Không vì virus Corona mà kiểm tra nồng độ cồn ‘chùng’ xuống
Từ hiệu quả cũng như tầm quan trọng của công tác này, cơ quan chức năng khẳng định sẽ không vì dịch cúm mà việc kiểm tra nồng độ cồn bị chùng xuống.
Sau một tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho thấy, không chỉ TNGT được kéo giảm mà quan trọng hơn là đã góp phần quan trọng giúp thay đổi thói quen về lựa chọn phương án giao thông của người dân sau khi sử dụng rượu bia.
Không vì Virus Corona mà kiểm tra nồng độ cồn "chùng" xuống
Sau một tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho thấy, không chỉ TNGT được kéo giảm mà quan trọng hơn là đã góp phần quan trọng giúp thay đổi thói quen về lựa chọn phương án giao thông của người dân sau khi sử dụng rượu bia.
Từ hiệu quả cũng như tầm quan trọng của công tác này, cơ quan chức năng khẳng định sẽ không vì dịch cúm mà việc kiểm tra nồng độ cồn bị chùng xuống.
Thông tin từ UBATGTQG cho biết, trong tháng 1/2020- cũng là thời điểm bắt đầu thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện theo Nghị định 100 của Chính phủ, toàn quốc xảy ra 1.300 vụ TNGT, làm chết 591 người và làm bị thương 968 người. Bình quân mỗi ngày có 17 người chết do TNGT, giảm khoảng 17,2% so với số người chết bình quân mỗi ngày của năm 2019.
Như vậy, số người chết vì TNGT trong tháng 01/2020 giảm hơn 100 người so với mỗi tháng của năm 2019. Số liệu do Bộ Y tế đưa ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng cho thấy, số lượng ca cấp cứu tại các bệnh viện giảm 18,7%. Điều đó cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người dân khi tham gia giao thông. Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG phân tích:
“Cái kết quả rất đáng mừng, mừng một phần vì chuyện giảm TNGT, nhưng điều mừng hơn đó là sự thay đổi, thay đổi trong hành vi của người dân, người dân đã chủ động hơn trong việc tìm phương án đi lại cho mình trong trường hợp mình phải dự tiệc, trong trường hợp phải tham gia những bữa ăn có uống rượu bia, hoặc chủ động từ chối”.
Tại nhiều địa phương, sau một tháng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, tình hình TTATGT cũng ghi nhận chuyển biến rất rõ nét. Tại Hà Nội, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2020, đơn vị đã xử lý 334 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, trong đó có 95 trường hợp bị xử phạt mức cao nhất.
Nhờ vậy, trong tháng 1/2020, toàn thành phố chỉ xảy ra 68 vụ TNGT, làm 27 người chết, 44 người bị thương, không hề xảy ra vụ TNGT nào từ mức nghiêm trọng trở lên. So với cùng kỳ, TNGT giảm 47 vụ, giảm 25 người chết, giảm 31 người bị thương.
Theo Thiếu tá Đào Việt Long, từ kết quả này, lực lượng CSGT công an TP. Hà Nội đã đề xuất tiếp tục tăng cường thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm góp phần kéo giảm TNGT:
“Quan điểm của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội chúng tôi thì tất cả các hành vi trong Nghị định 100 cũng như Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì những chuyên đề của chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý. Tuy nhiên không giống tháng cao điểm, thì đối với lực lượng tuần tra kiểm soát thực hiện chuyên đề xử lý theo rượu bia thì chúng tôi sẽ xử lý cả với những hành vi vi phạm khác”.
Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cũng cho biết, sau 1 tháng, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện đối với hàng trăm trường hợp, thông báo rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh.
Theo ông Sơn, chính nhờ nỗ lực đó, màviệc chấp hành quy định về nồng độ cồn đã có sự thay đổi lớn ngay cả với đồng bào dân tộc thiểu số, mà lâu nay bia rượu là một phần không thể thiếu trong tập quán ẩm thực và sinh hoạt đời sống văn hóa:
“Quan điểm của chúng tôi và đề xuất với UBND tỉnh là vẫn tiếp tục làm trong khi có dịch và chúng tôi cũng yêu cầu công an tỉnh Lào Cai chỉ đạo công an các huyện, thị xã và yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng thực thi công vụ làm kiên quyết, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đối với lực lượng CSGT thì kiểm tra xử lý phạt và chuyển về địa phương, đối với các lực lượng khác thì kiểm tra, kiểm điểm nhắc nhở tại cơ quan”.
Trước những kế quả tích cực từ chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tình hình TTATGT, nhiều người dân cũng bày tỏ mong muốn những nỗ lực này sẽ được tiếp tục được thực hiện kiên trì, bền bỉ:
“Sau khi có Nghị định 100 thì bản thân tôi cũng rất nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Mọi năm đến nhà nào cũng phải uống rượu, tuy nhiên năm nay quán triệt tất cả là đến chỉ uống chè thôi”.
“Thỉnh thoảng đi trên đường mấy ngày này gặp mấy chú say xỉn chạy rất ghê, nếu mấy chuyện này mà nhà nước mình làm gắt hơn thì sẽ tốt cho mọi người hơn”.
“Tôi đã vào Bệnh viện Việt Đức rồi tôi biết, TNGT kinh khủng quá, cho nên chương trình này làm rất đúng”.
“Cái đó chúng ta nên làm từ rất lâu rồi, bởi vì có rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ rượu bia”.
Lo ngại dịch bệnh lây lan là nỗi lo chính đáng, nhưng nếu nhìn vào mức độ thiệt hại về người do TNGT gây ra thì TNGT còn đáng lo ngại hơn dịch bệnh
Kết quả đảm bảo trật tự ATGT trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, đặc biệt là cả tháng 1/2020 cho thấy hiệu quả tích cực từ việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Do vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, dù ngay cả trong bối cảnh dịch cúm đang đe dọa cộng đồng, thì việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn cần được tiếp tục thực hiện, bởi mức độ nguy hại của TNGT nói chung - đặc biệt là tai nạn do rượu bia gây ra thậm chí còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh:
Không có lý do để “chùng” xuống
Giảm hơn 100 người chết do TNGT ngay trong tháng đầu năm 2020 so với mức bình quân mỗi tháng của năm 2019 - Việc TNGT giảm mạnh ngay trong tháng cao điểm nhất, phức tạp nhất của tình hình TTATGTcủa cả một năm, là minh chứng thuyết phục cho hiệu quả của cuộc chiến đẩy lùi “ma men” sau tay lái.
Hầu hết những tài xế kinh doanh vận tải nói không với rượu bia. Những bàn tiệc không bia rượu cũng không còn là chuyện lạ. Có những ca làm việc của cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT, Bộ Công an kiểm tra gần 200 người điều khiển phương tiện nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.
Không chỉ ở thành phố, mà các vùng ngoại thành, nông thôn, ngay cả đi trong đường làng ngõ xóm, người dân cũng nhắc nhau nghiêm chỉnh chấp hành, đã lái xe là không bia rượu.
Từ chỗ còn có những ý kiến băn khoăn nghi ngờ này nọ trong mấy ngày đầu ra quân “phạt nặng” nồng độ cồn, sau một tháng, gần như không còn luồng ý kiến này, mà ai nấy đều chủ động gọi taxi, xe ôm, hay bố trí người tỉnh táo đưa đón, nếu có kế hoạch uống bia rượu. Đó là một sự thay đổi rất lớn trong thái độ chấp hành, cho thấy chuyển biến về ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông.
Trước băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua kiểm tra nồng độ cồn, một số ý kiến đề xuất tạm dừng việc kiểm tra nồng độ cồn. Cục CSGT cũng đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có ý kiến chính thức nêu việc sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở theo nguyên tắc mỗi người sẽ dùng một một ống thổi riêng, sau khi thay ống thổi mới thì sẽ không còn tồn lưu khí thở của người cũ trong thiết bị nữa. Vì vậy, thực hiện theo đúng quy trình thì sẽ không có nguy cơ bị lây nhiễm vi rút từ người này sang người khác.
Chia sẻ tại một buổi họp trực tuyến mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội – người liên tục “chiến đấu” để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được ban hành cũng chia sẻ, rất nhiều ý kiến mong muốn Luật này đi vào cuộc sống.
Lo ngại dịch bệnh lây lan là nỗi lo chính đáng, nhưng nếu nhìn vào mức độ thiệt hại về người do TNGT gây ra mỗi năm làm chết hơn 7.600 người, mỗi tháng làm chết hơn 600 người thì ở góc độ nào đó, TNGT còn đáng lo ngại hơn cả dịch bệnh. Hơn nữa, đó lại là một loại “dịch bệnh” đã tồn tại nhức nhối hàng chục năm nay.
Nó nguy hiểm hơn nữa bởi đã từng tồn tại trong sự bàng quan, thậm chí chấp nhận của một bộ phận người tham gia giao thông, trái ngược hoàn toàn với tinh thần cảnh giác, đề phòng, sốt sắng của người dân trước những con virus.
Và ngay cả khi các kết quả bước đầu về thay đổi trong lựa chọn phương án giao thông của người dân là rất khả quan, nhưng một tháng vẫn là quá ngắn ngủi để thay đổi thói quen cố hữu trong việc rượu bia rồi lái xe, là chưa đủ để tạo lập bền vững hành vi an toàn cho người tham gia giao thông – nhất là nhóm người lâu nay thường xuyên bia rượu.
Và kết quả của một tháng vẫn là quá mong manh trong một cuộc chiến đầy cam go. Mọi thứ hoàn toàn có thể trở về vạch xuất phát, thậm chí tệ hơn, nếu “cuộc chiến” này chùng xuống.
Và bởi vậy, không có lý do gì để ngừng thổi nồng độ cồn, ngừng ngăn chặn và xử lý các vụ tai nạn được báo trước do “ma men” gây ra, một khi sự bình an của mỗi gia đình, sự trật tự an toàn của xã hội vẫn là mục tiêu nhân văn mà chúng ta hướng tới./.