Camera phạt nguội: Cần hành lang pháp lý thống nhất

17/02/2020 14:58 622

Những năm gần đây, TP. HCM đẩy mạnh “phủ sóng” mạng lưới camera giám sát trên toàn thành phố

Từ lâu, TP.HCM đã triển khai khảo sát, lắp đặt, vận hành hơn 1.200 carmera. Bước đầu đã mang đến lợi ích thiết thực, phục vụ sự phát triển của đô thị. Trước tiên, là hiệu quả trong việc theo dõi giám sát, điều hành, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến mạng lưới giao thông TP. 

Từ khi hệ thống camera được chú trọng đầu tư, các cơ quan hữu quan đã thuận tiện hơn trong việc đưa ra những cảnh báo, kết nối nhanh chóng, phối hợp giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời.

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết: 

“Có kết nối các thiết bị để phát hiện vi phạm phương tiện giao thông trên đường. Qua đó kết nối dữ liệu trực tiếp với Phòng CSGT CA Đường bộ Đường sát TP HCM để trích xuất, phục vụ công tác xử lý”.

Rõ ràng, từ khi đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giao thông thông minh với 775 camera giám sát liên tục, đã giúp lực lượng chuyên ngành sớm đưa ra được các biện pháp xử lý sự cố đảm bảo nhu cầu đi lại, mang đến lộ trình an toàn, thuận tiện cho người dân. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định vai trò của Trung tâm điều hành giao thông thông minh cùng hệ thống camera:

“Trung tâm thể hiện việc chúng ta có thể làm chủ công nghệ. Nếu Trung tâm này đóng cửa, giao thông TP rối loạn ngay lập tức”.

Không chỉ là hiệu quả về việc điều hành, quản lý mạng lưới giao thông TP, hệ thống camera còn được mở rộng khai thác các tiện ích khác, như góp phần khắc phục các điểm nóng về an ninh – trật tự, giám sát các cơ sở giáo dục, xử lý các hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường. 

Thống kê sơ bộ, đến tháng 12/2019 TP.HCM đã lắp thêm được 21.900 camera giám sát toàn thành phố, qua đó, xử lý gần 7.000 trường hợp vi phạm bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền lên đến 48 tỷ đồng; góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt thành phố. Ông Nguyễn Trọng Nhân - Chuyên viên phòng Môi trường UBND phường Đông Hưng Thuận quận 12 TP. HCM chia sẻ:

“Kể từ khi lắp đặt cái hệ thống camera này thì cái việc phát hiện, xử lý, dễ dàng hơn, tốt hơn. Cái tình trạng vứt rác, xả rác cũng hạn chế”.

Được biết, theo đề án Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung được Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) xây dựng, trình UBND TP HCM, từ nay đến năm 2025, khoảng 10.000 camera giám sát sẽ được lắp khắp các tuyến đường và khoảng 1.000 - 3.000 camera gắn ở những khu vực trọng điểm do Công an TP quản lý, tổng kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng.

Sở TT&TT sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố thực hiện theo từng công đoạn. Toàn bộ mạng lưới camera trên sẽ được kết nối đồng bộ và phân quyền quản lý theo từng cấp độ nhằm tăng cường giám sát để xây dựng trật tự xã hội, phục vụ người dân.

Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống camera rộng khắp cũng làm dấy lên những lo ngại và tranh luận trái chiều. Giữa tháng 1/2020, tại buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong với tất cả lãnh đạo phường, xã, thị trấn của thành phố, ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND Phường 14 (quận Tân Bình) cho rằng, rất khó khăn, thậm chí không thể “phạt nguội” các hành vi xả rác, phóng uế ghi nhận từ camera. 

Đồng thời, bà Bùi Thị Hồng Quế (Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh) cũng đề cập đến việc dù bà con hưởng ứng rất nhiệt tình việc cùng nhà nước lắp đặt giám sát an ninh song kinh phí bảo trì, sửa chữa camera hư hỏng lại rất khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng, chức năng của hệ thống camera.

Thực tế, việc lắp đặt và vận hành, khai thác chức năng của hệ thống camera được nhiều người dân tán thành, song cũng không ít nghi ngại được đặt ra, rằng camera chưa chắc đã là “mắt thần”:

“Các nước bạn thì việc lắp camera này có từ lâu rồi đó chớ tôi thấy thành phố cũng có camera mà chưa khai thác gì nhiều, chủ yếu thấy phục vụ giao thông hay phá án gì thôi. Còn như là phạt xả rác, hay các ứng dụng khác thì tôi chưa thấy mà cũng chưa nghe ai bị phạt”.

“Lắp camera mà phục vụ đời sống người dân thì tui tin dân ủng hộ, mà lắp làm sao cho đồng bộ chớ nhiều vụ lắp camera tui thấy lùm xùm quá. Lắp toàn tiền tỉ thì người dân sẽ đặt kỳ vọng nhiều… Phạt nguội cũng có mà số vụ bị phạt không tương xứng gì hết”.

“Tôi thấy lắp đặt camera là cần thiết nhưng để xứng đáng tiền tỉ bỏ ra tôi nghĩ phải có thưởng phạt rõ ràng từ các hành vi ghi lại. Chứ lắp đặt tiền tỉ, được có thời gian đầu, lúc sau tôi không thấy ai sợ bị phạt nguội hết!”

Nhiều camera chỉ lắp ở độ cao từ 8-10 m, gây hạn chế trong quan sát, chất lượng camera chưa thống nhất; tồn tại sự chênh lệch về về mật độ và số lượng tại các địa bàn… dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi “có cũng như không”

Nhiều camera chỉ lắp ở độ cao từ 8-10 m, gây hạn chế trong quan sát, chất lượng camera chưa thống nhất; tồn tại sự chênh lệch về về mật độ và số lượng tại các địa bàn… dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi “có cũng như không”

Đề án lắp đặt hệ thống camera trên toàn thành phố có nguồn kinh phí không nhỏ, song làm gì để hệ thống camera thực sự là “mắt thần”, trở thành công cụ đắc lực phục vụ sự phát triển chung của thành phố? 

Cần hành lang pháp lý thống nhất

Việc triển khai lắp đặt và khai thác chức năng của hệ thống camera trên toàn thành phố HCM bước đầu nhận được sự ủng hộ từ người dân là một tín hiệu đáng mừng. Bởi rõ ràng, việc nhân rộng thiết bị, kết nối tiến đến quản lý hệ thống camera tập trung sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu rộng khắp; phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực mà trước nay đã có nhưng kém hiệu quả hoặc chưa từng được khai thác. 

Tuy nhiên, để hệ thống camera trở thành cụ đắc lực cho việc dự báo, phát hiện kịp thời và xử lý các vấn đề trong sự phát triển chung của thành phố là việc không hề đơn giản. Bởi hệ thống camera hiện nay chưa được khai thác hiệu quả và triệt để. Theo đó, hệ thống camera giao thông hiện còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ về chất lượng lẫn số lượng: 

Nhiều camera chỉ lắp ở độ cao từ 8-10 m, gây hạn chế trong quan sát, chất lượng camera chưa thống nhất; tồn tại sự chênh lệch về về mật độ và số lượng tại các địa bàn… dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi “có cũng như không”. Điều này dẫn đến việc lãng phí và nguy cơ tạo thêm gánh nặng cho thành phố trong việc bảo trì, sửa chữa hệ thống “mắt thần” trên, đòi hỏi một kế hoạch mang tính khả thi cao, đưa đề án vào thực tiễn một cách minh bạch, hiệu quả. 

Mặt khác, cũng cần chú ý đến việc kết nối dữ liệu đồng bộ, hiệu quả từ các cơ quan, ban ngành. Hiện việc quản lý dữ liệu tập trung từ hệ thống camera đã bộ lộ khuyết điểm từ việc thiếu chuẩn kết nối và các tiêu chí kỹ thuật của camera giám sát; công nghệ phân tích hình ảnh nâng cao sử dụng trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu chưa cao. 

Một vấn đề được nhiều người quan tâm và khiến lực lượng chuyên ngành ở nhiều địa phương lúng túng, gặp nhiều trở ngại là việc thiếu hành lang pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm. Hiện chỉ có ngành công an và một số đơn vị chức năng có thẩm quyền sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý, xử phạt. 

Nhiều địa phương cho biết, vì thiếu hành lang pháp lý, nhiều trường hợp dù có tư liệu ghi nhận hành vi vi phạm cụ thể song chỉ dừng ở việc nhắc nhở, răn đe. Chính sự “đánh trống, bỏ dùi” trong xử lý rốt ráo, nghiêm minh vi phạm đã khiến không ít người dân chẳng mặn mà với việc được vận động tham gia xã hội hóa, nhân rộng hệ thống camera như đã đề cập. 

Do đó, đã đến lúc, Chính phủ cần ban hành Nghị định xử phạt bằng hình ảnh đối với các vi phạm về giao thông làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình phạt nguội với các vi phạm lĩnh vực khác. 

Phải khẳng định khi nào văn bản này được ban hành, “phạt nguội” mới “không nguội”, chứng minh được tính răn đe và thượng tôn của pháp luật, đưa hệ thống camera giám sát trở thành “mắt thần” sáng rõ, mang đến lợi ích thiết thực kiến thiết TP. HCM trở thành đô thị thông minh, sáng tạo trong thời gian gần.