Quản lý GPLX: Bị trừ hết điểm vẫn được lái xe, tại sao?
Trừ điểm bằng lái với những trường hợp vi phạm giao thông là cách làm đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng
Theo kinh nghiệm của một số nước, việc quản lý giấy phép lái xe bằng điểm đã chứng minh hiệu quả khi giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Tại Anh, điểm của mỗi tài xế không thể hiện trên giấy phép lái xe mà lưu trong hồ sơ bằng lái. Khi cảnh sát ra quyết định xử phạt, điểm phạt được cập nhật và hiển thị ngay trên hệ thống dữ liệu do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Cảnh sát hay tài xế ở bất cứ địa điểm nào trên khắp nước Anh, chỉ cần tải một ứng dụng, điền đầy đủ thông tin là có thể tra cứu.
Ông Rohan Gye, thuộc Cơ quan Cấp giấy phép phương tiện và người lái cho biết: “Trước đây nếu muốn biết thông tin bằng lái, bạn phải gọi điện hoặc gửi đơn yêu cầu cho Cơ quan chức năng. Quá trình này thường mất rất nhiều thời gian. Hiện nay, người dùng chỉ cần tải ứng dụng, điền đầy đủ thông tin là có thể truy cập dữ liệu”
Việc thông tin được cập nhật trực tuyến là công cụ hữu hiệu, giúp cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu điểm bằng lái tại bất kỳ thời điểm nào. Nhờ đó, cảnh sát giao thông có thể đưa ra ngay quyết định xử phạt, thậm chí phạt nguội, nếu phát hiện ai đó điều khiển phương tiện khi giấy phép lái xe không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, quy định trừ điểm bằng lái vẫn tồn tại bất cập, khiến không ít tài xế lợi dụng để ‘lách luật’.
Số liệu gây sốc do tờ Daily Mail tiết lộ cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, hơn 10.500 tài xế tại Anh, dù bị trừ hết 12 điểm bằng lái, vẫn vô tư lái xe trên đường. Trong số này, gần 1.800 người là phụ nữ và hơn 8.700 nam giới. Đặc biệt, có tài xế bị trừ tới 66 điểm nhưng không bị tước quyền lái xe.
Hơn 10.500 tài xế tại Anh, dù bị trừ hết 12 điểm bằng lái, vẫn vô tư lái xe trên đường
Lý giải điều này, các chuyên gia đã chỉ ra kẽ hở trong hệ thống pháp lý. Theo quy định tại Anh, khi tài xế vi phạm giao thông, điểm trừ sẽ lưu trên hồ sơ trong 4 năm, với các lỗi nặng điểm phạt có thể tồn tại tới 11 năm. Tuy nhiên, nếu tài xế chứng minh thành công trước tòa rằng, việc bị tước quyền lái xe có thể khiến họ rơi vào tình cảnh ‘khó khăn đặc biệt’, các thẩm phán sẽ miễn trừ quy tắc 12 điểm và không thu hồi bằng lái.
Ông Rod Dennis, chuyên gia an toàn giao thông cho rằng, việc để các tài xế bị trừ quá 12 điểm tiếp tục lái xe là sự nhạo báng đối với hệ thống pháp luật: “Thật kinh khủng khi biết rằng những tài xế yếu kém và thường xuyên vi phạm vẫn được phép ngồi sau vô lăng”
Điều đáng nói, Luật pháp tại Anh không định nghĩa chặt chẽ thế nào là hoàn cảnh ‘khó khăn đặc biệt’. Một số lý do quen thuộc mà các tài xế thường đưa ra là: đang phải chăm sóc người thân bị bệnh, hay đang phụ thuộc vào phương tiện để kiếm sống... Nhiều ý kiến cho rằng, việc ra quyết định theo quan điểm cá nhân của thẩm phán có thể xuất hiện cơ chế ‘xin cho’, đồng thời là kẽ hở để các tài xế ‘lách luật’. Theo tờ Mirror, năm 2019, một tài xế 33 tuổi tại Bradford, vẫn ung dung lái xe trên đường dù bị trừ tới 78 điểm bằng lái.
Trong khi đó, ông John Bache, người phát ngôn Hiệp hội thẩm phán khẳng định, mỗi quyết định miễn trừ thu hồi giấy phép lái xe đều được cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét từng trường hợp cụ thể.
Các chuyên gia pháp lý thì cho rằng, khái niệm tình cảnh ‘khó khăn đặc biệt’ đang bị lạm dụng. Ngoài ra, việc để những tài xế thường xuyên vi phạm lưu thông trên đường còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Hiện nhiều tổ chức đang kêu gọi chính phủ Anh sớm đưa ra giải pháp ngăn chặn kẽ hở này.
Với đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe nêu trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, những ý kiến ủng hộ cho rằng, cách làm này đảm bảo tính răn đe, đồng thời nâng cao ý thức tài xế. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại, tiêu cực có thể nảy sinh, đặc biệt khi giấy phép lái xe sắp hết điểm.
Chị Nguyễn Minh Hằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy rất hay, nhưng quan trọng là làm sao chống triệt để được tiêu cực. Bởi càng sát giới hạn hết điểm, nhiều tài xế sẽ sẵn bỏ số tiền lớn để tránh bị tước bằng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là lực lượng CSGT phải thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ, không nhận lót tay, hay bất cứ hành vi xin xỏ nào, đồng thời đẩy mạnh việc phạt nguội… Bên cạnh đó, cần xử lý thật nghiêm cả người vi phạm và CSGT nếu xuất hiện tình trạng tiêu cực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Có thể bạn thích
-
Ngưng bán SIM điện thoại qua đại lý, người dân mong dịch vụ tốt hơn
-
Trương Vĩnh Ký: Nhà văn hóa lỗi lạc và tiên phong
-
Bạn gái không bao giờ đăng ảnh tôi lên mạng xã hội
-
Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm dừng bay đối với gần 20 phi công Pakistan
-
Tam sinh tam thế - Chẩm thượng thư - Phần 3 - Chương 2