải dài khắp đất nước.
Các bệnh viện sẽ sử dụng các toa tàu như các khu cách ly tạm thời cho bệnh nhân COVID -19 thể nhẹ. Ảnh: CNN
Ông Dipen Barman, kỹ sư đường sắt Ấn Độ cho biết: Việc trưng dụng các đoàn tàu có thể giúp giảm bớt về áp lực giường bệnh nếu số lượng bệnh nhân Covid 19 bắt đầu tăng lên: “Chúng tôi không chắc là hệ thống bệnh viện có đủ cho các bệnh nhân cần chữa trị hay không, vì vậy chúng tôi đang tiến hành chuyển đổi các toa tàu thành khu cách ly nhằm đối phó với dịch Covid 19. Một toa tàu có thể chứa 9 bệnh nhân”.
16 khu vực đường sắt tại Ấn Độ đã được yêu cầu kiểm tra các toa xe không có điều hòa và không còn chở khách để chuyển đổi thành những bệnh viện dã chiến và sẵn sàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Cơ quan Đường sắt Ấn Độ được hỗ trợ 9,5 tỉ rupee (gần 3.000 tỉ đồng) để chuyển đổi các toa tàu thành bệnh viện dã chiến. Chi phí chuyển đổi mỗi toa tàu thành phòng bệnh là 200.000 rupee (hơn 60 triệu đồng) và chi phí chuyển đổi ngược lại sau khi dịch bệnh kết thúc là 100.000 rupee (hơn 30 triệu đồng).
Tính đến ngày 7/4, khoảng 2.500 toa tàu hoàn tất quá trình chuyển đổi, với 40.000 giường bệnh, trong khi công việc chuyển đổi vẫn tiếp tục diễn ra ở 133 nhà ga trong cả nước.
Các đoàn tàu cũ sẽ được sử dụng thành khu cách ly COVID-19. Ảnh: CNN
Rajesh Dutt Bajpai, Giám đốc điều hành Hội đồng Đường sắt Ấn Độ cho biết, 5.000 toa tàu cách ly đầu tiên sẽ sẵn sàng trong tháng này. Trong trường hợp cần thiết, sẽ có nhiều toa tàu hơn nữa được chuyển đổi thành nơi điều trị trong vòng 48 giờ.
Không gian trong mỗi toa tàu còn được sắp xếp lại để có hai nơi nghỉ ngơi riêng cho một y tá và một bác sĩ.
Ông Sanjay Chatterjee, nhân viên cao cấp Đường sắt Đông Nam, cho biết: “Trong các toa tàu, chúng tôi sẽ loại bỏ các giường ngủ ở giữa. Một trong 4 nhà vệ sinh của mỗi toa sẽ được đóng lại và chuyển đổi thành phòng tắm có vòi hoa sen. Ở đây chúng tôi cũng trang bị các giá giữ chai nước mới, túi đựng tạp chí dùng để giữ các báo cáo. Bên cạnh đó, chúng tôi lắp lưới chống muỗi từ bên ngoài cửa sổ”.
Các bệnh viện dã chiến di động này sẽ được đưa đến bất kỳ địa điểm nào đang gặp áp lực về giường bệnh. Cơ quan y tế địa phương sẽ cử y bác sĩ và các tình nguyện viên vận hành các bệnh viện dã chiến được cải tạo từ các toa tàu.
Học tập Ấn Độ, công ty đường sắt quốc gia Pakistan cũng chuyển đổi tất cả các toa thương gia thành phòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giúp cung cấp thêm hàng ngàn giường bệnh trong bối cảnh các bệnh viện địa phương đang quá tải.
Tổng cộng khoảng 220 khoang tàu đã được trang bị đặc biệt để tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân, mỗi khoang có 9 giường.
Một phòng bệnh trên tàu hỏa ở Pakistan. Ảnh: Twitter
Được biết, Pakistan đã buộc phải đình chỉ hoàn toàn dịch vụ chở khách bằng đường sắt khi dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ có xe chở hàng thiết yếu và chở thực phẩm tiếp tục được phép hoạt động.
Trong khi đó, tại Anh, một nhóm vận động có tên Caircraft đã đưa ra đề xuất: những máy bay chở khách có sức chứa lớn như A380 và A340 trong thời gian không được sử dụng vì lệnh hạn chế di chuyển có thể hoán cải làm nơi chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân mắc Covid 19 trong vòng 7 – 10 ngày.
Theo thiết kế, mỗi máy bay sẽ có sức chứa khoảng 100 – 150 giường bệnh tùy vào kích thước. Hiện nhóm đang chờ sự hỗ trợ của chính phủ để đầu tư và cùng phối hợp thực hiện.
Qua câu chuyện trên, chúng tôi muốn quý thính giả thấy được không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều đang phải từng ngày từng giờ nỗ lực ứng phó trước sự nguy hiểm của dịch Covid-19.
Việt Nam đang khống chế dịch bệnh rất tốt nhờ sự đồng lòng, ủng hộ chủ trương giãn cách xã hội của nhân dân, tuân thủ tốt các quy định về phòng chống dịch. Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày càng nhiều, chiếm trên 80%. Các biện pháp của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Hi vọng với sự quyết tâm, chung tay của chính phủ và toàn dân, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại bình thường.