Học lại, thi lại nếu bị tước GPLX nhiều lần: Hệ thống dữ liệu cần đáp ứng ra sao?

14/05/2020 11:08 573

Lái xe bị tước bằng 4 lần trong 3 năm hoặc tổng thời gian tước bằng 24 tháng sẽ phải học lại, thi lại

Bộ GTVT đề xuất nội dung này tại dự thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông...

Liệu hệ thống cơ sở dữ liệu của các lực lượng chức năng đã sẵn sàng cho việc thực hiện hay chưa, nếu đề xuất được chấp thuận? 

Theo khoản 5, Điều 107, dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ bổ sung quy định theo dõi số lần bị tước giấy phép lái xe.

Theo đó, nếu bị tước quyền sử dụng bằng lái từ 4 lần trở lên trong 3 năm hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 24 tháng sẽ bị thu hồi và phải học lại, thi lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt để được cấp giấy phép lái xe mới. Chia sẻ với VOVGT, nhiều người tham gia giao thông bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này:

"Đúng là theo như thế thì đánh vào ý thức của lái xe, để lái xe nâng cao tầm lên, ít xảy ra tai nạn hơn".

"Đưa ra hình phạt như thế thì họ sẽ đi cẩn thận hơn và không mắc, phạm lỗi giao thông, đơng nhiên sẽ đi cẩn thận hơn để không bị phạt".

"Quy định đó làm cho người tham gia giao thông có ý thức khi tham gia giao thông. Đấy là điều quan trọng và cơ bản của Luật đấy thôi. Thức là có những quy định, chế tài đấy là đúng để người tham gia giao thông khi đi ô tô, xe máy trên đường có ý thức hơn".

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, quy định tịch thu bằng lái, buộc học lại, thi lại với người bị tước giấy phép lái xe nhiều lần là cần thiết.

Bởi với những lái xe chỉ trong một thời gian ngắn nhưng vi phạm nhiều lần thì không đảm bảo điều kiện an toàn khi tham gia giao thông, và cần có chế tài mạnh mẽ để hoạt động giao thông đi vào nề nếp. Ông Quyền cho rằng

"Nếu trong luật quy định thế thì để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thì các cơ quan được phân công chức năng nhiệm vụ người ta sẽ phải hoàn thiện lại để đáp ứng yêu cầu của Luật".

Nói về cơ sở dữ liệu phục vụ việc thực thi, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN- đơn vị tham gia soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cho biết, hiện nay, dữ liệu tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đã được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm của Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT.

Cụ thể, đến nay có khoảng 450 nghìn trường hợp bị tước giấy pháp lái xe, trong đó có khoảng 1.700 trường hợp bị tước từ 4 lần trở lên. Do vậy,theo ông Thống, quy định mới có hiệu lực sẽ tăng sức răn đe đối với hành vi vi phạm:

"Việc tước quyền sử dụng GPLX hiện nay đang được cập nhật vào phần mềm quản lý của 2 cơ quan. Khi cấp lái GPLX thì ngành GTVT sẽ tra cứu trên cở sỡ dữ liệu để phát hiện những trường hợp nào bị tước GPLX hoặc số lần, hoặc thời gian bị tước GPLX để xử lý theo quy định".

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu về người vi phạm đã được Cục CSGT xây dựng và liên tục cập nhật. Ngoài dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Công an cũng vừa công bố dự thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT, trong đó đề ra biện pháp trừ điểm đối với các hành vi vi phạm để có được giải pháp quản lý chặt chẽ đối với người lái xe:

"Anh ta sẽ luôn luôn nghĩ đến việc là anh ta đã vi phạm và anh ta sẽ phải không vi phạm nữa để giữ được quyền sử dụng giấy phép lái xe của mình. Tức là tạo cho anh ta một ý thức, một áp lực để lúc nào anh ta cũng phải chấp hành quy định của pháp luật".

Tán thành các giải pháp đặt ra để tăng cường quản lý, giám sát đối với tài xế, song thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, dữ liệu về tình trạng vi phạm của tài xế chỉ giải quyết được một phần trong việc tích hợp dữ liệu chung về ATGT.

Theo ông Tuấn, hiện nay dữ liệu của 3 bên; CSGT, GTVT, Y tế cần được thống nhất và phải có cơ chế cập nhật, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành:

"Công an chủ yếu thống kê ngoài hiện trường, nhưng thiệt hại về người và tài sản đôi khi nó lại phát sinh trong quá trình sau đó, tức là bên y tế. Giao thông là đơn vị đầu mối để xử lý vấn đề về an toàn giao thông, họ phải biết về vấn đề nguyên nhân, thiệt hại, từ đó họ mới đề ra được biện pháp giảm thiểu tai nạn. Như thế bắt buộc phải có hệ thống cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung".

Các ý kiến cũng cho rằng, việc đề ra các giải pháp tăng cường quản lý đối với đội ngũ tài xế là cần thiết. Khi Luật được thông qua sẽ là tiền đề để các bên liên quan tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về ATGT mang tầm quốc gia cũng như trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong việc xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu này phục vụ mục tiêu quản lý chung.

Để bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tài xế ít nhất có 2 lần vi phạm lỗi bị tước giấy phép lái xe, trong đó có 1 lỗi bị tước giấy phép lái xe với thời gian dài nhất

Việc yêu cầu người vi phạm phải học lại, thi lại khi bị tước giấy phép lái xe nhiều lần được đánh giá là sẽ có giá trị lớn trong cải thiện ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Hệ thống dữ liệu hiện tại cũng có thể thực thi.

Song dưới góc nhìn của VOVGT, hệ thống cơ sở dữ liệu này mới chỉ là phần ngọn để xử lý người vi phạm, trong khi để hoạch định chính sách đảm bảo TTATGT, cần hệ thống dữ liệu về ATGT trên phạm vi rộng hơn:

Cơ sở dữ liệu ATGT: Không chỉ là “bộ lọc”

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đưa ra quy định buộc tài xế bị tước giấy phép lái xe nhiều lần đang nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận. Bởi lâu nay, việc xử phạt rất ít khi truy xuất lại lịch sử vi phạm của từng tài xế.

Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 có quy định 61 hành vi vi phạm mà ngoài bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 24 tháng, trong đó, có 4 hành vi vi phạm bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, gồm: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Ngoài ra, những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Nhưng với những trường hợp này, hình phạt bổ sung thường được áp dụng là tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Điều này cho thấy, để bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tài xế ít nhất có 2 lần vi phạm lỗi bị tước giấy phép lái xe, trong đó có 1 lỗi bị tước giấy phép lái xe với thời gian dài nhất. Khi họ cố tình vi phạm những lỗi này một cách liên tiếp, thì quy định buộc phải học lại, thi lại sẽ trở thành “màng lọc” loại dần những tài xế coi thường pháp luật.

Tuy vậy, như nhiều chuyên gia bày tỏ, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về tình trạng vi phạm của lái xe để buộc tài xế học lại, thi lại có lẽ là chưa đủ. Yêu cầu về một hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông chia sẻ, dùng chung cho các cơ quan quản lý đã được Ủy ban ATGTQG đặt ra từ lâu.

Dữ liệu này không chỉ là tình trạng vi phạm của tài xế, mà bao gồm cả phương tiện và người lái, đến điều kiện hạ tầng và thực trạng TNGT. Chỉ riêng về người lái, dữ liệu không chỉ là tình trạng vi phạm, mà cả lý lịch của tài xế kể từ khi được cấp giấy phép lái xe, quá trình hoạt động lái xe cá nhân hay xe kinh doanh vận tải… mà ở đó có sự đóng góp công sức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như: Công an, GTVT, Y tế, Bảo hiểm.

Có một kinh nghiệm hay mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, đó là ngoài chế tài của các cơ quan thực thi công vụ, còn có công cụ kinh tế, vừa là động lực, vừa là khuyến khích người lái xe chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT. Đó là tài xế càng lái an toàn thì càng được giảm mức đóng bảo hiểm.

Ngược lại những tài xế nào có vi phạm, có tiền sử gây tai nạn hoặc có hành vi vi phạm TTATGT thì phải đóng mức bảo hiểm cao hơn chứ không phải cào bằng như hiện nay.Song, kinh nghiệm đó cũng chỉ có thể áp dụng khi cơ sở dữ liệu về vi phạm giao thông đã liên thông với Bảo hiểm.

Chưa kể, rất nhiều yêu cầu khác về đánh giá thực trạng, về nghiên cứu khoa học, về xác định căn cứ và định hướng cho công tác hoạch định chính sách... cũng đều cần bám sát một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và được cập nhật liên tục. Do vậy, để làm được điều này, dữ liệu xây dựng từ một ngành là không đủ, và sẽ càng khó khăn nếu thiếu sự chia sẻ, dùng chung. 

Ngoài ra, để dự thảo quy định buộc phải học lại thi lại nếu bị tước bằng lái nhiều lần-cũng như nhiều quy định tới đây có thể triển khai và mang lại hiệu quả thì việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cũng cần có lộ trình cụ thể, công khai và bám sát lộ trình đó, để tránh tình trạng quy định chờ dữ liệu, hoặc đã lạc hậu so với dữ liệu./.